Ăn uống như thế nào để phòng bệnh ngày nắng nóng?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong những ngày nắng nóng, cần tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C, magie, kẽm, đạm, uống đủ nước, tránh ra ngoài đường trong thời gian cao điểm.

Những bệnh thường gặp khi trời nắng nóng

Bác sĩ chuyên khoa 1 Phạm Thị Thanh Hằng - Phó trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhân Dân 115, cho biết khi thời tiết nắng nóng, cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ cao trong thời gian dài, sẽ dẫn đến mất nước, mất cân bằng điện giải và rối loạn điều hòa nhiệt, gây ra say nắng, sốc nắng, chuột rút do nhiệt, mệt mỏi do nhiệt, cơ thể suy kiệt... Trong trường hợp này cần đưa người bệnh vào nơi mát, nới lỏng quần áo, làm mát bằng nước lạnh, quạt gió, bù nước và đưa đến cơ sở cấp cứu gần nhất.

Ngoài ra, khi nắng nóng thực phẩm dễ ôi thiu, nhiễm khuẩn (vi khuẩn Salmonella, E. coli, virus Rota…) gây tiêu chảy cấp, ngộ độc thực phẩm. Mùa hè không khí ẩm khiến muỗi càng dễ sinh sôi, nảy nở gây nên bệnh sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm khác..

Các bệnh về da như rôm sảy, viêm da do nhiệt cũng khá phổ biến do mồ hôi tiết nhiều gây bít tắc tuyến mồ hôi. Môi trường nóng ẩm cũng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm phát triển gây nấm da, viêm nang lông.

Bên cạnh đó, do sử dụng điều hòa quá lạnh hoặc thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ gây nên các bệnh hô hấp như viêm họng, viêm mũi dị ứng, viêm phổi, viêm phế quản....

Người cao tuổi, người có bệnh nền dễ bị ảnh hưởng khi thời tiết nóng có thể làm tăng nguy cơ cao huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Nắng nóng cũng có thể ảnh hưởng giấc ngủ, sức khỏe và tinh thần, mất tập trung…

Người dân tìm chỗ nấp dưới tiết trời nắng nóng gay gắt
Người dân tìm chỗ nấp dưới tiết trời nắng nóng gay gắt

Cách bổ sung dinh dưỡng ngày nắng nóng

Theo bác sĩ Hằng, để phòng bệnh ngày nắng nóng, trong ăn uống cần chú ý bảo quản thực phẩm tránh ôi thiu, bổ sung đủ nước và vitamin khoáng chất.

Vitamin C: Khi trời nắng nóng, làn da của chúng ta tiếp xúc với nhiều tia UV hơn. Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh giúp trung hòa các gốc tự do này và bảo vệ da khỏi bị hư hại. Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C gồm trái cây như cam, kiwi, chanh, bưởi, cà chua, dâu tây, bông cải xanh, đu đủ...

Magiê: Nắng nóng chúng ta có xu hướng đổ mồ hôi nhiều hơn do nhiệt độ cao hơn và hoạt động thể chất tăng lên, điều này có thể dẫn đến mất cân bằng điện giải. Thực phẩm giàu magiê gồm hạt chia, quả hạnh, rau chân vịt, hạt điều, đậu phộng, sữa đậu nành, sô cô la đen.

Kali: Nắng nóng, chúng ta có xu hướng mất nhiều kali hơn qua mồ hôi, dẫn đến chuột rút, mệt mỏi và yếu cơ. Thực phẩm giàu kali gồm đậu, đậu lăng, bông cải xanh, trái bơ, chuối, trái cây sấy khô như nho khô và quả mơ.

Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C trong những ngày nắng nóng như cà chua, dâu tây...
Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C trong những ngày nắng nóng như cà chua, dâu tây...

Kẽm: Trong những tháng mùa hè, chúng ta có thể dễ bị nhiễm trùng hơn do tiếp xúc nhiều với vi khuẩn và vi rút, vì thế bạn cần hỗ trợ hệ thống miễn dịch. Thực phẩm giàu kẽm gồm: sữa chua, hạt điều, quả hạch, các loại ngũ cốc, hạt bí.

Chất đạm: Hải sản, trứng, sản phẩm từ sữa, các loại đậu, hạt

Nước: Uống đủ nước giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể, ngăn ngừa tình trạng mất nước, hỗ trợ hệ tiêu hóa và làn da khỏe mạnh. Uống ít nhất 8-10 ly nước mỗi ngày và tiêu thụ các loại thực phẩm cung cấp nước như dưa hấu, dưa chuột và trái cây họ cam quýt

"Khi đi ra đường nên chọn quần áo rộng rãi, sáng màu, thấm hút mồ hôi tốt. Đội mũ rộng vành, đeo kính râm và sử dụng kem chống nắng SPF 30+ khi ra ngoài. Tránh ra ngoài từ 10-16 giờ khi tia UV cao nhất. Nếu bắt buộc, cần tìm nơi râm mát nghỉ ngơi xen kẽ. Nhận biết sớm các triệu chứng say nắng (chóng mặt, da đỏ nóng, lơ mơ) để có biện pháp xử lý kịp thời", bác sĩ Hằng khuyến cáo.

Theo Lê Cầm (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tăng tốc chiến dịch tiêm vắc xin phòng-chống dịch sởi

Gia Lai tăng tốc chiến dịch tiêm vắc xin phòng-chống dịch sởi

(GLO)- Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi, tỉnh Gia Lai khẩn trương triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng-chống dịch sởi, phấn đấu hoàn thành vào 31-3-2025. Mục tiêu chung của chiến dịch là tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh sởi.

TP. HCM: Bắt đầu công bố hết dịch sởi

TP. HCM: Bắt đầu công bố hết dịch sởi

Sáng 27-3, Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện có 22 phường, xã thuộc Quận 1, 4 và huyện Củ Chi đủ điều kiện công bố hết dịch sởi, Sở Y tế đã có báo cáo và đề nghị UBND TPHCM ban hành quyết định công bố hết dịch sởi tại các phường xã này theo quy định.

Phú Thiện triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng-chống dịch sởi

Phú Thiện triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng-chống dịch sởi

(GLO)- Từ ngày 26-3 đến 31-3-2025, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng-chống dịch sởi với mục tiêu chung tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng nhằm chủ động phòng-chống dịch sởi, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh sởi trên địa bàn huyện.

Bác sĩ khám bệnh cho chị Ksor Hlai (làng Chan, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ). Ảnh: N.N

Bệnh lao tiềm ẩn trong cộng đồng

(GLO)- Mỗi năm, toàn tỉnh Gia Lai phát hiện khoảng 700 bệnh nhân lao. Hiện vẫn còn khoảng 40% bệnh nhân lao tiềm ẩn trong cộng đồng, là nguồn lây lan bệnh nếu không kịp thời điều trị. Ngoài ra, số bệnh nhân lao kháng thuốc gia tăng đang là gánh nặng trong công tác phòng-chống lao tại tỉnh.