Ăn sương ngủ gió: Có một cơn sốt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sinh kế của hàng ngàn người phụ thuộc vào những vuông tôm nội đồng, ròng rã đã 20 năm 'cơn sốt'...

Nhiều hộ dân tại khu vực rạch Vàm Lẽo - sông Bạc Liêu đang áp dụng mô hình nuôi tôm ao bạt - ẢNH: PHẠM THU NGÂN
Nhiều hộ dân tại khu vực rạch Vàm Lẽo - sông Bạc Liêu đang áp dụng mô hình nuôi tôm ao bạt - ẢNH: PHẠM THU NGÂN


Nhiều cư dân sống ở vùng ngã ba sông Bạc Liêu - rạch Vàm Lẽo đã chuyển đổi canh tác, từ bỏ nghề lúa sang nuôi tôm. Họ nói, sinh kế của hàng ngàn người ở khu vực này phụ thuộc vào những vuông tôm nội đồng, ròng rã đã 20 năm “cơn sốt”...

Rạch Vàm Lẽo là ranh giới địa phận hai tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu, nằm phía nam QL1A, hợp lại với sông Bạc Liêu và sông Cổ Cò, từ đó theo hướng đông bắc nhập vào sông Mỹ Thanh đổ ra Biển Đông. Đa số người dân khu vực này nuôi trồng thủy sản (nuôi chủ lực tôm sú và tôm thẻ chân trắng) dựa vào hệ thống thủy lợi là các con kênh, mương nội đồng. Sản lượng khu vực tôm nuôi tại đây đóng góp không nhỏ vào sản lượng tôm nuôi cả nước. Thế nhưng, không nhiều người biết nghề nuôi tôm ở đây nói riêng và ĐBSCL nói chung lại đi sau cả nước, mới phát triển chừng 2 thập kỷ qua.

 

 Người dân ở xã Gia Hòa 2 vẫn còn trồng lúa hoặc làm luân canh lúa - tôm
Người dân ở xã Gia Hòa 2 vẫn còn trồng lúa hoặc làm luân canh lúa - tôm


“...Mở cờ trong bụng”

Ông Bé (81 tuổi, ngụ xã Hưng Thành, H.Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) còn nhớ rất rõ khoảng thời gian bà con lối xóm của mình chuyển sang nuôi tôm. Ông kể, gia đình ông có 50 công đất (tức 5 ha), nay đã chia đều cho con cái để nuôi tôm. Cách đây chừng hơn 30 năm, khu vực này còn rất hoang vu, người dân bám ruộng trồng lúa. Đây cũng là vùng nước mặn quanh năm nên sinh hoạt chủ yếu nhờ dự trữ nước mưa và giếng nước. Thế nên, muốn trồng lúa phải đợi đến mùa mưa.

 


Tranh chấp “mặn - ngọt”

Nghe người dân kể, lúc mới xong công trình ngọt hóa, không chỉ riêng tại đây, nhiều nơi khác của bán đảo Cà Mau đã nảy lên tranh chấp, mâu thuẫn xoay quanh nguồn nước mặn để nuôi tôm và nguồn nước ngọt để trồng lúa, trồng cây ăn quả... Không ít lần người dân đòi phá các cống, đập ngăn mặn để nuôi tôm; còn người trồng lúa khiếu kiện vì việc nhiều vùng nuôi tôm điều tiết nước mặn, làm tình trạng xâm nhập mặn ngày càng phức tạp, không thể trồng lúa.

Trong Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Bạc Liêu quy hoạch vùng bắc QL1 thành hai tiểu vùng: vùng sản xuất lúa ổn định (diện tích ở phía đông kênh Quản Lộ - Giá Rai, kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp và kênh Ngan Dừa) và sản xuất tôm - lúa, nuôi tôm quảng canh cải tiến. Còn vùng nam QL1 sẽ chuyên tôm. Đây được xem là một trong những giải pháp góp phần thực hiện điều tiết nước phục vụ sản xuất lúa, tôm.

“Quanh năm chỉ làm được một vụ lúa. Sau này, địa phương xẻ kênh, dẫn nước ngọt vùng trên về (tức công trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau, theo dự án Quản Lộ - Phụng Hiệp bắt đầu từ năm 1990 và hoàn thành vào khoảng từ năm 1997 - 2000 - PV), người dân có thể làm được hai đến ba vụ”, ông Bé nói.

“Nhưng ngặt nỗi, cố đấm ăn xôi, làm ruộng trần ai lắm! Các giống lúa cổ lùn, 42, hạt tiêu... nhiều khi điêu đứng vì năng suất thấp. Khoảng 20 năm trước, giá bán chừng 20.000 đồng/giạ lúa (tương đương 20 kg). Phải bán 20 giạ lúa mới mua được một chỉ vàng. Quanh năm nhà nào cũng ráng làm một vụ, dự trữ bồ lúa để dành ăn, nếu kẹt tiền thì lôi lúa ra đạp (xay xát thành gạo) để bán. Có rất nhiều hộ phải vay tiền các chủ thu mua để xài trước, chờ mùa nước ngọt tới, có lúa bán trả sau”, ông Bé lắc đầu, nói tiếp: “Số phận phó thác cho trời. Chưa kể, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, nhất là cơn bão Linda năm 1997. Ra đồng nhìn thấy lúa sập (ngã rạp) hết, ai cũng đứt ruột. Thành thử, cỡ năm 1998 - 1999 nghe có giống tôm sú thuần nước mặn, lợ phù hợp với sông nước miền Tây, người dân ở đây nghe như mở cờ trong bụng”.

Ông Phạm Minh Dương (chuyên phân phối tôm giống ở hai tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng) cho biết, giống tôm biển về VN cỡ hơn 40 năm trước nhưng là ở miền Bắc. Sau đó, giống tôm sú sản xuất ở miền Trung rồi về miền Tây cỡ 20 năm nay. Khoảng năm 2001, tại vùng Vĩnh Lợi có rất ít cơ sở sản xuất giống, muốn bắt tôm (tức chọn giống về nuôi) phải đi xuồng vào khu Nhà Mát (Bạc Liêu). Đã có nhiều hộ nuôi trúng, nên từ từ nhà nhà nườm nượp kháo nhau bỏ lúa để nuôi tôm. Kéo theo đó, khoảng năm 2003 - 2005, hàng chục cơ sở tôm giống xuất hiện ở H.Vĩnh Lợi, nếu tính cả ĐBSCL là hàng ngàn cơ sở. Chưa kể còn có các cơ sở thu mua tôm, kinh doanh thức ăn, thuốc thú y thủy sản... ồ ạt mở cửa. Công ăn việc làm nhiều hơn, người dân cũng dần đổi đời, khấm khá.

 

 Tôm thẻ ngày càng được người dân chuộng nuôi
Tôm thẻ ngày càng được người dân chuộng nuôi


Nhiều mô hình mới

Tại xã Hưng Thành, 20 năm qua, người dân canh tác theo nhiều mô hình khác nhau, nhưng hiện nay chủ yếu là nuôi tôm thâm canh (tức kiểm soát được quá trình tăng trưởng, sản lượng của tôm; nuôi tôm dựa vào nguồn thức ăn bên ngoài - PV). Ngoài ra còn có mô hình bán thâm canh (kiểm soát một phần quá trình tăng trưởng, sản lượng của tôm; gồm nguồn thức ăn tự nhiên và bên ngoài - PV) hay siêu thâm canh thả mật độ dày... Với mô hình thâm canh, các hộ chọn nuôi trong vuông (ao, hồ) đất có diện tích khoảng 700 - 1.000 m2/vuông, mật độ thả khoảng 20 con/m2.

 


UBND xã Hưng Thành (H.Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) cho biết: Năm 2020, tổng diện tích nuôi thủy sản (với vùng chuyên tôm và lúa - tôm) tại xã hơn 2.750 ha, diện tích thu hoạch hơn 2.115 ha, tổng sản lượng đạt gần 5.775 tấn. Còn tại xã Gia Hòa 2 (H.Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) có diện tích thả tôm hơn 1.900 ha (trong đó diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng là 1.100 ha), tổng sản lượng khoảng 4.047 tấn. Bình quân lợi nhuận nuôi tôm thẻ đạt 76 triệu đồng/ha, tôm sú 57 triệu đồng/ha (giảm khoảng 13 -14 triệu đồng so với cùng kỳ).

Rảo quanh nhiều khu vực nuôi tôm tại các ấp Hoàng Quân 1, Hoàng Quân 2 (xã Hưng Thành) dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, mới thấy có nhiều nhà “chịu chơi”, lên đời nuôi tôm trong vuông lót bạt (nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao). Nuôi vuông bạt đòi hỏi phải lắp đặt rất nhiều hệ thống ô xy đáy và quạt nước, thả mật độ dày đặc khoảng 150 - 300 con/m2 (gấp từ 7,5 - 10 lần mô hình thâm canh thông thường), nên chi phí đầu tư ít nhất cũng 500 triệu đồng. Trong mô hình này, còn có dạng vuông lót bạt bờ, vuông lót bạt đáy, vuông bạt kết hợp nhà lưới hay mô hình nuôi vuông bạt nhà kín mà một số tập đoàn, công ty tôm giống lớn ở khu ven biển tỉnh Bạc Liêu áp dụng.

Nhiều hộ dân cho biết quy trình nuôi tôm vuông đất cũng đơn giản. Trước khi bắt đầu mùa vụ, vuông nuôi phải được tháo cạn nước, cải tạo rồi phơi vuông gần tuần lễ. Sau đó, đợi kênh, mương đạt mức nước mặn đúng yêu cầu là có thể dẫn nước vào. Với tôm sú, độ mặn đạt từ 15 - 25‰, tôm thẻ có phần “dễ chịu” hơn với độ mặn trong khoảng từ 5 - 25‰, nhưng từ 10 - 20‰ là ngưỡng “ngon lành” nhất. Rồi đến công đoạn thả tôm, chăm sóc, thu hoạch. Mật độ thả tôm tùy theo diện tích vuông nuôi và điều kiện của từng người.

Phía bên kia rạch Vàm Lẽo về phía bắc xã Hưng Thành là địa phận xã Gia Hòa 2, H.Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Chính quyền địa phương cho hay nơi đây ít chịu tác động của xâm nhập mặn nên vẫn còn nhiều hộ trồng lúa, sản xuất luân canh lúa - tôm (còn gọi là quảng canh cải tiến, tôm được nuôi vào mùa khô, nước lợ; lúa được trồng trong mùa mưa, nước ngọt - PV). Ngoài ra, nhiều hộ còn “thả lang” (quảng canh), kết hợp trồng giống lúa chịu mặn với thả tôm thẻ, kết hợp nuôi tôm thẻ với tôm càng xanh...

Điều đặc biệt, sản lượng tôm thẻ chân trắng trong 10 năm trở lại đây ngày càng chiếm tỷ lệ lớn. Anh Lê Văn Lục (31 tuổi, nuôi tôm ở xã Gia Hòa 2) lý giải: “Cho tôm sú ăn ban ngày phải ngày hai cữ, ban đêm một cữ. Còn nuôi tôm thẻ chỉ cần 4 cữ ban ngày. Thời gian nuôi tôm thẻ tới lúc thu hoạch ngắn hơn, khoảng từ 3 tháng. Ngoài ra, tôm thẻ cũng ít bệnh hại hơn, năng suất lại cao hơn”, anh Lục nói.

(còn tiếp)
Theo PHẠM THU NGÂN (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.