(GLO)- Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, chúng tôi đi cùng các anh, chị ở Phòng Chính trị Binh đoàn 15 lên các xã biên giới tỉnh Kon Tum để phối hợp với các đơn vị thành viên tổ chức cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn đứng chân ăn Tết cổ truyền dân tộc. Đây là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc nhằm khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc và thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn bó máu thịt quân-dân đã được Binh đoàn duy trì trong những năm gần đây mỗi khi Tết đến Xuân về.
Rộn ràng ngày hội “Bánh chưng xanh-vui Tết quân dân”.
Nấu bánh chưng tại ngày hội “Bánh chưng xanh-vui Tết quân dân”. Ảnh: N.T.D |
Mặc cái nắng như thiêu như đốt, sân bóng làng Giang Lố 2 (xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) vẫn rất đông bà con đến tham gia ngày hội “Bánh chưng xanh-vui Tết quân dân” do Phòng Chính trị Binh đoàn 15 phối hợp với Công ty 732 tổ chức. 6 chiếc trại của Đoàn viên thanh niên (ĐVTN) Công ty 732, Đồn Biên phòng Sa Loong, Công an huyện, Huyện Đoàn và Xã Đoàn đã được dựng lên với đủ sắc màu, một tấm phông lớn được in ấn rất bắt mắt trang trí trên sân khấu tô điểm cho cảnh sắc nơi đây thêm rực rỡ.
Tất cả các nội dung thi: cắm trại đẹp, gói và nấu bánh chưng, trang trí cây mai, “Mâm cơm ngày Tết”, kéo co; giao lưu văn nghệ, đốt lửa trại… đều được các các đội khéo léo thể hiện sự sáng tạo của mình. Hoạt động nào cũng gây hào hứng và tạo hiệu ứng tích cực không chỉ đối với các đội thi mà với cả dân làng. Đặc biệt là phần giao lưu văn nghệ và đốt lửa trại đêm 20-1 (tức 23 Âm lịch). Các tiết mục văn nghệ với sự dàn dựng công phu được các đội thể hiện một cách sinh động, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người xem. Đặc biệt là phần biểu diễn cồng chiêng của bà con trên địa bàn. Tiếng hát quyện vào tiếng cồng, tiếng chiêng dìu dặt, réo rắt khiến người không biết tiếng địa phương như tôi cũng cảm thấy xao lòng. “Lời bài hát “Con chim Jir” mà bà con hát vừa thể hiện tình yêu đôi lứa vừa có ý nghĩa kêu gọi những người lầm đường, lạc lối trở về với gia đình, với buôn làng. Chính bài hát này đã thúc giục những người đi theo tà đạo “Hà Mòn”, bỏ trốn ra rừng mấy năm trước trở về. Đến nay, 100% số hộ theo tà đạo “Hà Mòn” ở làng Giang Lố 2 đã ký cam kết từ bỏ đạo, yên tâm làm ăn sinh sống, xây dựng quê hương. Ngày Hội hôm nay có ý nghĩa rất lớn, không những tạo sân chơi lành mạnh mà còn truyền dạy văn hóa gói bánh chưng thờ tổ tiên trong Tết cổ truyền dân tộc cho thế hệ trẻ, giúp họ gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông, góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết quân-dân; củng cố, xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; bảo đảm giữ gìn an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn”-bà Y Tin-Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Sa Loong chia sẻ.
Ban Giám khảo chấm điểm kỹ thuật gói bánh chưng tại ngày hội “Bánh chưng xanh-vui Tết quân dân” tại làng Giang Lố 2, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Ảnh: N.T.D |
Trưa hôm sau, ngày Hội kết thúc trong sự tiếc nuối của mọi người. Tất cả số bánh chưng được ban Tổ chức tặng bà con trên địa bàn (mỗi hộ 1 cặp) cùng 300 suất quà, với mong muốn gửi gắm tấm lòng của tuổi trẻ lực lượng vũ trang và tuổi trẻ huyện nhà đến bà con nhân dịp Tết đến. Ngoài ra, tại các làng kết nghĩa khác, Công ty 732 cũng tổ chức tặng quà và bánh chưng cho tất cả các hộ để bà con ăn Tết cổ truyền dân tộc thêm ấm áp, vui vẻ, đủ đầy.
Đầm ấm bữa cơm quân-dân
Chia tay cán bộ, chiến sĩ Công ty 732, tôi tiếp tục sang Công ty 78 (xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum). Quãng đường dài khoảng 50 cây số nhưng phải gần 3 giờ đồng hồ sau chúng tôi mới có mặt tại trụ sở Công ty 78.
Mặt trời vừa ló dạng, tôi đã cảm nhận được cái nóng hầm hập của thời tiết nơi đây. Ngồi trên xe xuống làng ăn Tết với bà con, tôi tranh thủ trao đổi với Đại tá Nguyễn Thăng Thanh-Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công ty. Anh vui vẻ cho biết: Công ty đứng chân trên địa bàn 7 làng thuộc xã Mo Rai. 100% dân số trên địa bàn là người Jrai và Rơ Mâm. Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, đơn vị lại chăm lo Tết cho bà con các làng trên địa bàn đứng chân. Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017, Công ty càng có sự quan tâm hơn. Công ty cấp cho mỗi đội sản xuất 1 con heo khoảng 60- 80 kg và gạo nếp để gói bánh chưng tặng bà con và tổ chức ăn Tết tập trung tại nhà rông của làng; đồng thời tặng gạo cho các hộ khó khăn. Tổng kinh phí 128 triệu đồng. Việc làm này thể hiện sự tri ân với đồng bào trên địa bàn đứng chân và cũng là phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội cụ Hồ” đối với nhân dân.
Đội cồng chiêng làng Rẽ, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum biểu diễn trong ngày vui ăn Tết sớm cùng bộ đội Công ty 78. Ảnh: N.T.D |
Từ rất xa, chúng tôi đã nghe tiếng trống, tiếng chiêng ở làng Rẽ (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy). A Tam-Thôn trưởng phấn khởi khoe: “Về cồng chiêng làng mình đứng thứ nhất của xã. Làng có 2 đội cồng chiêng, đội trẻ và đội già. Đội trẻ 35 người (đã lựa ra người giỏi). Đội già tính theo bộ chiêng, tầm 12- 15 người. Xoang thì ai biết múa đều theo được, không giới hạn người tham gia. Từ ngày đội sản xuất Công ty 78 kết nghĩa với làng, giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi nên đời sống bà con được nâng lên, ai cũng mừng. Có mấy hộ thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Năm nay dân làng ăn Tết với bộ đội rất vui. Đội cồng chiêng tập từ đêm hôm qua để hôm nay biểu diễn không ai mắc lỗi.
Chúng tôi đến làng KĐin khi cơm đã được dọn ra. Thượng tá Bùi Bảo Hưng- Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Lân (707) đưa tay quệt vội những giọt mồ hôi trên trán cho hay: Nhân dịp Công ty tổ chức cho bà con làng KĐin ăn Tết, Đồn tổ chức tặng 25 cặp bánh chưng và quà cho các hộ khó khăn trên địa bàn. Ngoài ra, tặng 5 suất quà và số tiền 1,5 triệu đồng/quý cho 5 em thuộc chương trình “Nâng bước em đến trường”.
Lãnh đạo Binh đoàn và lãnh đạo Công ty 78 tặng quà cho bà con làng Rẽ, xã Mô Rai. Ảnh: N.T.D |
Khệ nệ bê túi quà ra cổng, em Yêng-làng KĐin cởi mở: Năm nào Công ty 78 cũng tổ chức cho bà con ăn Tết rất vui. Bánh bộ đội gói rất đẹp. Em rất biết ơn vì được nhận món quà này.
Nguyễn Thị Dung