(GLO)- Trong nắng vàng tháng ba Tây Nguyên mật ngọt và ngày kỷ niệm lớn, các thế hệ công tác tại Báo Gia Lai lại bồi hồi, xúc động và sôi nổi tham gia các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống (16/3/1947-16/3/2022).
Một ngày đáng nhớ
Ngày 16-3-1947, tại làng Thuận Nghĩa, huyện Bình Khê (nay là khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn), tỉnh Bình Định, Tỉnh ủy Gia Lai cho ra đời tờ báo mang tên “Sáng”. Đây là cơ quan ngôn luận của Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin tỉnh Gia Lai. Tờ báo có nhiệm vụ phổ biến học thuyết vô sản, đường lối chính sách của Đảng Cộng sản Đông Dương, thâm nhập các chủ trương của Đảng bộ tỉnh vào quần chúng nhân dân, tuyên truyền, vận động xây dựng cơ sở cách mạng.
Tháng 10-1947, để phù hợp với tình hình, tờ Thông tin Gia Lai và báo Sáng đình bản, thay bằng tờ Nỗ Lực. Cuối năm 1952, tờ Nỗ Lực ngừng xuất bản, chuyển sang in ấn truyền đơn, tài liệu, áp phích, bản tin chiến sự chuyển phát cho các đội tuyên truyền, vận động cách mạng. Sau Hiệp định Genève, Tỉnh ủy Gia Lai ra nội san tuyên truyền lấy tên Vững Tiến và các bản tin in bằng tiếng Jrai, Bahnar do Văn phòng Tỉnh ủy đảm nhận. Đầu năm 1957, Vững Tiến đổi tên thành Thống Nhất có nhiệm vụ đấu tranh vạch rõ âm mưu, thủ đoạn của chế độ Diệm-Nhu: lập dinh điền, dồn dân lập ấp, đàn áp đẫm máu những người cộng sản; kêu gọi Nhân dân tin tưởng, ủng hộ cách mạng. Năm 1961, Thống Nhất đổi tên thành Quyết Thắng nhằm cổ vũ Nhân dân trong tỉnh vùng lên đánh thắng giặc Mỹ xâm lược cùng bè lũ tay sai. Cuối năm 1965, Quyết Thắng tiếp tục đổi tên thành Giải Phóng và có nhiều tiến bộ trong tổ chức thực hiện nội dung, hình thức.
Ngày 4-3-1975, Chiến dịch Tây Nguyên nổ ra. Phóng viên Báo Giải Phóng theo sát tình hình, cung cấp thông tin kịp thời, được cán bộ, đảng viên và người dân hồ hởi theo dõi. Sau ngày giải phóng tỉnh 17-3-1975, báo Giải Phóng đổi tên thành Gia Lai-Kon Tum, ra số đầu tiên ngày 10-12-1975. Và ngày 2-11-1991, sau khi chia tách tỉnh, 2 địa phương Gia Lai và Kon Tum có tờ báo riêng cho đến hôm nay.
Thành tựu vẻ vang
Sau khi chia tách tỉnh (1991), Báo Gia Lai bước vào giai đoạn đổi mới và phát triển nhanh với hàng loạt ấn phẩm, từ phát hành 2 kỳ lên 3-4 kỳ/tuần, đến xuất bản thêm số cuối tuần và nguyệt san. Sau đó có thêm ấn phẩm báo ảnh bằng 3 ngôn ngữ: Kinh, Jrai, Bahnar. Ngày 16-3-2009, thêm trang điện tử báo Gia Lai ra đời và chuyển thành báo điện tử vào tháng 9-2012.
|
Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với Báo Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy |
Việc chuyển từ in tipô sang in offset là một dấu mốc quan trọng của Báo Gia Lai. Sự thay đổi về công nghệ in ấn cùng với chính sách động viên khích lệ, thi đua lao động sáng tạo đã tạo ra luồng gió mới trong hoạt động của cơ quan. Báo liên tục tăng trang, cải tiến ấn phẩm và cho ra đời ấn phẩm mới nguyệt san đa dạng thông tin tuyên truyền, giải trí. Hiện nay, Báo Gia Lai phát hành liên tục từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần với số lượng trên dưới 10 ngàn bản/kỳ. Cùng với báo ảnh Gia Lai, đơn vị còn phối hợp biên dịch và xuất bản ấn phẩm phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số bằng 3 thứ tiếng Jrai, Bahnar, Kinh của Thông tấn xã Việt Nam. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, Đảng ủy, Ban Biên tập Báo Gia Lai đã lãnh đạo tập thể cán bộ, viên chức, người lao động hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Đồng thời, đảm nhiệm thêm một số công tác và đều hoàn thành xuất sắc, trong đó có việc phối hợp cấp tờ báo Đảng cho đảng viên 30 tuổi Đảng trở lên. Báo Gia Lai điện tử có bước tiến bộ vượt bậc, thường xuyên đổi mới giao diện, nội dung, chuyên trang chuyên mục, khai thác tối đa tính năng để theo kịp xu thế truyền thông đa phương tiện, thu hút lượng truy cập hơn 40 ngàn lượt mỗi ngày.
Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, Báo Gia Lai đã nhận được các phần thưởng cao quý dành cho tập thể và cá nhân gồm: Huân chương Độc lập hạng nhì; Huân chương Độc lập hạng ba; 3 Huân chương Lao động hạng nhất; Huân chương Giải phóng hạng ba của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (năm 1964); nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh; nhiều bằng khen, phần thưởng của các bộ, ngành. |
Đặc biệt, đội ngũ lãnh đạo, quản lý, phóng viên, biên tập viên được bổ sung lực lượng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt, nhất là về chuyên môn, tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức. Những vấn đề quan trọng, nhiệm vụ chính trị trọng tâm, dòng thời sự chủ lưu đều được Ban Biên tập chỉ đạo tuyên truyền kịp thời, đầy đủ, đúng định hướng. Do làm tốt công tác phát động, hưởng ứng tham gia các cuộc thi báo chí (giải sáng tác văn học nghệ thuật và báo chí tỉnh, giải báo chí Hội Nhà báo tỉnh, giải báo chí quốc gia...) và công tác thi đua khen thưởng nên nhiều phóng viên tích cực tham gia các cuộc thi báo chí, nghiên cứu tìm tòi, phát hiện, đào sâu thực hiện nhiều thể tài, thể loại và giành được những giải thưởng quan trọng. Có thể kể ra như giải A quốc gia trình bày bìa báo xuân năm 2021, giải khuyến khích của Ban Dân vận Trung ương 2020, giải khuyến khích năm 2021 của Trung ương Đoàn, giải báo chí tỉnh về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...
Với những thành tích đạt được, Báo Gia Lai vinh dự được Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban ngành động viên khích lệ và ghi nhận xứng đáng. Đặc biệt là tình cảm và sự yêu mến của lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, công chúng bạn đọc gần xa.
Nỗ lực trong giai đoạn mới
Tự hào với truyền thống vẻ vang, cán bộ, viên chức và người lao động Báo Gia Lai càng nhận thức trách nhiệm nặng nề trong giai đoạn mới. Cách mạng công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo đang tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ, toàn diện buộc truyền thông, báo chí cũng phải thay đổi theo. Mạng xã hội, báo điện tử đang chiếm ưu thế và chi phối nhiều mặt đời sống xã hội. Cơ hội mở ra song thách thức cũng nhiều. Yêu cầu đặt ra đối với người làm báo chuyên nghiệp không chỉ có lòng yêu nghề còn ở khả năng làm chủ công nghệ, tính chuyên nghiệp, đa dạng sản phẩm, truyền thông đa phương tiện, kết nối thông tin với mạng xã hội...
Đó cũng là tinh thần chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy trong buổi làm việc mới đây với Báo Gia Lai. Quan tâm theo dõi tờ báo Đảng địa phương, Thường trực Tỉnh ủy đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực cố gắng, tinh thần trách nhiệm và kết quả mà tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên đạt được, nhất là trong thời gian gần đây. Trong điều kiện nhiều khó khăn thách thức, song Đảng ủy, Ban Biên tập đã đoàn kết thống nhất, bám sát tôn chỉ mục đích, chức năng nhiệm vụ, phản ánh thực tiễn địa phương, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và người dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
|
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên (bìa trái) và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành (bìa phải) tham quan phòng truyền thống Báo Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy |
Trước yêu cầu trong tình hình mới, Thường trực Tỉnh ủy cho rằng tập thể lãnh đạo cơ quan phải bám sát định hướng tuyên truyền của Trung ương, Tỉnh ủy để chỉ đạo hoạt động hiệu quả. Đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng tác phẩm; đẩy mạnh thông tin phản ánh công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai và kết quả thực hiện các nghị quyết chuyên đề cụ thể hóa 4 chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra, Nghị quyết của Tỉnh ủy về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Tập trung chỉ đạo triển khai tốt Đề án phát triển Báo Gia Lai đến năm 2025 đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh-nhấn mạnh: Báo cần chủ động, nhanh nhẹn nắm bắt thông tin, đổi mới nội dung, hình thức, sáng tạo tác phẩm, phản ánh các sự kiện chính trị, hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng, quảng bá hình ảnh Gia Lai đến bạn đọc cả nước. Chuyển tải kịp thời, hiệu quả các quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; chú trọng tuyên truyền nhân rộng các nhân tố mới, tích cực, gương người tốt-việc tốt, các mô hình hay, cách làm hiệu quả. Từng bước chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí. Nghiên cứu học tập cải tiến, đổi mới hoạt động báo chí, thông điệp rõ ràng, hấp dẫn, năng động, hiện đại, có bản sắc và theo kịp xu thế chung. Chủ động tham gia phản biện xã hội, đấu tranh phòng-chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần định hướng dư luận và thực hiện tốt việc tổng kết thực tiễn. Nâng cao vai trò đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu. Quan tâm tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng tay nghề, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên...
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Huỳnh Kiên-Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Gia Lai hứa sẽ cùng với tập thể Đảng ủy, Ban Biên tập xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đầy đủ, nhanh chóng tạo ra sự chuyển biến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống, tự hào với những thành quả đạt được, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban ngành, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, Báo Gia Lai cam kết biến quyết tâm thành hành động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần vào sự phát triển, đi lên của tỉnh nhà.
THẤT SƠN