4 ca nhiễm cúm A/H1pdm tử vong, nguy cơ virus mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tỉnh Bình Định đã ghi nhận 842 trường hợp mắc bệnh cúm, 4 ca tử vong dương tính với cúm A/H1pdm. Bộ Y tế đang yêu cầu đánh giá về virus và tình trạng kháng thuốc điều trị.

10 trường hợp viêm phổi nặng do virus cúm A/H1pdm

Tối nay 4.12, Cục Quản lý khám, chữa bệnh Bộ Y tế cho biết: Sở Y tế tỉnh Bình Định báo cáo địa phương này ghi nhận 842 ca mắc cúm. Trong số 26 trường hợp viêm phổi nặng nghi do virus, có 10 trường hợp dương tính với cúm A/H1pdm; 1 trường hợp cúm B; 9 trường hợp âm tính, 6 trường hợp chưa có kết quả.

Bộ Y tế yêu cầu cơ quan chuyên môn đánh giá về virus cúm A/H1pdm (còn gọi là cúm lợn) và ứng phó khả năng phát sinh virus mới
Bộ Y tế yêu cầu cơ quan chuyên môn đánh giá về virus cúm A/H1pdm (còn gọi là cúm lợn) và ứng phó khả năng phát sinh virus mới

Trong các bệnh nhân cúm nặng, ghi nhận 4 ca tử vong dương tính với cúm A/H1pdm, trong đó, 3 ca tại tại H.Phù Mỹ và 1 ca tại H.Vĩnh Thạnh.

Qua điều tra dịch tễ, các bệnh nhân cúm A/H1pdm ghi nhận tại Bình Định là các ca bệnh đơn lẻ, chưa xác định mối liên quan dịch tễ.

Tại cuộc họp trực tuyến với Sở Y tế Bình Định chiều nay về diễn biến bệnh cúm và đáp ứng điều trị, chuyên gia đầu ngành của Bộ Y tế đánh giá các ca tử vong đều trên 50 tuổi, có nhiều bệnh nền (tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường). Các bệnh nhân đến viện muộn, không được hồi sức tích cực sớm.

Các bệnh nhân khi nhập viện đều viêm phổi nặng, biến chứng suy hô hấp.

Chủ động ứng phó nguy cơ virus mới

Tại cuộc họp, TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn cần làm thêm giải trình tự gen với các các ca viêm phổi virus nặng để loại trừ các chủng virus mới; các bệnh viện tuyến cuối giám sát, phát hiện sớm các ca bất thường; cập nhật, bổ sung hướng dẫn chẩn đoán, điều trị dự phòng cúm mùa và các chủng virus cúm; đồng thời tăng cường công tác tiêm phòng cúm cho các đối tượng nguy cơ cao.

Lãnh đạo Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng yêu cầu các đơn vị điều trị và nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu tình trạng kháng thuốc Oseltamivir (thuốc kháng virus, điều trị bệnh cúm); tăng cường giám sát cúm tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt lưu ý các ca nặng, sớm phát hiện các ca cúm chủng mới.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh cúm mùa thường diễn biến nhẹ, nhưng có thể biến chứng nặng ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già, trẻ em và phụ nữ có thai.

Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong. Hiện nay là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, nhất là cúm mùa.

Để đề phòng lây nhiễm cúm, nên đeo khẩu trang tại nơi đông người; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

Theo Liên Châu (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.