20 năm làng tái định cư đìu hiu, làng cũ vẫn nhộn nhịp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 1999, mấy chục hộ dân làng Kuái chuyển về khu tái định cư cách trụ sở xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) độ chục bước chân với mong ước cuộc sống sẽ khởi sắc. Vậy mà, hơn 20 năm sau, làng cũ vẫn nhộn nhịp, đông vui; trong khi ở làng mới, cảnh vật đìu hiu, cửa nhà im ỉm, người vắng hoe, chỉ có tiếng gió xào xạc.

Ở làng cũ thích hơn làng mới

Cách trung tâm xã Ia Blứ chừng 20 km, giữa một khoảnh đất rộng khoảng 5 sào có mấy chục nóc nhà san sát nhau. Tấp xe vào một ngôi nhà nhỏ hỏi thăm thì tôi biết, đây là làng Kuái cũ. Đung đưa cánh võng bên hiên nhà, anh Siu Bút tâm sự: “Ở trong này, chúng tôi dùng nước suối để nấu ăn, tắm giặt và thắp sáng bằng năng lượng mặt trời, nhưng vẫn thích hơn ở ngoài làng mới. Cũng bởi, làng mới thiếu đất ở, nhiều thế hệ sống chung trong căn nhà xây bé xíu, bức bí lắm. Thế nên, bà con vào đây dựng cái nhà nho nhỏ để ở. Gọi là nhà rẫy nhưng thực là nhà chính, khoảng hơn 50 căn. Hôm nào ưng thì về, còn không thì ở 1-2 tháng mới ra ngoài đó. Lúa gạo trong kho, hàng quán cũng sẵn, tôi ở luôn trong này cho tiện làm đồng. Gia đình tôi có 3 sào lúa với 2 sào mì”.

Dân làng Kuái không thích ở nơi tái định cư mới mà thích ở làng cũ. Ảnh: Hoành Sơn

Dân làng Kuái không thích ở nơi tái định cư mới mà thích ở làng cũ. Ảnh: Hoành Sơn

Tại ngôi nhà sàn ở giữa làng, chị Ksor H'Do sửa soạn đi mót lúa. Chị kể: “Mình có 7 đứa con với 2 đời chồng. Mình gửi 2 đứa sinh đôi đang học lớp 2 ở ngoài làng mới với ông bà ngoại, còn lại thì cho vào đây ở để chăn bò thuê và đi mót lúa kiếm cái ăn. Ở trong này khổ chút nhưng kiếm cái ăn dễ hơn ngoài đó”.

Trưởng thôn Rơ Châm Dyin cho biết: 24 năm trước, thực hiện chủ trương của Nhà nước, 47 hộ dân làng mình dời ra khu tái định cư sinh sống. Mỗi hộ được cấp 4 sào đất sản xuất, 1,5 sào đất ở và được xây nhà kiên cố. Nơi ở mới gần trung tâm xã, đường giao thông thuận lợi, điện chiếu sáng đầy đủ nên thời gian đầu, bà con phấn khởi lắm. Có điều, càng về sau mọi người lại trở về làng cũ sinh sống nhiều hơn. Lý do là vì bà con thích ở nơi gần rừng; phần nữa là do làng mới thiếu đất ở, nhà cửa chen chúc nhau.

Chúng tôi đi dọc làng tái định cư ở gần trung tâm xã Ia Blứ, những ngôi nhà xây kiên cố đóng kín cửa. Một vài nhà chỉ thấy đám trẻ chơi trò đuổi bắt. Ông Lê Quang Vang-Chủ tịch UBND xã Ia Blứ-thông tin: Từ khi di dời về đây, chính quyền địa phương đã đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, triển khai các mô hình phát triển kinh tế cho người dân làng Kuái. Những năm đầu, đời sống của bà con có dấu hiệu khởi sắc, được thụ hưởng các chính sách về giáo dục, y tế… Nhiều hộ dân có cuộc sống khá giả nhờ trồng hồ tiêu. Tuy nhiên, do dịch bệnh từ cây hồ tiêu khiến cuộc sống dân làng Kuái có nhiều xáo trộn. Thu nhập của người dân cũng giảm sút. Từ đó dẫn đến việc bà con vào làng cũ ở rồi ở lại nhiều ngày để tiện cho việc sản xuất, đặc biệt là vào thời kỳ gieo trồng hay thu hoạch nông sản.

Còn đó những nỗi lo

Vợ chồng anh Siu Dân đang ngồi trước hiên nhà ở làng Kuái cũ sửa bẫy chuột và tuốt lúa. Mấy nhánh lúa do vợ anh mới mót về từ cánh đồng làng. Anh chia sẻ: “Vợ chồng tôi ở chung với bố mẹ ngoài làng mới, trong này là nhà rẫy. Do mấy năm nay hồ tiêu chết hàng loạt, ít người thuê, chúng tôi dắt díu nhau vào đây ở. Nhà có ít đất rẫy nên ban ngày, tôi đi gặt lúa, nhổ mì hoặc làm cỏ cao su thuê cho người ta, buổi tối thì đi bẫy con chuột, chim, cút… về làm thức ăn. Hồi trước, Nhà nước có hỗ trợ bò nuôi nhưng chết mất rồi. Gia đình cũng đang nuôi 2 con bò nhưng trong này đất đai xấu quá, cỏ kém phát triển, lo không gầy đàn nổi. Rất mong Nhà nước có thêm chính sách hỗ trợ hoặc cấp đất sản xuất để canh tác thì mới hy vọng thoát nghèo được”.

Làng Kuái đìu hiu, vắng bóng người. Ảnh: T.D

Làng Kuái đìu hiu, vắng bóng người. Ảnh: T.D

Theo Trưởng thôn Rơ Châm Dyin, làng Kuái hiện có 81 hộ, trong đó có 26 hộ nghèo, 31 hộ cận nghèo. Hiện 9 cặp vợ chồng có nhu cầu tách hộ nhưng làng không còn quỹ đất. Những hộ này điều kiện kinh tế khó khăn nên không có tiền mua đất. “Gia đình mình có 3 đứa con, 2 đứa đã lấy vợ và đang sống chung. Muốn mua đất cho chúng tách hộ mà không có tiền. Làng cũng đang kiến nghị các cấp chính quyền có xem xét hỗ trợ các trường hợp này nhưng e khó”-anh Dyin nói.

Trò chuyện cùng chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Ia Blứ cho biết thêm: Thời gian tới, UBND xã tiếp tục phối hợp với các đơn vị, phòng chức năng của huyện mở các lớp đào tạo nghề nông thôn để góp phần tạo việc làm ổn định cho người dân làng Kuái. Từ năm 2020 đến nay, xã cũng vận động, kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi nhất để dân làng kết hợp với 1 hộ người Kinh đến từ huyện Phú Thiện san ủi, làm kênh mương thủy lợi ở cánh đồng gần làng Kuái cũ để sản xuất lúa. Bà con tự thỏa thuận với nhau phương thức ăn chia lợi tức. Điều phấn khởi là nhờ vậy mà người dân làng Kuái đã trồng 2 vụ lúa/năm, bảo đảm được lương thực cho gia đình; nhiều hộ không còn phải trông chờ vào gạo trợ cấp như trước đây.

Có thể bạn quan tâm

Nhờ nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, bà Nguyễn Thị Nga (bìa trái, làng Sur B, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) đã đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Ảnh: S.C

“Bà đỡ” của người dân vùng khó

(GLO)- Thông qua chương trình tín dụng ưu đãi, người dân các xã vùng khó khăn của Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) được vay 100 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Chương trình này được ví như “bà đỡ” của người dân vùng khó.

Anh Đinh Bưng (làng Nhoi, xã Tú An) phấn khởi khi được dùng nước sạch. Ảnh: A.P

Phát huy hiệu quả vốn vay chương trình nước sạch, vệ sinh

(GLO)- Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), hàng ngàn hộ dân trên địa bàn thị xã có thêm điều kiện đầu tư nâng cấp, xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Gia đình chị Rơ Châm Khi (làng Krăi) được UBND thị trấn Phú Hòa hỗ trợ 1 con bò giống để làm sinh kế vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Đ.Y

Phú Hòa: Người dân thoát nghèo nhờ tiếp cận thông tin

(GLO)- Nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin, hướng đến giảm nghèo bền vững, thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã đa dạng các hình thức tuyên truyền, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ, thị trường và kỹ năng cần thiết góp phần nâng cao năng suất lao động.