Làng tái định cư xã Ia Mơr: Hễ mưa là ngập úng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 11 năm qua, người dân 2 làng tái định cư Hnap và Khôi (xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) khổ sở vì mỗi khi mưa lớn là xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ. Nguyên nhân là do việc triển khai xây dựng nhà, đường và hệ thống thoát nước không đồng bộ, thiếu hợp lý khiến nền nhà của dân thấp hơn khu vực xung quanh.

Rất nhiều mương được đào khắp 2 làng tái định cư để thoát nước. Ảnh: Nguyễn Quang
Rất nhiều mương được đào khắp 2 làng tái định cư để thoát nước. Ảnh: Nguyễn Quang

Cách đây hơn 11 năm, 143 hộ dân của 2 làng Hnap và Khôi đã tự nguyện di dời đến nơi ở mới để nhường quỹ đất cho việc thi công công trình thủy lợi Ia Mơr. Nơi ở mới của bà con là khu tái định cư bằng phẳng rộng 26 ha, cách nơi ở cũ khoảng 2 km, được Nhà nước đầu tư xây dựng khá đầy đủ về cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, nước sinh hoạt. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng nhà, đường và hệ thống thoát nước không đồng bộ, thiếu hợp lý khiến nhà của nhiều hộ dân bị ngập úng cục bộ mỗi khi xảy ra mưa lớn.

Cụ thể, khi triển khai xây dựng nhà cho dân không được bồi thêm đất nền, trong khi hệ thống đường giao thông, thoát nước được làm sau đó lại được bồi đắp cao hơn nền nhà dân đến vài chục cm khiến khi có mưa lớn, nước thoát không kịp và chảy ngược vào nhà dân gây ngập úng. Để giải quyết tình trạng này, cuối năm 2021, huyện Chư Prông triển khai bồi đất nền sân, vườn và xung quanh nhà ở cho toàn bộ 2 làng nhưng không nâng cao nền nhà cho dân. Do đó, việc làm này vô tình lại khiến nền nhà ở thấp hơn khu vực xung quanh, trở thành hố chứa nước, hễ có mưa to thì trong nhà ở liền bị ngập nặng hơn trước. Chẳng khác gì “chữa trâu lành thành trâu què”!

Ông Siu Brông (làng Hnap) bức xúc: “Vào mùa mưa thì thường xuyên xảy ra ngập úng, nhất là khi gặp mưa lớn kéo dài. Cách đây 10 ngày, trận mưa kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ đã khiến 12 căn nhà bị ngập nước. Nhà tôi bị ngập sâu hơn 40 cm, đồ đạc ướt hết”.

Theo ông Siu Chuyên-Trưởng thôn Hnap, người dân đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên và lãnh đạo huyện cũng đã trực tiếp xuống kiểm tra. Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là hầu hết nền nhà của người dân đều thấp hơn sân, vườn, mặt đường và hệ thống thoát nước nên mỗi khi mưa lớn, nước chảy dồn vào nhà dân gây ngập úng.

 Để giải quyết tạm thời, xã đã huy động máy móc xuống múc rãnh cho nước thoát. Ảnh: Nguyễn Quang
Để giải quyết tạm thời, xã Ia Mơr đã huy động máy móc xuống múc rãnh cho nước thoát. Ảnh: Nguyễn Quang
Ông Đinh Văn Dũng-Bí thư Huyện ủy Chư Prông xác nhận có tình trạng ngập cục bộ vào mùa mưa tại 2 làng tái định cư Hnap và Khôi. Ông Dũng cho biết: Huyện đang triển khai bồi đất để nâng cao nền nhà cho các hộ dân. Đồng thời, Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện tiếp tục kiểm tra và tìm phương án tối ưu để xử lý dứt điểm tình trạng ngập úng.
 

Còn ông Kpă Klen-Trưởng thôn Khôi-cho biết: Trước đây, Nhà nước làm nhà cho người dân thì không nâng đất nền lên, trong khi đường sá lại làm cao hơn rất nhiều. Do đó, mỗi khi mưa lớn thì nước lại chảy ngược vào nhà dân. Điển hình như trận mưa lớn cách đây khoảng 10 ngày, nước từ đường, hệ thống thoát nước chảy ngược vào khiến 10 căn nhà bị ngập nặng, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của bà con. Lúa gạo, đồ đạc bị ướt do không di dời kịp. “Rất mong các cấp quan tâm xử lý triệt để vấn đề này để dân làng an tâm làm ăn, ổn định cuộc sống”-ông Klen đề nghị.

Trao đổi với P.V, ông Rơ Lan Chim-Bí thư Đảng ủy xã Ia Mơr-cho hay: Những năm trước, trên địa bàn 2 làng có xảy ra ngập úng nhưng chỉ cục bộ ở một số nơi. Để giải quyết tình trạng này, cuối năm 2021, huyện đã triển khai đổ bồi đất nâng cao nền sân, vườn nhưng không nâng cao nền nhà (vì nhà đã làm sẵn từ trước-PV). Tuy nhiên, việc bồi đất này vô tình khiến nhà dân bị ngập nặng hơn vì giờ tất cả mặt bằng xung quanh đều cao hơn nền nhà nên mưa là nước chảy dồn vào nhà dân. “Vừa rồi, cơn mưa kéo dài 2 tiếng đồng hồ đã khiến 22 căn nhà của 2 làng ngập sâu trong nước và khoảng 60% hộ dân bị ảnh hưởng. Tôi đã trực tiếp xuống hiện trường để kiểm tra, huy động lực lượng hỗ trợ bà con di dời lúa gạo và vật dụng gia đình lên vị trí cao. Đồng thời, UBND xã huy động máy móc xuống múc các rãnh thoát nước. Xã đã báo cáo và đề nghị huyện quan tâm, xử lý triệt để tình trạng này”-Bí thư Đảng ủy xã Ia Mơr nói.

 

 NGUYỄN QUANG

Có thể bạn quan tâm

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

(GLO)-Ngày 20-12, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mang Yang phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Kon Dơng tổ chức phát động tuyên truyền về bảo vệ môi trường; hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và ra mắt mô hình “Tổ tự quản bảo vệ môi trường” tại làng Đê Kôp-Doul.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

(GLO)- Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhưng đến nay huyện Đức Cơ vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo đa chiều. Đến nay, toàn huyện chỉ có 2/9 xã đạt tiêu chí hộ nghèo đa chiều.