Yêu thương, hướng thiện và yêu rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Câu chuyện này có thể hơi buồn dịp đầu xuân. Nhưng nói về tình yêu thương, về màu xanh thì lại hợp với mùa xuân - mùa khởi đầu của sự sống.

Lũ học trò nghèo ở Nam Trà My.
Lũ học trò nghèo ở Nam Trà My.


Câu chuyện của thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ, trường Tiểu học Kim Đồng, Trà Mai, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) - người kết nối, truyền tải những thông điệp yêu thương từ vùng cao Nam Trà My với đồng bằng vùng cao cũng chính là cách vượt khó ngoan cường của người miền Trung qua bao biến cố thiên tai, dịch bệnh những tháng năm vừa qua...

Kết nối yêu thương

Khi bùng phát COVID-19 lần 2, Đà Nẵng thành tâm dịch. Dù nhiều nơi trên thế giới xảy ra dịch bệnh, nhưng không ai có thể nghĩ ra được kịch bản ứng phó hoàn hảo cho địa phương mình. Trật tự xã hội bị đảo lộn, không khí hoang mang, lo âu bao trùm, nhưng tình người, tinh thần trách nhiệm lại nổi bật hơn bao giờ hết. Nhờ đó, người miền Trung, người Đà Nẵng trụ vững, vượt qua khốn khó của đại dịch.

Hình ảnh của những người dân tộc thiểu số nghèo khó ở Nam Trà My lội suối, vượt rừng đi hái lượm củ quả, rau rừng gửi về thành phố, giúp đỡ cho người dân ở tâm dịch Đà Nẵng ấn tượng trong ký ức người miền Trung. Những bó rau rừng, những gùi củ quả, những nụ măng tre... theo chân các chị các mẹ và cả lũ lượt trẻ thơ, vượt trên những con dốc đất đỏ, băng qua những đoạn đường ngập ngụa trong bùn lầy để gom góp, gửi về miền xuôi... khiến những bữa ăn của người vùng dịch đong đầy nước mắt vì sự cảm kích, chan chứa yêu thương. Người kết nối, nhen nhóm và thổi bùng những đóm lửa yêu thương, biến lòng trắc ẩn thành hành động trách nhiệm chính là thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ, giáo viên trường Tiểu học Kim Đồng, huyện Nam Trà My.

Vỹ tâm sự, anh đã bước chân vào nghề gõ đầu trẻ không phải bằng ý thức, lý tưởng nghề nghiệp, mà đơn giản vì trường sư phạm hơn 20 năm trước không thu học phí. Cũng vì gia cảnh nghèo, vốn chịu khó nên sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp sư phạm Tam Kỳ, Vỹ chấp nhận lên tận xã vùng cao của huyện miền núi Nam Trà My, Quảng Nam. “Sau chặng đường dài 7 tiếng đồng hồ xe khách, tôi đi bộ thêm...9 tiếng đường rừng thì đến nơi công tác. Ban đầu, tôi rất thất vọng về nghề, chỉ bám víu công việc để tìm đồng lương ít ỏi vì còn đỡ khổ hơn ở quê nghèo”.


 

Thầy Vỹ.
Thầy Vỹ.


Vỹ kể, “chúng tôi phải vào từng Nóc (tương đương Bản, Làng) để tìm học sinh và học dưới những mái nhà tạm bợ. Thầy dạy học, trò bày lại thầy nói tiếng của đồng bào Dẻ Triêng, bày thầy cô bắt ốc, hái rau rừng để cải thiện cuộc sống... Nhưng lũ học trò còn đói ăn thiếu mặt, tuổi tiểu học nhưng tự vượt rừng vài ba tiếng đồng hồ để đến điểm trường mới chính là điều gây thương cảm cho thầy. Chúng hồn nhiên nhảy chân sáo, vô tư đến nỗi không hề biết những thiếu thốn kia là nghèo. Và rồi, chính khung trời ấy các con đã dạy cho tôi tình yêu thương, sự sẻ chia, tôi dần mê say và gắn bó với nghề này. Tôi đã trưởng thành. Thương chúng, tôi thường kêu gọi các nhà hảo tâm, mạnh thường quân giúp đỡ cho lũ trẻ. Rồi thành lập nhóm thiện nguyện “Kết nối yêu thương Nam Trà My”.

"Chỉ có tình yêu thương, trách nhiệm mới đủ mạnh để đưa con người vượt lên mọi khốn khó, thử thách và dám đối mặt, chiến thắng mọi khó khăn cuộc sống”... (Thầy Nguyễn Trần Vỹ)

Thành tích lớn nhất của nhóm thầy Vỹ không chỉ giúp xây gần cả 50 phòng học ở các điểm trường xa xôi vùng cao, giúp thêm nhiều đôi dép, những tấm áo ấm cho lũ học trò nghèo mỗi mùa rét, mà chính là sự đánh động lòng trắc ẩn trong mọi người, chia sẻ được yêu thương, biến chúng thành những hành động nhân nghĩa khi cần thiết. Để “trả ơn” những nhà hảo tâm, những mạnh thường quân kia, dịp dịch COVID - 19 bùng phát ở Đà Nẵng, thầy Vỹ cùng với UBMTTQ huyện Nam Trà My phát động góp rau củ quả gửi về miền xuôi thành công đến lay động lòng người.

Tháng 10.2020, bão số 9 lại ập vào miền Trung, gây thảm họa khắp nơi. Chỉ riêng Nam Trà My đã có đến 2 vụ sạt núi, vùi lấp hàng chục hộ dân, có 32 người chết và mất tích - hiện vẫn chưa tìm được thi thể 13 người... Trong lúc bị cô lập, người miền xuôi âu lo, trông ngóng thì những hình ảnh tang thương đầu tiên ở Nam Trà My được thầy Vỹ đăng tải. Đó là những con đường đứt gãy, những ngôi trường tan hoang, những ngôi làng bị lũ cuốn không còn dấu tích... Kể lại thảm họa này, thầy Vỹ nghẹn ngào: “Chúng tôi mất nhiều quá. Nhiều ngôi làng, nhiều mái trường, nhiều người thân của học trò...” Có ít nhất 20 đứa trẻ Nam Trà My bỗng chốc thành mồ côi cả cha lẫn mẹ vì lũ cuốn, lở núi vùi lấp.

Rồi cũng chính thầy Vỹ ngược xuôi động viên bà con xứ núi, choàng tay sưởi ấm cho những học trò bất hạnh của mình. Ngược xuôi để vận động, kêu gọi mạnh thường quân để giúp đỡ người dân, học sinh vùng lũ lụt, sạt lở núi ở Nam Trà My. Sự mạnh mẽ vượt khó, coi nhẹ những hy sinh cá nhân của Vỹ khiến bất kỳ ai biết đến cũng cảm động, nể phục. Anh đã truyền đi một năng lượng tích cực. Đó cũng chính là cách mà người miền Trung đã vượt qua khốn khó thiên tai dịch bệnh để tiếp tục sống tốt, dựng xây quê hương.

Trân trọng ân huệ của rừng

Cũng trên dãy trung Trường Sơn, huyện biên giới Tây Giang tan hoang vì liên tiếp các cơn bão số 8, 9,10 vùi dập. Giao thông bị cô lập hoàn toàn, hàng trăm điểm lởi núi, sạt đồi khốc liệt. Cầu trôi, đường đứt, ruộng nương bị bồi lấp khắp nơi... nhưng tuyệt nhiên không có người dân nào bị thiệt mạng. Sự bình yên của Tây Giang là thành quả của nhiều năm sống thân thiện với môi trường, bảo vệ rừng rất tốt. Đặc biệt nhờ công tác quy hoạch, sơ tán dân đến nơi ở an toàn. Để tránh thảm hoạ lũ quét, sạt núi, vùi nhà, làm chết người thường xuyên như trước đây, chính quyền huyện Tây Giang đã có chủ trương sắp xếp lại hoàn toàn 95 bản làng, cụm dân cư từ năm 2009 đến nay.

 

Slogan - cũng chính là định hướng phát triển kinh tế xã hội của Tây Giang. Ảnh: TG
Slogan - cũng chính là định hướng phát triển kinh tế xã hội của Tây Giang. Ảnh: TG


Tây Giang khảo sát, chọn bố trí tập trung dân cư trên những ngọn đồi bát úp. Đến nay, toàn huyện đã tái định cư được gần đủ 95 làng Cơ Tu. Chính vì xây dựng mặt bằng trên đỉnh một ngọn đồi bát úp mà hơn 10 năm nay, Tây Giang không xảy ra bất cứ trường hợp nào chết người, sập nhà do sạt lở núi, lũ lụt. Làng quần tụ như vậy cũng tiết kiệm đáng kể về ngân sách khi đầu tư hạ tầng giao thông, y tế, trường học. Đồng thời bảo tồn được các giá trị văn hoá, tín ngưỡng riêng có của tộc người Cơ Tu.

Từ những năm đầu thập niên 2000, khi vừa chia tách huyện, Tây Giang đã tự đặt cho mình 1 slogan “Rừng còn, Tây Giang phát triển. Rừng mất, Tây Giang suy vong”. Bảo vệ rừng cũng chính là định hướng trong mọi hoạt động sinh hoạt, phát triển kinh tế xã hội của địa phương này.

Đưa chúng tôi thăm rừng Pơmu, kiểm lâm viên Nguyễn Xuân Minh say sưa về rừng như là hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Minh nói, khi nghiên cứu, lập hồ sơ rừng di sản, các nhà nghiên cứu đã dùng xà beng sắt để đo độ dày của lớp thảm thực vật, cho thấy độ dày 3-9 mét.

Chính vì vậy, mưa dù có như thác đổ thì cũng hơn 95% nước bị giữ lại ở lớp thảm này, ngấm dần xuống đất, rỉ rả trả lại từng giọt cho suối nguồn quanh năm. Nếu rừng giàu, rừng nguyên sinh phủ kín Trường Sơn thì chỉ 5% mưa trôi trên mặt đất và sẽ không bao giờ có lũ quét, sạt núi gây thảm họa cho miền Trung như bây giờ.

Sau khi phát hiện ra rừng di sản Pơ Mu có hàng ngàn năm tuổi, Tây Giang đã đổi hoạt động giao lưu văn hóa thể thao các dân tộc miền núi được tổ chức hằng năm thành lễ hội “Tạ ơn rừng”. Nguyên Bí thư huyện Bh’Riu Liếc cho biết, người Cơ Tu vốn sống trên núi cao, tất cả dựa vào núi rừng. Từ khí trời hít thở đến bó rau rừng, cá suối, gạo nương để ăn uống hằng ngày, đến vật dụng mái nhà nương tựa đều là ân huệ của núi rừng. Bao phong tục tập quán, văn hóa lâu đời của người dân cũng xuất phát và gắn bó với rừng. Người dân tộc thiểu số nói chung, người Cơ Tu ở Tây Giang nói riêng có hàng trăm mâm cúng trong đời người, lễ hội quanh năm, vì vậy Tây Giang có một lễ hội lớn để tạ ơn rừng.

Chính từ sự ngưỡng vọng, tôn vinh, trân trọng ân huệ của rừng - mẹ thiên nhiên đến vậy nên người dân Tây Giang luôn yêu quý, bảo vệ rừng. Đó cũng chính là lý do mà bây giờ khắp làng bản ở đây phát triển rầm rộ các dịch vụ du lịch sinh thái đầy hấp dẫn, thân thiện. Có lẽ cũng chính nhờ vậy mà Tây Giang được rừng che chở, giảm thiểu được thiệt hại qua các thảm họa thiên tai.

https://laodong.vn/xa-hoi/yeu-thuong-huong-thien-va-yeu-rung-877130.ldo
 

Theo THANH HẢI (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Mẹ mất, em Thái Thị Mỹ Diệu (ở giữa) trở thành trụ cột gia đình và chăm sóc 2 em. Ảnh: N.N

Xót lòng 3 trẻ mồ côi

(GLO)- Mẹ qua đời, cha bỏ nhà đi , em Thái Thị Mỹ Diệu (SN 2006, hẻm 174 Nguyễn Văn Cừ, tổ 7, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) phải bỏ dở việc học để chăm sóc 2 em nhỏ.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc tại huyện Đak Đoa về việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Đak Đoa: 42/148 hộ hỗ trợ nhà ở, đất ở được cấp giấy CNQSDĐ

(GLO)- Sáng 16-12, Đoàn giám sát HĐND tỉnh do bà Đinh Ly An-Trưởng Ban Dân tộc làm trưởng đoàn đã giám sát tại huyện Đak Đoa về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Nhờ nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, bà Nguyễn Thị Nga (bìa trái, làng Sur B, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) đã đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Ảnh: S.C

“Bà đỡ” của người dân vùng khó

(GLO)- Thông qua chương trình tín dụng ưu đãi, người dân các xã vùng khó khăn của Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) được vay 100 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Chương trình này được ví như “bà đỡ” của người dân vùng khó.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát tại thị xã Ayun Pa về “việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Nhiều địa phương gặp khó trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ nghèo

(GLO)- Thực hiện Dự án 1-Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi các địa phương đã triển khai hỗ trợ nhà ở, đất ở cho hộ nghèo. Tuy nhiên, một số địa phương gặp khó trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng này.

Anh Đinh Bưng (làng Nhoi, xã Tú An) phấn khởi khi được dùng nước sạch. Ảnh: A.P

Phát huy hiệu quả vốn vay chương trình nước sạch, vệ sinh

(GLO)- Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), hàng ngàn hộ dân trên địa bàn thị xã có thêm điều kiện đầu tư nâng cấp, xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.