Xe đò thời bao cấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bây giờ thì người ta có thể ngồi một chỗ gọi điện đặt vé các hãng xe để đi đến mọi miền đất nước. Và cũng không cần ra bến, xe trung chuyển đến đón tận nhà. Thế nhưng, vào những năm cuối thập niên 70 và suốt thập niên 80 thế kỷ trước, đó là chuyện chỉ có trong mơ.
Tôi quê ở huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định), lên xã B14, huyện Chư Păh cũ (nay là xã Ia Tô, huyện Ia Grai) công tác từ năm 1977. Mỗi năm ít nhất có 2 lần tôi về thăm gia đình vào dịp Tết và nghỉ hè. Phương tiện di chuyển bấy giờ hầu hết đều bằng xe đò.
Xin được nói thêm về xe đò một chút bởi đã xe sao lại còn đò? Thực ra, chỉ những người miền Trung và miền Nam mới dùng từ xe đò, còn người miền Bắc thì gọi là xe khách hoặc xe ca. Nhà văn Sơn Nam giải thích, khi xưa vùng đồng bằng Nam Bộ sông rạch chằng chịt nên phương tiện đi lại chủ yếu bằng đò, ghe. Mãi đến những năm 30 thế kỷ trước, người Pháp mới thành lập một vài hãng xe chở khách đi miền Tây. Bấy giờ, đường bộ chưa phát triển, xe đến bến, khách phải chuyển tiếp bằng đò, ghe nên người ta gọi luôn là xe đò cho tiện. Hầu hết các chủ xe đi miền Trung cũng là người Sài Gòn nên xe đò trở thành phương ngữ chung.
Hẳn mọi người còn nhớ sau ngày giải phóng, các tuyến có cự ly gần như Pleiku-Quy Nhơn, Quy Nhơn-Quảng Ngãi… thường sử dụng các loại xe ô tô đời cũ như Renault của Pháp, xe Dodge gác máy Desoto, xe GMC độ chế lại, thậm chí lúc này do thiếu xăng dầu nên rất nhiều xe phải dùng than củi tạo khí gas để chạy máy. Đó là một cái thùng sắt lớn đường kính khoảng 50-60 cm, cao trên 2 m đặt đứng và gắn chặt phía sau xe, bên trong chứa than củi. Than cháy trong điều kiện thiếu không khí nên tắt dần, bởi vậy cứ chạy chừng chục ki lô mét, phụ xe lại dùng một que sắt dài khều than, chọc tro để than cháy tiếp.
Những năm 1976-1980, nếu đi từ Pleiku về Quy Nhơn thì rất nhiêu khê, tốn nhiều thời gian (ấy là chưa tính đi Buôn Ma Thuột còn khó khăn hơn bởi bấy giờ bọn FULRO vẫn lén lút hoạt động dọc đường 14 nên phải về Quy Nhơn ở lại, rồi hôm sau đi vào Ninh Hòa, ngược đèo Phượng Hoàng lên). Tôi thường phải ra bến sắp hàng mua vé từ chiều hôm trước. Mặc dù giáo viên miền núi ngày ấy được cấp thẻ ưu tiên mua vé tàu xe nhưng không mấy khi được ngồi băng ghế chính mà chủ yếu là đứng trong thùng xe hoặc đu bám phía sau. Sáng hôm sau xe khởi hành khoảng hơn 8 giờ nhưng phải đến chiều tối mới về tới Quy Nhơn.
Ảnh minh họa: INTERNET
Ảnh minh họa: INTERNET
Chậm là phải thôi, hãy thử tưởng tượng: đường xấu, xe chạy bằng than, ì ạch, đã vậy chốc chốc lại ngừng dọc đường đón khách và bốc xếp hàng hóa. Ngày ấy, hành khách đi xe chủ yếu là người mua bán, mùa nào thức ấy (bí đỏ, su su, buồng chuối, lồ ô, bông đót…) hàng chất cao ngất trên trần xe, thậm chí còn xếp kín cả trong thùng xe với hành khách. Xe đã chật chội lại thêm mùi người, mùi dầu, mùi khói, mùi hàng hóa… trộn lẫn với nhau đến ngột ngạt khó thở.
Xuống đến Trạm Kiểm soát Song An tại đầu đèo An Khê thì xe phải dừng lại để kiểm tra (cảnh sát giao thông, kiểm lâm, thuế vụ, kiểm dịch động vật). Những người buôn bán cũng phải vào trạm để khai và đóng thuế mất cả tiếng đồng hồ. Các nhân viên thuế, kiểm lâm dùng chiếc thuốn sắt dài trèo lên mui xe chọc chọc vào các bao hàng, luồn dưới gầm xe xem có chở hàng cấm hay không, kể cả hành khách ngồi trên xe cũng được kiểm tra gắt. Những người bán hàng rong tha hồ rảo quanh xe mời chào.
Đi xe đò từ Quy Nhơn lên Pleiku thì nhanh hơn, chỉ trong một buổi sáng, thế nhưng buổi chiều cũng phải nghỉ lại để sáng hôm sau đón xe lên huyện. Ngày ấy, từ Bến xe liên tỉnh vào khu vực trung tâm thị xã phải đi một lượt xe lam 3 bánh. Xe lam là loại Lambro 550 có 2 hàng ghế trong thùng phía sau, mỗi hàng ghế chở được 4 người. Phía trước ca bin, ngồi hai bên tài xế được 2 người khách nữa. Tuy nhiên, không mấy khi xe chở đúng số lượng quy định mà thường là 12-13 người. Nặng nên khi bò lên dốc Diệp Kính thì 2 người bám đứng sau bửng xe phải nhảy xuống phụ đẩy xe lên, đôi khi cả 2 người khách trước ca bin cũng thế.
Bấy giờ, trên tuyến tỉnh lộ 664 có 2 chiếc xe đò dòng Dodge lưu hành, tất nhiên là chỉ trong mùa khô, còn mùa mưa thì đành chịu. Một chiếc anh Bốn Sơn, còn chiếc nữa là của một người từ Ayun Pa lên chở khách. Xe khởi hành từ Bến xe thị xã và chỉ chạy đến bến cuối là ngã ba Cây Cầy thuộc xã B14, chở theo khách, thư từ cùng các loại hàng hóa thiết yếu cung ứng cho các quán trong xã như: gạo, mắm muối, cá khô, rau… Hàng hóa nhiều, thùng xe nóng, ngột ngạt nên nhiều vị khách trèo lên ngồi hẳn trên nóc ca bin và trần xe, nguy hiểm thật nhưng phải nói thêm là bấy giờ Luật Giao thông Đường bộ chưa ra đời và cũng may là hiếm khi xảy ra tai nạn đáng tiếc.
Đến giữa những năm 80 thì xuất hiện dòng xe IFA. Tuy nóng nhưng đã có ghế ngồi hẳn hoi. Rồi hơn chục năm sau đến dòng Hyundai máy lạnh, xe giường nằm và hiện nay là những chiếc Limousine được tôn vinh như “khách sạn 5 sao di động” hay “chuyên cơ mặt đất” phục vụ hành khách đến tận răng. Ngồi tại nhà có xe trung chuyển đến rước, từ xã B14 người ta có thể đi bằng xe đò đến bất cứ đâu trên đất nước và nơi nào xa lắm cũng chỉ không quá 1 ngày 2 đêm, ví như ra Cao Bằng hay ngược Hà Giang chẳng hạn.
Bây giờ mỗi khi có dịp lên xã B14 (huyện Ia Grai), nhiều người vẫn nhắc về cái thời ngày một chuyến xe đò cùng lời cảm thán: Ngày ấy cực sao mà cực!
THANH PHONG

Có thể bạn quan tâm

Bình yên Kông Chro

E-magazineBình yên Kông Chro

(GLO)- Không nổi bật trên bản đồ du lịch Gia Lai, nhưng Kông Chro-vùng đất ở Đông Trường Sơn luôn mang lại những cảm xúc ở mọi điểm đến, trên mọi cung đường từ những trải nghiệm đời sống hết sức bình dị. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ-Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh trao quà cho các đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Hà Duy

Trao gần 130 suất quà Tết cho đoàn viên, người lao động tại Khu Công nghiệp Trà Đa

(GLO)- Chiều 18-1, tại Nhà Văn hóa xã Trà Đa (TP. Pleiku), Công đoàn Khu kinh tế tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh tổ chức chương trình “Tết sum vầy-Xuân ơn Đảng” cho gần 130 đoàn viên, người lao động đang làm việc tại khu công nghiệp Trà Đa nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Trao 190 suất quà cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin và cô đỡ thôn bản tỉnh Gia Lai

Trao 190 suất quà cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin và cô đỡ thôn bản tỉnh Gia Lai

(GLO)- Ngày 18-1, tại TP. Pleiku, Giáo sư-Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) phối hợp tổ chức chương trình “Lan tỏa yêu thương” nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Hội chợ hoa Xuân Ất Tỵ 2025 sẽ được tổ chức ở khu vực Công viên Kpă Klơng (thị trấn Chư Sê). Ảnh: M.K

Sẵn sàng Hội chợ hoa Xuân Ất Tỵ 2025

(GLO)- Hội chợ hoa xuân không chỉ tạo điều kiện cho các nhà vườn tiêu thụ sản phẩm mà còn là điểm đến hấp dẫn của người dân, du khách mỗi khi Tết đến xuân về. Chính vì vậy, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã tập trung triển khai các phương án nhằm tổ chức Hội chợ hoa Xuân Ất Tỵ 2025 an toàn, vui tươi.

Khởi sắc Ia Mơ Nông

Khởi sắc Ia Mơ Nông

(GLO)- Tuy xuất phát điểm thấp, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm đa số nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức của người dân, diện mạo xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) đang từng ngày khởi sắc.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trần Minh Sơn (bìa phải) tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung. Ảnh: Hoàng Hoài

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung và các gia đình có công tiêu biểu ở huyện Mang Yang

(GLO)- Sáng 10-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai Trần Minh Sơn làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung và các gia đình có công tiêu biểu ở huyện Mang Yang.

UBND tỉnh ban hành 7 thủ tục mới thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND các huyện, thị xã, thành phố trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quỹ

Gia Lai công bố 14 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quỹ

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Quyết định số 29/QĐ-UBND công bố danh mục gồm 7 thủ tục hành chính mới, 9 thủ tục bị bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nội vụ; 7 thủ tục mới, 9 thủ tục bị bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quỹ.