Xây dựng làng nông thôn mới: Ngọn gió lành cao nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, những buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã từng bước “thay da đổi thịt”. Cuộc sống no ấm đang dần hiện hữu trong những nếp nhà sàn vững chãi.

Những thanh âm no ấm

Ký ức của anh Đinh Văn Blai (làng Cam, xã Đak Smar, huyện Kbang) về ngôi làng cũ là sự đói nghèo. Làng nằm cách nơi ở mới bây giờ hơn 500 m. Thiếu thốn quanh năm cộng với nếp sinh hoạt lạc hậu nên nhà cửa tạm bợ, nhếch nhác, nhiều chỗ nước tù đọng cộng với phân gia súc thải ra bốc mùi hôi thối. Chưa hết, bà con ở đây vẫn canh tác theo lối trồng trỉa từ bao đời nay nên năng suất rất bấp bênh. Mưa thuận gió hòa thì đủ cái ăn, không may hạn hán thì nỗi lo thiếu đói hàng ngày đeo bám. Nhưng giờ đây, cuộc sống đã khác trước nhiều lắm. Những mái nhà sàn làng Cam vững chãi đón nắng mới như một lời khẳng định cái đói, cái nghèo từng bước lùi xa.

Theo anh Blai, diện mạo làng có được như hôm nay một phần là nhờ cán bộ địa phương đã tích cực tiếp sức, sát cánh cùng người dân trong hành trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Các đơn vị quân đội triển khai lực lượng giúp người dân di dời nhà ở, làm hàng rào, cổng ngõ, dọn vệ sinh, bố trí chuồng nuôi gia súc ra xa nhà ở… nên cảnh quan môi trường ngày càng sạch đẹp. Để giúp người dân ổn định sản xuất, vươn lên thoát nghèo, cán bộ, chiến sĩ đã cùng bà con sửa chữa, khơi thông mương dẫn nước, đắp lại bờ ruộng, khôi phục đồng ruộng. “Khi dọn về nơi ở mới, bà con ai cũng phấn khởi, có thêm động lực để cố gắng lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo”-anh Blai cho hay.

Lực lượng vũ trang giúp người dân làng Hek (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) di dời nhà ở. Ảnh: Phan Nguyên
Lực lượng vũ trang giúp người dân làng Hek (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) di dời nhà ở. Ảnh: Phan Nguyên
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên: “Trong xây dựng làng NTM ở vùng DTTS, không ai có thể làm tốt hơn chính người dân địa phương. Xã, huyện, tỉnh chỉ hỗ trợ một phần nào đó để cho bà con chủ động trong tổ chức triển khai thực hiện các phần việc. Chỉ khi làm được điều này thì Chỉ thị 12 mới đạt kết quả cao nhất”.

Bí thư Đảng ủy xã Đak Smar Đinh Văn Dân cho biết thêm: Ngoài việc ưu tiên các nguồn lực hỗ trợ xã xây dựng làng NTM, Huyện ủy Kbang còn phân công các cơ quan, đơn vị theo dõi, giúp đỡ thực hiện từng tiêu chí. Sau khi nắm bắt tình hình sản xuất, lý do đói nghèo và khảo sát xem các hộ nghèo thiếu gì, cần hỗ trợ gì, các cơ quan, đơn vị lên kế hoạch hỗ trợ. Cách làm sát sao này đã từng bước làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tạo động lực giúp các hộ nghèo thực hiện các mô hình phát triển kinh tế. Chính vì vậy, chỉ sau thời gian ngắn, làng Cam đã có nhiều khởi sắc, hoàn thành 17/19 tiêu chí NTM; tỷ lệ hộ nghèo từ 13% (năm 2018) giảm còn 1,47% (năm 2021).

Không chỉ riêng Đak Smar mà tại khắp các xã của huyện nghèo Kbang, Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng NTM trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh” đã trở thành động lực tiếp sức cho phong trào xây dựng làng NTM. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hữu Tuyến cho hay: Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ IX (nhiệm kỳ 2020-2025) đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 13 làng đạt chuẩn NTM. Đến nay, huyện đã có 6 làng được công nhận đạt chuẩn NTM, 7 làng đạt 17-18 tiêu chí. Thành quả ấy phản ánh sự thống nhất cao giữa ý Đảng-lòng dân, qua đó giúp đời sống vật chất, tinh thần của bà con được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo ở các làng NTM đều ở mức thấp (dưới 7%); cơ sở hạ tầng nông thôn được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu sản xuất, sinh hoạt.

“Để có được kết quả này, Kbang đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên đảm trách từng phần việc trong xây dựng làng NTM. Cùng với đó, huyện tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, huy động sự tham gia tích cực của Mặt trận, các đoàn thể từ huyện đến thôn, làng để giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm”-Bí thư Huyện ủy Kbang chia sẻ.

Kinh nghiệm từ thực tiễn

Sau 3 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thổi luồng sinh khí mới đến khắp các thôn, làng trong tỉnh. Thành công bước đầu đã cho thấy đây là chủ trương đúng đắn, đầy sáng tạo, là “đòn bẩy” làm thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần lan tỏa sâu rộng phong trào xây dựng làng NTM trong toàn tỉnh.

 

Ông Ngô Thành-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy: Chỉ thị số 12 là một ý tưởng rất sáng tạo, mang tính đột phá của nhiệm kỳ 2015-2020. Tỉnh đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm làm thay đổi diện mạo nông thôn và đời sống của người dân.

Nhiều bài học kinh nghiệm đúc kết từ thực tiễn cũng đã được chia sẻ để tạo đà cho các làng NTM vươn lên, thay đổi hoàn toàn lối tư duy cũ ăn sâu bao đời nay. Ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-cho biết: Giai đoạn 2018-2020, huyện có 7 làng đồng bào DTTS đạt chuẩn NTM. Từ những chuyển biến mạnh mẽ về kết cấu hạ tầng, mô hình sản xuất, sinh hoạt văn hóa… tỷ lệ hộ nghèo tại 7 làng đã giảm mạnh từ 8,96% năm 2018 xuống còn 4,01% cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 41 triệu đồng đến 49,6 triệu đồng/năm.

Từ những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh chia sẻ kinh nghiệm: “Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, phối hợp triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của từng thôn, làng. Đồng thời, chúng tôi cũng xác định rõ chủ trương trong chỉ đạo, lãnh đạo là phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở cơ sở và toàn dân xây dựng làng NTM. Đặc biệt là phát huy vai trò của bí thư chi bộ, trưởng thôn và ban phát triển thôn, làng trong công tác tuyên truyền để người dân nhận thức được mình là chủ thể xây dựng NTM và tự giác thực hiện ngay từ mỗi gia đình, cộng đồng”.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Thiện Vũ Hồng Duy thì khẳng định: “Ngoài sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị thì công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân phải được đặt lên hàng đầu. Hơn hết, phải xác định người dân là chủ thể, người trực tiếp làm, giám sát toàn bộ quá trình thực hiện và được hưởng lợi thành quả NTM. Do vậy, phải lấy ý kiến một cách nghiêm túc từ khâu xây dựng đề án, góp ý quy hoạch cho đến xây dựng các hạng mục đầu tư… để có sự đồng thuận cao từ phía người dân. Việc huy động nguồn lực đóng góp phải do chính người dân bàn bạc, dân chủ, tự nguyện tham gia và tổ chức thực hiện, tránh huy động vượt quá sức đóng góp của họ”.

Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên đề nghị các ngành, địa phương tiếp tục chọn những cách làm mới, phù hợp với điều kiện thực tiễn ở từng địa phương để đảm bảo xây dựng làng NTM một cách thực chất, đời sống của người dân phải được ấm no. Cần huy động, lồng ghép các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hạ tầng cơ sở thiết yếu; tuyên truyền, hướng dẫn để người dân tự giác thay đổi nếp nghĩ, cách làm, hướng đến mục tiêu có 300 làng NTM vào năm 2025.

 

 MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Ảnh Hà Duy

Chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, cụ thể từng tháng

(GLO)- Đó là một trong những yêu cầu tại Công văn số 2671/UBND-KTTH do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành nhằm đề nghị các sở, ban, ngành; các địa phương; các chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Kho xăng dầu của Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tại xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) hiện chưa được chấp thuận đấu nối vào quốc lộ. Ảnh: V.T

Cửa hàng xăng dầu đấu nối vào đường giao thông: Vướng mắc cần tháo gỡ

(GLO)- Theo Luật Giao thông đường bộ và các quy định liên quan, các công trình xây dựng, trong đó có cửa hàng xăng dầu nằm dọc quốc lộ, tỉnh lộ phải xây dựng ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ và thực hiện đấu nối đúng vị trí được UBND cấp tỉnh phê duyệt.