Vươn xa thương hiệu bò một nắng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Miếng thịt bò tươi mềm được tẩm ướp gia vị kỹ càng, sau đó đem phơi nắng 4-5 tiếng đồng hồ, khi ăn chỉ cần đem nướng trên than hồng, xé nhỏ chấm cùng muối kiến vàng đã trở thành món đặc sản được nhiều người yêu thích, nổi danh khắp cả nước.
Năm nay đã là năm thứ 23 bà Đinh Thị Hậu (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa, Gia Lai) gắn bó với nghề làm bò một nắng, từng bước đưa nhãn hiệu Tuấn Hậu nổi danh trong khắp giới sành ăn. Bà Hậu kể: “Ngày trước, tôi từng có thời gian sống trong các ngôi làng đồng bào dân tộc thiểu số, thấy người Jrai thường chế biến các món thịt nai gác bếp, nai một nắng rất ngon. Sau này, khi mở quán ăn, tôi nhớ lại hương vị đã từng được thưởng thức và thử tẩm ướp làm theo. Vì nai rất hiếm nên tôi chuyển sang làm bằng thịt bò. Không ngờ món ăn ấy được mọi người yêu thích và ngày càng có nhiều người đặt hàng để làm quà”. Từ đó, món bò một nắng dần được định danh trong danh sách đặc sản của địa phương. Cũng vì trót “lưu luyến” món nai gác bếp của người Jrai mà bà Hồ Thị Mười-Chủ cơ sở Bò một nắng Mười Đức (thị trấn Phú Túc) đã đem hương vị ấy tẩm ướp vào trong từng miếng thịt bò tươi ngon, làm thành món đặc sản trứ danh của vùng “chảo lửa” ở khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai.
 Sản phẩm bò một nắng Mười Đức thường xuyên tham gia các hội chợ, triển lãm trong cả nước. Ảnh: P.V
Sản phẩm bò một nắng Mười Đức thường xuyên tham gia các hội chợ, triển lãm trong cả nước. Ảnh: P.V
Với số lượng khoảng 70.000 con, Krông Pa là địa phương sở hữu đàn bò lớn nhất tỉnh, trong đó chủ yếu là giống bò địa phương (bò cỏ). Đó là nguồn nguyên liệu dồi dào để sản phẩm bò một nắng đảm bảo sản xuất liên tục, đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng tăng của thực khách cả nước. Bà Mười chia sẻ: “Chọn thịt là khâu quan trọng nhất, quyết định đến chất lượng sản phẩm. Nguyên liệu làm món này nhất định phải là bò cỏ bởi thịt săn chắc, khô ráo, ngọt”. Những phần thịt tươi ngon nhất sau khi rửa sạch sẽ, để ráo nước sẽ được thái thành từng miếng có bề dày chừng 1 cm rồi tẩm ướp gia vị. Theo bà Mười, gia vị tẩm ướp cũng không có gì quá đặc biệt, chỉ có sả, muối, ớt, bột ngọt, đường, tùy mỗi cơ sở sẽ có cách gia giảm khác nhau. Miếng thịt bò ngon nhất chính là khi được phơi ròng trong cái nắng 33-35oC từ 4 đến 5 tiếng đồng hồ. Thịt bò đủ nắng sẽ được thu gom, đóng bì ni lông và hút chân không, bảo quản trong ngăn đá. Khi ăn chỉ cần lấy ra rã đông và nướng trên bếp than hồng cho đến khi miếng thịt xém vàng, dậy mùi thơm nức mũi là có thể thưởng thức. Thức chấm của bò một nắng cũng rất đặc biệt, nhất định phải là muối kiến vàng thì mới hợp vị. Muối được làm từ loài kiến vàng vốn có vị chua đặc trưng trộn đều với chút sả, ớt xay nhuyễn. Miếng bò chín vừa tới vẫn còn giữ được hương thơm và vị ngọt thịt hòa quyện cùng chút vị mặn, chua, cay càng trở nên đậm đà khó cưỡng.
Với những hương vị đặc trưng của núi rừng, món bò một nắng ngày càng có sức tiêu thụ mạnh. Chỉ tính riêng trong tháng Tết, trung bình mỗi ngày cơ sở Mười Đức bán ra thị trường khoảng 100 kg bò một nắng. Ngoài cơ sở chính ở thị trấn Phú Túc, bà Mười còn mở một cơ sở ở TP. Pleiku và đại lý ở TP. Hồ Chí Minh, nhờ đó mà đặc sản của địa phương được phổ biến ngày càng rộng rãi. Chủ cơ sở Tuấn Hậu cũng cho hay: “Dù món bò một nắng ra đời từ rất lâu nhưng khoảng 7 năm trở lại đây mới thực sự được nhiều người biết đến. Hiện nay, chúng tôi đã có lượng khách hàng đông đảo ở khắp các tỉnh, thành trong nước. Điều ấy khiến tôi cảm thấy rất vui và tự hào khi mình đã góp phần quảng bá một đặc sản độc đáo, khiến nhiều người biết và nhớ đến địa phương của mình”.
Cũng từ trách nhiệm với người tiêu dùng và ý thức giữ gìn thương hiệu cho đặc sản bò một nắng của địa phương, cơ sở Mười Đức, Tuấn Hậu cũng như một số cơ sở khác ở huyện Krông Pa đã nhanh chóng hoàn tất các thủ tục đăng ký nhãn hiệu, thực hiện quy trình chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đem đến cho thực khách những sản phẩm chất lượng nhất.
PHƯƠNG VI

Có thể bạn quan tâm

Hvinh Nút làm du lịch cộng đồng. Ảnh: Ngọc Minh

Hvinh Nút làm du lịch cộng đồng

(GLO)- Phát huy tiềm năng, thế mạnh cảnh quan thiên nhiên cũng như bản sắc văn hóa dân tộc, anh Hvinh Nút (làng Đăk Asêl, xã Sơn Lang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) phát triển mô hình du lịch cộng đồng, mở ra hướng làm kinh tế mới, gia tăng thu nhập, tạo việc làm cho người dân địa phương.

Mang Yang quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn

Mang Yang quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn

(GLO)- Nhiều năm nay, từ các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước cùng sự hưởng ứng người dân địa phương, huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đã tập trung đầu tư xây dựng và sửa chữa hạ tầng giao thông nông thôn. Qua đó, giúp người dân vận chuyển hàng hóa thuận tiện, thúc đẩy kinh tế phát triển. 

Gia Lai: Bắt đầu từ sáng 30-6 sẽ thực hiện cấp và thu hồi mẫu con dấu khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính

Gia Lai: Bắt đầu từ sáng 30-6 sẽ thực hiện cấp và thu hồi mẫu con dấu khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính

(GLO)- Ngày 26-6, Công an tỉnh Gia Lai có Công văn số 3986/CAT-PC06 thông báo thời gian cấp, thu hồi mẫu con dấu khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đối với các cơ quan, tổ chức có trụ sở trên địa bàn tỉnh Gia Lai (cũ).

Mùa gieo sạ trên cánh đồng Đê Bar. Ảnh: Ngọc Minh

Mùa gieo sạ trên cánh đồng Đê Bar

(GLO)- Những ngày này, tại cánh đồng Đê Bar (xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) không khí lao động diễn ra tấp nập, khẩn trương, tiếng máy cày hòa cùng tiếng nói cười của người dân kỳ vọng về một mùa vụ thắng lợi.

Những mái ấm ở vùng khó

Những mái ấm ở vùng khó

(GLO)- Ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát đã lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc. Những ngôi nhà mới không chỉ góp phần làm đổi thay diện mạo nông thôn mà còn mở ra hy vọng về một cuộc sống tươi sáng hơn cho hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo.

null