(GLO)- Những năm trước đây, hồ tiêu ươm trong bì có giá 8-9 ngàn đồng/bì nhưng năm nay giảm xuống còn 3-4 ngàn đồng/bì; giá hồ tiêu dây (dây ác) 35-40 ngàn đồng/dây giảm xuống còn 10-12 ngàn đồng/dây.
Hiện nay, những chủ vườm ươm đang gặp khó khăn trong việc bán hồ tiêu giống cho nông dân. Nguyên nhân chủ yếu là do những trận mưa đá làm ảnh hưởng đến chất lượng dây tiêu, kèm theo đó là việc giá tiêu hạt giảm mạnh từ 150 ngàn đồng xuống còn 82 ngàn đồng/kg đã kéo theo giá tiêu giống giảm mạnh.
Vườn ươm Yến Hòa. Ảnh: T.N |
Theo phản ánh của nhiều chủ vườn ươm trên địa bàn tỉnh, cách đây 3-4 tháng còn có nhiều nông dân đến nhờ chủ vườn ươm tư vấn lấy giống tiêu nào tốt, cách trồng, cách phun thuốc… để cây phát triển và tránh sâu bệnh. Nhưng kể từ ngày giá tiêu hạt giảm mạnh, nông dân đến mua dây tiêu cũng thưa dần, thậm chí cả tháng cũng không có người tới hỏi mua dây tiêu giống. Trước đây, người ươm giống tiêu trừ hết chi phí cũng lãi được cả trăm triệu đồng đối với những vườn ươm nhỏ, vài trăm triệu đồng đối với những vườm ươm quy mô lớn.
Chị Lê Thị Đào-Chủ vườn ươm Đức Minh (đường Trường Chinh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) chán nản cho biết: “Vườn ươm của tôi có 5 vạn bầu tiêu, trước đây gia đình lãi 80-100 triệu đồng/năm. Còn hiện tại thì lỗ đến 30-40 triệu đồng. Đối với tiêu trong bì có khi hạ giá xuống còn 2 ngàn đồng/bì mà cũng không ai đến mua”. Tiêu ươm ế ẩm là thực trạng gặp phải của hầu hết những vườn ươm trên địa bàn tỉnh hiện nay.
May mắn hơn nhiều chủ vườn ươm khác, anh Nguyễn Văn Hòa-Chủ vườn ươm Yến Hòa (đường Phạm Văn Đồng, phường Yên Thế, TP. Pleiku) có hơn 40 vạn bì giống tiêu vẫn có thể tiêu thụ được, tuy số lượng người mua ít hơn thời gian trước rất nhiều. “Dây tiêu vẫn bán được, nhưng không có lãi mà chỉ hòa vốn. Thế cũng là may mắn lắm rồi. Nhiều vườn ươm không bán được cây nào mới khổ”-anh Hòa cho biết.
Việc bán và ươm tiêu giống chủ yếu tập trung vào 3 tháng mùa mưa. Nếu trong thời gian này mà không bán được thì tiêu khó sống sót và nguy cơ chủ vườn ươm lỗ vốn rất cao. Mọi năm, chủ vườn ươm đều nhập dây tiêu từ Đak Lak, Bình Phước… về để ươm quanh năm bán cho người dân, nhưng với tình trạng hiện nay, việc tiếp tục nhập dây tiêu là điều hy hữu.
Thúy Nga