Vũng Chùa có ba vị tướng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Không gian ở đây yên bình đến kỳ lạ. Người trong các thôn mỗi lần ra biển Vũng Chùa bắt cá, đánh lộng vẫn kính cẩn ngước lên núi Rồng vái vọng.

Từ ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Vũng Chùa - Đảo Yến (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) hòa mình vào đất mẹ, vùng đất hẻo lánh sôi động hẳn với hàng triệu lượt đồng bào viếng thăm. Nhưng du khách nhiều người vẫn chưa biết từ gần 600 năm trước, nơi đây từng có 2 vị tướng theo cờ khởi nghĩa Lam Sơn góp công lớn đánh tan quân Minh xâm lược và đều xin triều đình khi mất được an táng ở Đảo Yến và Vũng Chùa.

 

Ngày tiếp ngày, dòng người từ khắp nơi về với Vũng Chùa - Đảo Yến để viếng những vị tướng tài.
Ngày tiếp ngày, dòng người từ khắp nơi về với Vũng Chùa - Đảo Yến để viếng những vị tướng tài.

Khai canh chống nhà Hồ

Trước khi có sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp về yên nghỉ ở Vũng Chùa - Đảo Yến, theo các bậc cao niên ở xã Quảng Đông như cụ Lê Thanh Khành, Nguyễn Văn Toại, họ được truyền miệng từ đời cụ kị rằng nơi đây là nơi yên nghỉ của 2 vị tướng từng lập công lớn trong việc giúp người dân khai canh lập làng. Đó là anh em Trần Đạt và Trần Khai của triều nhà Trần. Nhưng các bậc cao niên này cho biết họ chỉ được truyền miệng, không có văn bản ghi chép.

May thay, trong các chỉ dẫn của cuốn "Nhân vật chí Quảng Bình" (cụ Nguyễn Tú biên soạn) có chép rõ về 2 nhân vật lịch sử này. Theo đó, cụ Trần Đạt là tướng thời hậu Trần. Năm 1400, Hồ Quý Ly truất phế ngôi vua Trần Thiếu Đế, lập triều nhà Hồ. Khanh tướng nhà Trần kịch liệt phản đối, dấy binh phò Trần nhưng bị Hồ Quý Ly dập tắt, tướng Trần Đạt và Trần Khai chạy về phương Nam. Hai ông rong ruổi qua Ninh Bình, Hà Tĩnh rồi vượt đèo Ngang đi về phía sông Gianh, khai canh ra làng An Bài (ngày nay là làng Thuận Bài, xã Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình). Tương truyền, tại đây, 2 ông giúp dân khai mở ruộng đồng, chăm lo cày cấy, lập làng xóm, bày dân làm ăn, tiếp tục nuôi chí "phò Trần diệt Hồ".

Sách của cụ Nguyễn Tú chép rằng 2 danh tướng này trấn giữ phía Bắc sông Gianh. Một thời gian dài quân Minh sang chiếm đóng, phế bỏ nhà Hồ. Cụ Trần Đạt và Trần Khai dấy quân khởi nghĩa để phò Trần, ra Bắc theo Giản Định Đế, rồi Trùng Quang Đế nhưng đều bị quân Minh đánh bại. Khi nghe Lê Lợi dấy binh, 2 anh em đưa quân theo.

Sách "Đại Việt thông sử" của Lê Quý Đôn ghi nhận Bình Định Vương Lê Lợi đã phong chức đại tướng và thừa tướng cho 2 cụ Trần Đạt, Trần Khai. Sau 10 năm kháng chiến, cụ Trần Đạt được phong Thái Tể Đường Quốc Công. Gia phả họ Trần ở Thuận Bài còn chép sau cụ Trần Đạt và Trần Khai, con cháu các cụ 6 đời kế tiếp đều làm tôi nhà Lê với 6 vị quận công, một vị quốc công, 7 vị tước hầu, 1 hoàng phi và 1 hoàng thái hậu. Và khi những hiền tài qua đời, triều đình nhà Lê đã cho xây chùa trên đảo Vũng Chùa, lập mộ và phong tước đối với 2 cụ Trần Khai, Trần Đạt xứng với công lao góp phần đánh đuổi giặc Minh. Hiện bài vị thờ 2 danh tướng này được đặt trang trọng trong nhà thờ họ Trần ở làng Thuận Bài, xã Quảng Thuận.

Sinh thời, ông Trần Hùng Sơn - Phó Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Quảng Bình, cháu đời thứ 21 của danh tướng Trần Đạt - cho biết theo gia phả và di ngôn của bô lão trong làng Thuận Bài thì tướng Trần Đạt đã tham gia khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi quân Minh xâm lược và có nhiều công trạng hiển hách. Lúc đất nước sạch bóng quân thù, trước khi nhắm mắt, tướng Trần Đạt đã xin triều đình cho táng ở Đảo Yến.

Phía trong thung lũng Rồng, nơi có miếu thờ gần tháp chuông Vũng Chùa, có một ngôi mộ cổ khác mà các bô lão cho biết là mộ của danh tướng Trần Khai, cũng công danh hiển hách và trước khi mất đã xin triều đình về táng ở đây.

 

Mộ danh tướng Trần Đạt trên đảo Yến.
Mộ danh tướng Trần Đạt trên đảo Yến.

Nặng nghĩa giúp dân

Từ ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp về đây, Vũng Chùa hóa thành linh khí, dung mạo của 3 vị tướng hiển hách khí phách chống ngoại xâm. Vùng đất hiền hòa với ngàn thông reo vẫn ngày ngày có tiếng gà gáy bên kia sườn núi, có tiếng cá quẫy phía biển, có ánh trăng tà mùa hạ, có hoàng hôn xuống núi trĩu nặng ân tình. Không gian ở đây yên bình đến kỳ lạ. Người trong các thôn mỗi lần ra biển Vũng Chùa bắt cá, đánh lộng vẫn kính cẩn ngước lên núi Rồng vái vọng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời, vào những năm 80-90 của thế kỷ trước, đã về thăm quê Quảng Bình qua ngả đèo Ngang trên chiếc xe Lada giản dị. Ông tâm sự với đồng bào rằng "khi mất, giúp gì được cho quê hương mình sẽ cố hết sức". Nay vừa tròn 4 năm Đại tướng về yên nghỉ ở Vũng Chùa - Đảo Yến.

Mấy trăm năm trước, Bà Huyện Thanh Quan qua đèo Ngang thấy tiều phu hái củi, nay vẫn còn bóng dáng "Lom khom dưới núi tiều vài chú" nhưng nhà cửa không còn lác đác như xưa. Người từ khắp xứ đổ về Vũng Chùa viếng hương hồn vị tướng huyền thoại đã cảm nhận được tấm lòng của vị tướng khi về thăm quê qua ngả Hoành Sơn từ mấy chục năm trước. Người nghèo ở đất Kỳ Nam (Hà Tĩnh) và Quảng Đông (Quảng Bình) trước đây không biết buôn bán, nay mở quầy hoa nhỏ hưởng lộc từ ân nghĩa vị tướng già mà vững tâm cho con theo cái chữ. Mỗi bó cúc vàng, cúc trắng được bán với giá 30.000 đồng, đẹp hơn thì 50.000 đồng.

Bé Nguyễn Chiều My, phụ mẹ bán hoa bên đường dẫn vào Vũng Chùa, lễ phép khi nghe chúng tôi hỏi về gia đình: "Nhà cháu nghèo, có khi chạy ăn từng bữa. Mẹ làm ruộng khoán, bố đánh cá ở biển trước làng. Từ ngày Đại tướng về đây yên nghỉ, cả nhà cháu bán hoa cho người viếng mộ. Mỗi ngày lãi từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng, có ngày bán được nhiều hơn".

Chị Nguyễn Thị Lan, nhà ở thôn nghèo Minh Sơn dưới chân Đèo Ngang, nói: "Từ ngày bác về, em không đi hái củi nữa mà đi bán hoa cho người đi viếng mộ bác. Thiệt đúng là bác giúp dân nghèo ở đây. Ngày xưa đi hái củi trên núi, cả ngày lấm lem mà vẫn không đủ cái ăn. Chừ bán hoa nhẹ nhàng hơn mà không lo thiếu thốn như trước". Chị Lan cũng khoe có ngày lãi mấy trăm ngàn đồng.

Đứng bên vệ đường với bó hoa vàng tươi mời khách, chị bán hoa nói: "Ở đây, người dân ai cũng bảo nhau phải mời chào khách tế nhị vì họ đến viếng mộ Đại tướng là lòng thành nên không được để xảy ra cảnh khó coi. Giá cả cũng thống nhất với nhau vì Đại tướng về đây là giúp người nghèo. Bà con phải biết lễ nghĩa chứ". Anh Nguyễn Quang Hà, du khách từ Hà Nội cùng gia đình vào viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thổ lộ: "Người dân ở đây chất phác, hoa bán rẻ, thức ăn đồ uống cũng nhẹ nhàng, hải sản tươi ngon mà giá rẻ, không chặt chém như nhiều nơi. Con người chân chất đến cảm động".

Hoàng Long/nld

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.