
Đang thu hoạch 1,6 sào lúa nước còn lại trên cánh đồng thị trấn Đak Đoa, ông Yích (làng Piơm, thị trấn Đak Đoa) cho biết: Vụ này, ông đầu tư tiền cày, giống, phân bón hết gần 3 triệu đồng cho 3,6 sào lúa nước. Vừa rồi, ông thu hoạch 2 sào nhưng chỉ thu được 15 bao, thấp hơn năm ngoái 7 bao.
“Nguyên nhân năng suất lúa giảm là do khu vực này chủ yếu dựa vào nước trời. Hơn nữa, năm nay xuất hiện các đợt lạnh kéo dài sau Tết Nguyên đán. Khi cây lúa đang trổ bông thì gặp nắng nóng kéo dài nhưng ruộng không đủ nước. Hiện gia đình còn 1,6 sào sạ sau đủ nước chuẩn bị thu hoạch, hy vọng năng suất bằng năm ngoái”-ông Yích nói.
Theo ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đak Đoa: Các cánh đồng lúa nước ở khu vực phía Nam huyện không có công trình thủy lợi. Vì vậy, trong vụ Đông Xuân, bà con thường gieo sạ lúa trà sớm với diện tích khoảng 100 ha. Năm nay, thời tiết diễn biến thất thường đã ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Theo dự báo thì năng suất lúa trà sớm có khả năng giảm.
Trong khi đó, tại huyện Chư Prông, bà con nông dân các xã Ia Lâu, Ia Piơr đã thu hoạch xong lúa vụ Đông Xuân 2024-2025. Hầu hết năng suất lúa không cao và giá cũng giảm so với vụ trước. Ông Nguyễn Văn Ánh (thôn Phố Hiến, xã Ia Lâu) cho hay: Vụ Đông Xuân 2024-2025, ông gieo sạ 5 ha lúa nước bằng giống Đài Thơm 8. Từ lúc gieo sạ đến khi thu hoạch, thời tiết lạnh kéo dài, gió mạnh, nhất là cuối vụ lại xuất hiện rầy nâu gây hại dẫn đến năng suất lúa giảm 7-8 tạ/ha so với năm ngoái. Cũng diện tích này, năm ngoái, ông thu được gần 40 tấn lúa khô nhưng năm nay chỉ còn 33 tấn. Không chỉ năng suất giảm mà giá lúa Đài Thơm 8 chỉ còn 8.200-8.500 đồng/kg, thấp hơn năm ngoái 1.000-2.000 đồng/kg.
“Do giá lúa giống, phân bón tăng cao nên chi phí đầu tư 1 ha lúa nước hết hơn 12 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc, thu hoạch. Với tình hình giá và năng suất như hiện tại thì gia đình chỉ còn lãi khoảng 17 triệu đồng/ha, giảm gần 10 triệu đồng/ha so với năm ngoái”-ông Ánh thông tin.

Tương tự, ông Nhữ Văn Kỳ-Giám đốc Hợp tác xã Công nông nghiệp và dịch vụ Hợp Tiến (xã Ia Lâu) cho biết: “Những năm trước, năng suất lúa bình quân đạt 6,5-7 tấn/ha thì năm nay chỉ đạt 6 tấn/ha, chưa kể chi phí đầu tư và nhân công đều tăng. Với 10 ha lúa của gia đình, tôi dự ước lợi nhuận chỉ đạt khoảng 15 triệu đồng/ha, giảm 5 triệu đồng so với vụ Đông Xuân 2023-2024. Đối với diện tích lúa của các thành viên Hợp tác xã cũng vậy”.
Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, vụ Đông Xuân 2024-2025, toàn tỉnh gieo sạ 26.882 ha lúa nước, vượt 5,4% chỉ tiêu kế hoạch. Hiện toàn tỉnh đã thu hoạch được hơn 2.519 ha, đạt hơn 9,37% diện tích.
Ông Lê Thành Công-Chủ tịch UBND xã Ia Lâu-chia sẻ: Đến thời điểm này, người dân trong xã đã thu hoạch 550 ha lúa Đông Xuân. Năng suất lúa bình quân giảm 30-35% so với năm ngoái. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, sâu bệnh gây hại cuối vụ. Ngoài ra, giá lúa hiện chỉ còn 7.500-8.500 đồng/kg nên người dân đạt lợi nhuận không cao.
Tại vựa lúa Phú Thiện, bà con nông dân bắt đầu thu hoạch rải rác lúa trà sớm. Ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Phú Thiện-cho hay: Vụ Đông Xuân 2024-2025, toàn huyện gieo sạ gần 7.000 ha lúa nước. Đến thời điểm này, người dân đã thu hoạch được khoảng 300 ha lúa trà sớm với năng suất bình quân ước đạt 7,5 tấn/ha, tương đương so với năm ngoái; còn diện tích lúa đại trà khoảng 15 ngày nữa mới cho thu hoạch.
Do bị ảnh hưởng bởi các đợt không khí lạnh vào thời điểm mới sạ được khoảng 1 tháng nên lúa chậm phát triển. Mọi năm chỉ bón 3 đợt phân nhưng năm nay phải bón 4-5 đợt. Hiện giá lúa tươi dao động 8.000-8.500 đồng/kg, còn lúa thơm chất lượng cao khoảng 9.000-9.500 đồng/kg nên lợi nhuận vụ Đông Xuân 2024-2025 giảm khoảng 4 triệu đồng/ha so với năm trước.