Vụ HH Trương Hồ Phương Nga 'lừa đảo' 16,5 tỉ đồng: Diễn biến bất ngờ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

CQĐT đã có kết luận điều tra mới nhất về vụ Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga ‘lừa đảo’ 16,5 tỉ đồng.

 
Phương Nga (trái) và Thùy Dung tại phiên xử sơ thẩm hồi tháng 6.2017
Phương Nga (trái) và Thùy Dung tại phiên xử sơ thẩm hồi tháng 6.2017



Sau khi hết thời gian gia hạn điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã có kết luận điều tra mới nhất vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với 2 bị can Trương Hồ Phương Nga (31 tuổi, quốc tịch VN và Nga, Hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007) và Nguyễn Đức Thùy Dung (28 tuổi).

Từ lừa đảo…

Theo hồ sơ vụ án, năm 2015, Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung bị cáo buộc “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” 16,5 tỉ đồng của ông Cao Toàn Mỹ (41 tuổi, Giám đốc Công ty Vina Cyber, ngụ Q.3, TP.HCM) bằng hành vi lừa mua bán nhà giá rẻ.

Cụ thể, qua thời gian hợp tác, làm việc với nhau, Nga nói với ông Mỹ rằng có mối quan hệ tốt với giới địa ốc và họ đang cần bán một căn nhà mặt tiền ở đường Hùng Vương (Q.5, TP.HCM) giá 6 tỉ đồng, trong khi giá thị trường là 8 tỉ đồng. Ông Mỹ đồng ý. Nga kể cho Thùy Dung nghe và cùng tham gia mở tài khoản để ông Mỹ chuyển tiền vào.

Tháng 9.2012, ông Mỹ giao 2 tỉ đồng cho Nga vào các ngày 6.9, 12.10.2012 và 16.7.2013 ông Mỹ chuyển tiếp tổng cộng 4,544 tỉ đồng vào tài khoản của Dung. Sau đó, Nga nói với ông Mỹ căn nhà ở Q.5 không mua được nữa, chuyển sang giới thiệu ông Mỹ căn nhà mặt tiền ở đường Trần Não (Q.2, TP.HCM) với giá 20 tỉ đồng nhưng Nga có thể mua giúp giá tốt 16,5 tỉ đồng. Ông Mỹ đồng ý.

Chờ lâu không thấy ông Mỹ chuyển tiền, nên Nga và Dung làm giả tờ di chúc và giấy xác nhận di chúc căn nhà số 7 Nguyễn Trãi (Q.1, TP.HCM), ghi ngày 30.7.2012 của bà Lương Thị Kim Phi (ngụ địa chỉ trên) có nội dung sau khi bà Phi qua đời sẽ để lại căn nhà số 7 Nguyễn Trãi cho cháu là ông Nguyễn Văn Yên. Tờ di chúc và xác nhận di chúc có đóng mộc dấu DNTN khách sạn Phi Phi Vũ Trâm Anh, do bà Phi làm giám đốc.

Ngày 10.10.2013, dựa vào giấy thỏa thuận nguyên tắc ngày 5.10.2013 giữa Nga và bà Phi trong việc bà Phi sẽ bán căn nhà cho Nga, Nga và Mỹ ký giấy xác nhận là ông Mỹ sẽ mua căn nhà số 7 Nguyễn Trãi với giá 16,5 tỉ đồng nhưng với cam kết ông Mỹ không được tiếp xúc với bà Phi là chủ nhà. Các ngày 21 và 28.10.2013, ông Mỹ chuyển 5 tỉ đồng vào tài khoản của Dung và trong ngày 4.11.2013, Nga làm giấy biên nhận đã nhận của ông Mỹ 16,5 tỉ đồng để mua nhà giá rẻ cho ông Mỹ. Không nhận được nhà, ông Mỹ làm đơn tố cáo.

Quá trình điều tra, Dung thừa nhận hành vi phạm tội, Nga giữ quyền im lặng. Bà Phi, chủ căn nhà số 7 Nguyễn Trãi khai không lập tờ di chúc và giấy xác nhận di chúc ngày 30.7.2012. Ngoài ra, ông Yên khai, ngày 16.9.2014, Nga đến gặp ông nhờ lấy tên Nguyễn Văn Yên làm giúp Nga giấy nhận tiền cọc và trả cọc căn nhà số 7 Nguyễn Trãi cho Nga.


Kết luận giám định bản di chúc và giấy xác nhận di chúc thể hiện, chữ viết không phải là của bà Phi, con dấu DNTN khách sạn Phi Phi Vũ Trâm Anh được đóng trên tờ di chúc và giấy xác nhận di chúc được làm giả.

Hàng loạt diễn biến tại tòa

Ngày 19.11.2014, CQĐT khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngày 19.3.2015, Nga và Dung bị bắt tạm giam.


Ngày 21.9.2016, trong phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 1, Phương Nga khai 16,5 tỉ đồng được Cao Toàn Mỹ cho bị cáo thông qua hợp đồng tình cảm giữa 2 bên. Sau lời khai này, TAND TP.HCM trả hồ sơ điều tra bổ sung. Tuy nhiên, ngày 6.2.2017, kết luận điều tra bổ sung khẳng định không có các hợp đồng tình cảm như Nga và Dung khai nên CQĐT tiếp tục đề nghị truy tố 2 bị can về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Quá trình xét xử sơ thẩm lần 2, trong ngày 27.6.2017, nhân chứng Lữ Minh Nghĩa (người yêu của Dung) khai, trong thời gian Dung bị tạm giam, Dung đã viết 10 bức thư trên ni lông chuyển ra ngoài cho Nghĩa và tại tòa Nghĩa đã nộp 5 bức thư cho HĐXX. Chiều 29.6.2017, sau một tuần xét xử sơ thẩm lần 2, TAND TP.HCM tiếp tục trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung. Cũng trong ngày 29.6.2017, tòa thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Phương Nga và Thùy Dung.

Đến bất ngờ…

Đến nay, sau khi đã hết thời hạn phục hồi điều tra và gia hạn thời hạn phục hồi điều tra, CQĐT thừa nhận không thu thập thêm được tài liệu để chứng minh hành vi gian dối có trước, và là nguyên nhân Mỹ ngộ nhận và giao tiền mua nhà nhiều lần nên không đủ cơ sở cáo buộc 2 bị can lừa đảo chiếm đoạt tài sản; về quan hệ giữa Nga và ông Mỹ là có thân thiết với nhau nhưng không thể chứng minh có hay không quan hệ tình dục.

Tuy nhiên, theo CQĐT, Phương Nga và Thùy Dung đã thực nhận 16,5 tỉ đồng của ông Cao Toàn Mỹ, đến nay chưa trả.

2 bị can có hành vi sử dụng tài liệu di chúc có đóng dấu giả con dấu của DNTN khách sạn Phi Phi Vũ Trâm Anh nộp cho CQĐT nhằm chứng minh có việc thỏa thuận với ông Yên mua căn nhà số 7 Nguyễn Trãi; tạo lập ra những thỏa thuận nhận tiền cọc, trả cọc với ông Yên. Do đó, chỉ xác định được thời điểm tạo lập văn bản thỏa thuận mua bán căn nhà số 7 Nguyễn Trãi là có sau thời điểm Cao Toàn Mỹ chuyển tiền lần cuối vào ngày 4.11.2013.

Theo CQĐT, hành vi của Phương Nga và Thùy Dung có dấu hiệu của tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” nhưng tội danh này theo BLHS 2015 đã bổ sung dấu hiệu định tội “thực hiện hành vi trái pháp luật” nên vụ án sẽ được đình chỉ điều tra theo hướng miễn trách nhiệm hình sự.


10 lá thư qua lại trại tạm giam

Trong phiên tòa sơ thẩm lần 2, nhân chứng Lữ Minh Nghĩa khai có nhận 10 lá thư ni lông do Thùy Dung gửi ra. Tại tòa, Nghĩa nộp 5 lá thư cho HĐXX, 5 lá thư còn lại Nghĩa khai đưa cho bà Nguyễn Mai Phương (nhân chứng).

Kết quả thanh tra của Thủ trưởng CQĐT xác định có 10 lá thư ni lông được gửi ra ngoài. Trong đó, 5 lá thư Nghĩa nộp tại tòa, 5 lá thư còn lại do bà Nguyễn Mai Phương nộp từ trước.

Nhưng hồ sơ vụ án ở cả hai phiên tòa không có 5 lá thư được bà Mai Phương nộp trước đó, nhưng khi giám định vẫn đủ 10 lá thư (!?). Kết luận giám định chữ viết trên 10 lá thư là của Dung, tuy nhiên theo CQĐT nội dung thư không làm thay đổi bản chất tài liệu, chứng cứ vụ án tại thời điểm trao đổi thư qua lại. Từ đó, Công an TP.HCM có quyết định kỷ luật giáng hai cấp bậc hàm từ đại úy xuống trung úy đối với cán bộ trại giam Chí Hòa - ông Nguyễn Hữu Nghĩa.

Ngọc Lê (thanhnien)

 

Có thể bạn quan tâm

Công chức tư pháp cấp xã:Thêm công việc, tăng trách nhiệm

Công chức tư pháp cấp xã: Thêm công việc, tăng trách nhiệm

(GLO)- Nhiều nhiệm vụ trong lĩnh vực tư pháp trước đây thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện đã được chuyển giao cho UBND cấp xã. Khối lượng công việc tăng lên đòi hỏi công chức tư pháp tại cấp xã phải nỗ lực nhiều hơn, góp phần xây dựng nền hành chính cơ sở gần dân, vì dân phục vụ.

Truy tố nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng SCB Gia Lai

Truy tố nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng SCB Gia Lai

(GLO)- Chiều 17-7, theo nguồn tin của P.V, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai đã truy tố bị can Nguyễn Văn Phương (SN 1982, trú tại phường Pleiku) - nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) SCB Gia Lai về hàng loạt tội danh.

Chủ tịch công ty trồng rừng hầu tòa vì... phá rừng

Chủ tịch công ty trồng rừng hầu tòa vì... phá rừng

(GLO)- Ngày 14-7, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Gia Lai mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hủy hoại rừng xảy ra tại Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Nam Sông Ba. Trong số các bị cáo có chủ tịch hội đồng thành viên của một công ty chuyên về trồng rừng.

Cảnh giác với “cạm bẫy” trên không gian mạng sau sáp nhập đơn vị hành chính

Cảnh giác với “cạm bẫy” trên không gian mạng sau sáp nhập đơn vị hành chính

(GLO)- Tội phạm sử dụng công nghệ cao hoạt động trên không gian mạng liên tục biến tướng với những phương thức, thủ đoạn tinh vi. Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và xã, các đối tượng đã lợi dụng điều này để tạo ra những “cạm bẫy” lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.

null