Vốn vay và lòng tin từ các doanh nghiệp nhỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong số 97% doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, có đến 85% - 90% là DN nhỏ và siêu nhỏ.

Khối DN này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại trong tiếp cận các nguồn lực kinh doanh như mặt bằng sản xuất, thị trường, đặc biệt là vấn đề vốn vay. Hiện chỉ có khoảng 40% các DN này tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cấp bách khơi thông nguồn vốn

Tại các hội thảo bàn về giải pháp vốn cho DN thời gian gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, khơi thông dòng vốn cho khối DN tư nhân vừa và nhỏ cũng như DN siêu nhỏ là vấn đề cấp bách. Bởi lẽ, DN thiếu vốn sẽ không thực hiện được các ý tưởng kinh doanh, 90% DN vì lý do này mà không lớn lên được, làm giảm sức cạnh tranh chung của cả nền kinh tế. Trong khi đó, các ngân hàng vẫn khá thận trọng trong việc “mở hầu bao” cho DN tư nhân nhỏ và siêu nhỏ vay vốn vì đa số các DN này chưa tạo được sự tin tưởng về năng lực vận hành, khả năng trả nợ.

Thực tế có không ít DN nhỏ và siêu nhỏ đang ăn nên làm ra nhưng vẫn gặp khó khăn khi muốn tiếp cận vốn vay ngân hàng để mở rộng hoạt động kinh doanh. Chị Hoàng Thu Hương (quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, hiện chị đang kinh doanh các món ăn vặt như các loại bánh, trà sữa…  Mặc dù chủ yếu bán qua mạng nhưng chị vẫn có 2 mặt bằng phục vụ khách tại quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp. Sau hơn 1 năm kinh doanh, doanh số và lợi nhuận cũng khá nên chị định vay vốn mở rộng thêm cửa hàng, nhưng khi trình phương án kinh doanh chị lại không được ngân hàng cho vay vì quy mô DN quá nhỏ, chị lại không có tài sản thế chấp nên buộc phải vay tín dụng cá nhân để phục vụ mục đích kinh doanh. “Vay cá nhân không chỉ lãi suất cao mà còn không được tính vào chi phí vận hành, được khấu trừ một khoản thuế thu nhập nên rất thiệt thòi”, chị Hương bày tỏ. Rõ ràng, khối DN này hiện vẫn cứ bị vướng vào vòng luẩn quẩn “muốn mở rộng kinh doanh thì cần vốn nhưng muốn vay vốn lại không dễ vì quy mô nhỏ” mà chưa tìm được lối ra.

Về việc này, lãnh đạo một ngân hàng thương mại nhìn nhận, mặc dù tình hình kinh doanh ngành ngân hàng có khởi sắc, nhiều ngân hàng báo lãi lớn, song tỷ lệ nợ xấu thời gian qua cũng tăng theo. Đây là một trong những lý do khiến các ngân hàng thận trọng trong việc “mở hầu bao” cho DN, nhất là DN trong phân khúc nhỏ và siêu nhỏ. Vì các DN này thường không chứng minh được hiệu quả sản xuất - kinh doanh cụ thể, thiếu chuyên nghiệp trong lập báo cáo tài chính, tài sản thế chấp giá trị thấp, rủi ro rất cao…

“Mở cửa” cho DN siêu nhỏ

Liên quan đến vốn cho DN vừa và nhỏ, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM cho hay, hiện NHNN trung ương đã ban hành chính sách hỗ trợ cho vay không có tài sản bảo đảm. Đầu tháng 7-2017, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng đã có văn bản gửi lãnh đạo các tỉnh đề nghị phối hợp triển khai kết nối vốn, cơ chế giải ngân các quỹ hỗ trợ tại các địa phương. Thực tế, thời gian qua một số ngân hàng thương mại tại TPHCM cũng đã chủ động hơn trong việc tiếp cận khối DN nhỏ và siêu nhỏ. Theo vị này, với đặc điểm chung là quy mô nhỏ, vòng đời ngắn và chưa tạo dựng được niềm tin với các ngân hàng nên các DN siêu nhỏ ít nghĩ đến việc mở rộng kinh doanh, nâng cấp hay cải tiến hệ thống. Chính vì thế, trước đây ít ngân hàng thiết kế các chương trình cho vay riêng cho khối DN này. Tuy nhiên thời gian gần đây, nhận thấy được nhu cầu và sự khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn của các DN nhỏ và siêu nhỏ, các ngân hàng cũng đã có các gói lãi suất riêng.

Cụ thể, Ngân hàng PVcomBank đang triển khai gói “Linh hoạt cấp vốn”, với tổng hạn mức gói lên đến 1.500 tỷ đồng, ưu đãi lãi suất vay vốn từ 7,5%/năm. Bên cạnh hình thức thế chấp phổ biến là tài sản của chủ DN hay những cá nhân góp vốn, PVcomBank còn cho thế chấp tài sản một cách linh hoạt từ người thân của họ với các loại tài sản khác nhau như bất động sản, sổ tiết kiệm, ô tô... Đặc biệt, đối với các DN siêu nhỏ thuộc diện khởi nghiệp (start-up), nếu thành lập mới chưa đủ 12 tháng thường khó đáp ứng các điều kiện vay vốn nhưng vẫn sẽ được PVcomBank xem xét tham gia gói vay ưu đãi lãi suất nếu có thời gian hoạt động chỉ từ 6 tháng trên nền tảng phát triển từ hộ kinh doanh. Tương tự, Ngân hàng Bản Việt (Vietcapital Bank) cũng vừa triển khai chương trình cho vay dành cho DN nhỏ và siêu nhỏ, với tỷ lệ cho vay từ 75% - 100% giá trị tài sản đảm bảo. Lãi suất ưu đãi chỉ hơn 1%/năm so với lãi suất thông thường. Với DN kinh doanh từ 3 năm trở lên có thể được áp dụng mức lãi suất thấp hơn mặt bằng chung trên thị trường là 1,5%/năm và tỷ lệ vay lên đến 100% giá trị tài sản bảo đảm.

Đánh giá về việc này, lãnh đạo NHNN chi nhánh TPHCM cho rằng, với động thái “mở cửa” rộng hơn từ nhiều ngân hàng thương mại, hiện các DN siêu nhỏ sẽ “dễ thở” hơn khi vay vốn để phát triển, mở rộng quy mô. “Nút thắt của dòng vốn hiện nay với khối DN nhỏ là vấn đề lòng tin. Các DN nhỏ, đặc biệt siêu nhỏ cần có những phương án kinh doanh tốt, cẩn trọng hơn trong việc điều phối, vận hành cũng như đảm bảo duy trì tài chính để có thể đảm bảo khả năng chi trả tốt khoản nợ đã vay”, vị này nói.

Vi Quân (sggp)

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.