'VN ngày càng quan trọng trong chiến lược quốc phòng của Mỹ'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chuyên gia quốc tế đánh giá chuyến thăm lần này của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cho thấy tầm quan trọng của quan hệ đối tác với Việt Nam trong chiến lược khu vực của Mỹ.

Chiều qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã hạ cánh ở Tân Sơn Nhất, bắt đầu chuyến thăm lần thứ 2 trong năm nay của ông đến VN.

Trong ngày hôm nay, ông Mattis sẽ có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch. Đây cũng là lần gặp thứ 5 giữa hai ông trong gần hai năm qua.

Zing.vn đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia về khu vực gồm: giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia, Gregory Poling và Murray Hiebert từ Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ.

 
 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch duyệt đội danh dự hồi tháng 1. Ảnh: AP.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch duyệt đội danh dự hồi tháng 1. Ảnh: AP.



Mỹ muốn tiến xa hơn những “trái ngọt thấp cành”

- Với chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương hiện nay của Mỹ, chuyến thăm lần này của ông Mattis mang thông điệp gì?

- Carl Thayer: Trong chuyến thăm Việt Nam lần 1 (năm nay), ông Mattis nói ông đến là để lắng nghe. Trong chuyến thăm lần 2 này, ông sẽ hành động thông qua việc ủng hộ khắc phục hậu quả chiến tranh, cụ thể là vấn đề dioxin (Chất độc Da cam) ở Biên Hòa, tiếp tục hỗ trợ VN thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan.

Ông Mattis cũng sẽ thảo luận với Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch về các hoạt động hợp tác quốc phòng thực tiễn trong tương lai. Tính đến nay, hợp tác quốc phòng mới dừng ở các lĩnh vực “trái ngọt thấp cành” như tìm kiếm cứu nạn và gìn giữ hòa bình.

Một vấn đề nhạy cảm khác có thể được đề cập là Đạo luật Đối phó đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA), ngăn các nước mua vũ khí và trang thiết bị quân dụng từ những doanh nghiệp quốc phòng của Nga.

Nút thắt này đồng thời mở ra câu hỏi liệu Việt Nam có sẵn sàng ký các hợp đồng mua bán quốc phòng lớn với phía Mỹ hay không.

- Greg Poling: Chuyến thăm lần này của Bộ trưởng Mattis gửi đi thông điệp rất rõ: Lầu Năm Góc trân trọng quan hệ hợp tác an ninh đang phát triển với Việt Nam.

Vấn đề đáng lưu tâm là không những ngài bộ trưởng đến Việt Nam lần 2 trong năm, mà còn việc ông vẫn chọn Việt Nam là điểm đến sau khi đã hủy chuyến thăm Trung Quốc.

Mỹ chắc chắn sẽ tiếp tục thuyết phục Việt Nam ký thêm các hợp đồng mua bán vũ khí, nhận thêm hỗ trợ quốc phòng từ Mỹ, và tham gia nhiều hơn vào các hoạt động diễn tập và huấn luyện với Mỹ.


 

Tàu khu trục USS Decatur hoạt động trên Biển Đông vào tháng 10/2016. Cuối tháng qua, Decatur suýt va chạm với một tàu khu trục Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Tàu khu trục USS Decatur hoạt động trên Biển Đông vào tháng 10/2016. Cuối tháng qua, Decatur suýt va chạm với một tàu khu trục Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh: Hải quân Mỹ.


- Căng thẳng thời gian qua giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng tăng. Chuyến thăm của ông Mattis tới khu vực châu Á lần này có hàm ý chính sách gì?

- Thayer: Bài phát biểu vừa qua của Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đánh dấu bước chuyển lớn trong chính sách đối ngoại Mỹ, nhìn nhận và đối phó với Trung Quốc với tâm thế của cường quốc đối thủ. Bộ trưởng Mattis sẽ tìm cách phát triển một liên minh mang tính tình thế gồm các đối tác trong khu vực để tạo đối trọng.

Với tình hình này, Việt Nam sẽ phải đối diện với cả môi trường khu vực lẫn môi trường quốc tế mang tính đối đầu rõ rệt giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bộ trưởng Mattis đang thực hiện đúng theo những nội dung trong Chiến lược An ninh Quốc gia và Chiến lược Phòng thủ Quốc gia của chính phủ Tổng thống Donald Trump, trong đó Việt Nam là một yếu tố quan trọng trong mạng lưới hợp tác quốc phòng giúp giải quyết các thách thức an ninh tại khu vực bao gồm cả những hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trong cuộc gặp lần này, ông James Mattis cũng có thể tìm kiếm sự ủng hộ của Việt Nam dành cho những nghị quyết của Liên Hiệp Quốc nhắm vào Triều Tiên. Mỹ cũng tìm cách thuyết phục Việt Nam tăng cường hợp tác quốc phòng song phương, trong đó bao gồm đề nghị tăng thêm các chuyến viếng thăm hải quân.

- Hiebert: Chuyến thăm của ông Mattis cần được đặt dưới lăng kính của bối cảnh quốc tế, rằng Mỹ và Trung Quốc dường như đang hướng đến một cuộc chiến tranh lạnh mới.

Washington đang rất quan ngại trước những hành động họ xem là hung hăng của chính phủ Trung Quốc trong hàng loạt lĩnh vực từ kinh tế, quân sự đến chính trị.

Những diễn biến gần đây cho thấy Mỹ đang thay đổi từ mô hình “tiếp cận xây dựng” với Trung Quốc sang chính sách khác mang tính cạnh tranh hơn. Chính sách Đối ngoại Quốc gia được Washington công bố vào năm 2017 cũng nhận diện Trung Quốc là một “mối đe dọa”.


 

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis gặp gỡ bên lề Đối thoại An ninh Shangri-La tháng 6 năm nay. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis gặp gỡ bên lề Đối thoại An ninh Shangri-La tháng 6 năm nay. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.



Quan hệ Việt - Mỹ trong bối cảnh cạnh tranh cường quốc

- Trong chuyến thăm gần đây, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Randall Schriver nhấn mạnh việc phát triển mạng lưới đồng minh và đối tác trong khu vực là một trong những trụ cột của chính sách. Triển vọng phát triển của quan hệ Việt - Mỹ trong phương diện đối tác quốc phòng?

- Thayer: Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ gánh vác thêm nhiều trách nhiệm trong khu vực khi tiếp nhận ghế Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020, và có thể cả trách nhiệm quốc tế nếu đắc cử thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Những điều này làm tăng thêm tầm quan trọng của Việt Nam về phương diện đối tác an ninh trong nhận thức của Mỹ.

Vừa qua, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Randall Schriver đến Việt Nam dự Đối thoại Chính sách Quốc phòng thường niên cùng Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh. Hợp tác quốc phòng giống như một con đường hai chiều.

Ông Schriver đã cam kết Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam khắc phục tàn dư chất độc Da cam sau chiến tranh. Ông Mattis sẽ đến thăm Biên Hòa, sau đó gặp Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch. Có thể thấy, Mỹ về phía mình đang nỗ lực giải quyết một trong những mối quan tâm lớn nhất của Việt Nam.

Việt Nam luôn tìm cách duy trì sự độc lập và không phụ thuộc trong mối quan hệ với các cường quốc. Việc tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ trong các lĩnh vực nhạy cảm sẽ rất khó vì Việt Nam không muốn gửi đi tín hiệu chọn phe giữa 2 cường quốc.

- Poling: Mối quan hệ song phương đang phát triển hiện nay là hệ quả của việc Mỹ và Việt Nam cùng chia sẻ nhiều lợi ích mang tính chiến lược.

Đặc biệt, cả 2 nước đều có những quan ngại chung về các hành động bắt nạt và hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông. Mối quan ngại này khó biến mất trong thời gian ngắn với tình hình hiện nay.

Tôi cho rằng Việt Nam sẽ duy trì chính sách tiếp cận từ tốn trong các vấn đề hợp tác, chậm hơn những kỳ vọng từ phía Washington. Dù vậy, quan hệ song phương vẫn đủ dư địa để đạt thêm những bước tiến mới.

Điều này vẫn mang ý nghĩa rất lớn, đặc biệt khi quan hệ quân sự giữa 2 nước chỉ vài năm trước là gần như không tồn tại.

- Hiebert: Có thể thấy, chuyến thăm của ông Mattis là một nỗ lực mới nhằm thúc đẩy những liên kết an ninh Việt – Mỹ và tăng thêm niềm tin quốc phòng song phương, đặc biệt trong bối cảnh phát triển quân sự của Trung Quốc đang tạo sức ép rất lớn lên khu vực.

Quả bóng hiện nay thật ra đang nằm trên phần sân của Việt Nam. Mỹ đã thể hiện rõ họ muốn thắt chặt các liên kết quốc phòng.

Thanh Danh (zing)

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.
Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

(GLO)- Ngày 29-11, Thành ủy Pleiku tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới“. Đồng chí Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cùng các đồng chí Thường trực Thành ủy Pleiku đồng chủ trì hội nghị.