Việt Nam triển khai chiến dịch tiêm hơn 1 triệu liều vaccine phòng bệnh sởi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã ghi nhận hơn 2.000 trường hợp mắc bệnh sởi, trong đó tại Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận hơn 500 ca mắc.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Tiến sỹ Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho hay từ cuối năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phát đi thông báo về nhiều nước trên thế giới có số ca mắc sởi gia tăng và cảnh báo Việt Nam về dịch sởi có thể bùng phát.

Vì vậy, ngay từ đầu năm 2024, Bộ Y tế đã có kế hoạch tiêm bù, tiêm vét các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có sởi.

Dịch sởi có thể bùng phát nghiêm trọng

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã ghi nhận hơn 2.000 trường hợp mắc bệnh sởi, trong đó tại Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận hơn 500 ca mắc.

Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng phân tích mùa tựu trường đang đến gần, nguy cơ mắc sởi, lây truyền bệnh là rất lớn. Các trường hợp mắc bệnh trong tình trạng nặng hoặc tử vong nằm ở nhóm trẻ chưa được tiêm chủng. Vì vậy, Bộ Y tế phối hợp với WHO và UNICEF tổ chức chiến dịch tiêm chủng sởi nhằm bao phủ vaccine cho trẻ, phòng tránh nguy cơ mắc bệnh và chuyển nặng.

Theo ông Đức, Chiến dịch tiêm chủng sởi khác với kế hoạch tiêm bù, tiêm vét đã được thực hiện là đối tượng tiêm chủng được mở rộng. Cụ thể, trước đây vaccine phòng bệnh sởi chỉ tiêm cho trẻ 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi. Tuy nhiên, trong chiến dịch này đối tượng tiêm chủng là trẻ từ 1 đến 10 tuổi, trừ những trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Chiến dịch được triển khai tại 18 tỉnh với hơn 100 huyện là những vùng nguy cơ đã được đánh giá. Hơn 1 triệu liều vaccine sẽ được tiêm miễn phí.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết số vaccine này do Chính phủ Australia tài trợ thông qua WHO. Chiến dịch được triển khai tại các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế tại các quận, huyện có nguy cơ và đang có các ca sởi/dịch sởi.

Tiến sỹ Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tiến sỹ Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ Y tế đánh giá có 18 tỉnh, thành nằm trong nhóm nguy cơ bùng phát dịch như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Long An, Sóc Trăng, Bình Phước, Kiên Giang, Quảng Nam, Gia Lai, Đắk Lắk, Tây Ninh, Bến Tre, Bình Dương, Cà Mau...

Coi chiến dịch tiêm chủng là ưu tiên hàng đầu

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh cả nước đang bước vào năm học mới, học sinh các cấp đang quay trở lại trường học, có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, nhất là với một số bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, tay chân miệng và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Phát biểu tại Hội nghị hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng thế giới năm 2024 tổ chức ngày 22/8, bà Silvia Danailov - Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết đại dịch COVID-19 hoành hành đã gây gián đoạn nguồn cung ứng vaccine, cũng như công tác tiêm chủng vaccine, điều này tạo ra khoảng trống vaccine ở nhiều trẻ em Việt Nam. Thực tế, trong những tháng vừa qua, dịch sởi đã bùng phát ở nhiều tỉnh thành tại Việt Nam, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh.

Vì vậy, Việt Nam cần triển khai kịp thời các biện pháp để kiểm soát dịch sởi, đặc biệt là tiêm chủng vaccine. UNICEF khuyến khích tất cả các tỉnh thành coi chiến dịch tiêm chủng này là ưu tiên hàng đầu.

Bà Angela Pratt - Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bà Angela Pratt - Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bà Angela Pratt - Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam chỉ rõ tại Việt Nam, hàng trăm nghìn trẻ em đã không được tiêm chủng từ năm 2021 tạo nên sự suy giảm trong tiêm chủng chưa từng thấy. Kết quả là số ca mắc các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine đang gia tăng như: bạch hầu, ho gà đặc biệt là sởi đang lây nhiễm rất mạnh mẽ hiện nay.

Theo bà Angela Pratt, với các tỉnh thành có các chùm ca bệnh gia tăng nhanh chóng, WHO khuyến nghị công bố dịch để có thể kích hoạt các phương án chống dịch kịp thời.

Theo Bộ Y tế, để triển khai thành công Chiến dịch tiêm chủng sởi, ủy ban nhân dân các tỉnh cần quan tâm chỉ đạo sở, ban ngành xây dựng, ban hành kế hoạch tại địa phương, bố trí đầy đủ kinh phí, nhân lực, trang thiết bị cho điểm tiêm chủng, bao gồm cả các đội cấp cứu lưu động, tổ chức buổi tiêm chủng và theo dõi, xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng.

Hiện nay, Chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam đã tiêm miễn phí vaccine phòng 11 bệnh truyền nhiễm, gồm: Lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi-viêm màng não mủ do Hib, viêm não Nhật Bản B, rubella...

Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay thời gian tới, Bộ Y tế sẽ triển khai kế hoạch sử dụng vaccine mới như vaccine phòng bệnh tiêu chảy do virus Rota, vaccine phòng bệnh do phế cầu, vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung do virus HPV và xem xét báo cáo Chính phủ bổ sung thêm các loại vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm khác, để có thêm cơ hội phòng bệnh cho người dân…

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai thu hút nguồn nhân lực trình độ cao

Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai thu hút nguồn nhân lực trình độ cao

(GLO) - Sau 1 năm đi vào hoạt động, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai đã trở thành địa chỉ khám-chữa bệnh tin cậy trong khu vực. Trong định hướng phát triển, đơn vị tiếp tục có chính sách thu hút nguồn nhân lực trình độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tốt hơn.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.