Việt-Lào đoàn kết, sắt son

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chuyến thăm, chúc Tết cổ truyền Bun Pi May tại một số tỉnh Nam Lào của đoàn cán bộ cấp cao tỉnh Gia Lai thêm một lần nữa khẳng định tình đoàn kết, thủy chung son sắt giữa Nhân dân 2 nước trong thời chiến lẫn thời bình.

Trong chuyến thăm từ ngày 10 đến 14-4, đoàn cán bộ cấp cao tỉnh Gia Lai do Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên làm trưởng đoàn đã thành kính dâng hoa, thắp hương tại Tượng đài Đoàn kết liên minh chiến đấu Lào-Việt ở các tỉnh Attapeu, Champasak; thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ Đội K53 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum) đang thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh trên nước bạn Lào.

Thiêng liêng những “địa chỉ đỏ”

Trong không khí trang nghiêm, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên và thành viên trong đoàn đã thành kính dâng hoa, thắp hương tưởng niệm, bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đối với các anh hùng liệt sĩ đã cống hiến, hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Sự hy sinh cao cả của các anh đã viết nên trang sử vàng chói lọi, soi rọi cho thế hệ trẻ của 2 nước Việt-Lào tiếp bước. Tượng đài Đoàn kết liên minh chiến đấu Lào-Việt là biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết, thủy chung, chí nghĩa chí tình; của lòng dũng cảm, sự hy sinh quên mình của quân và dân 2 nước Việt-Lào trong những năm chiến đấu gian khổ, đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Công trình thể hiện sự tri ân của Đảng, Nhà nước, Nhân dân và Quân đội 2 nước đối với các anh hùng liệt sĩ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam và cán bộ, chiến sĩ, người dân Lào đã hiến dâng đời mình cho sự nghiệp cách mạng.

Đứng trước “địa chỉ đỏ” thiêng liêng trên nước bạn Lào, công trình nổi bật là hình ảnh 2 chiến sĩ cách mạng đại diện cho tình đoàn kết, gắn bó keo sơn, đồng cam cộng khổ của Nhân dân 2 nước trong thời kỳ chiến tranh, anh Đỗ Phúc Đức-Phó Trưởng phòng Thời sự (Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Gia Lai) không giấu được xúc động. “Hiểu rõ ý nghĩa của biểu tượng về tinh thần đoàn kết, kề vai sát cánh chống lại kẻ thù chung, tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn tình hữu nghị 2 nước Việt-Lào, về văn hóa và con người nước bạn. Là thế hệ tiếp nối, tôi luôn khắc ghi, trân trọng điều này. Dù tôi đã nhiều lần tháp tùng đoàn cán bộ cấp cao của tỉnh đến thắp hương tại Tượng đài Đoàn kết liên minh chiến đấu Lào-Việt, nhưng mỗi lần đến là thêm một lần cảm xúc dâng trào”-anh Đức cho hay.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên (thứ 3 từ trái sang) cùng thành viên đoàn công tác dâng hoa, thắp hương trước Tượng đài Đoàn kết liên minh chiến đấu Lào-Việt ở tỉnh Champasak. Ảnh: Minh Nguyễn

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên (thứ 3 từ trái sang) cùng thành viên đoàn công tác dâng hoa, thắp hương trước Tượng đài Đoàn kết liên minh chiến đấu Lào-Việt ở tỉnh Champasak. Ảnh: Minh Nguyễn

Tham gia cùng đoàn công tác của tỉnh Gia Lai thắp hương tại tượng đài, ông PhimPhone Phan-DaNouVong-Chủ tịch huyện Paksong (tỉnh Champasak) cho biết: Công trình này có ý nghĩa đặc biệt đối với Đảng, chính quyền và Nhân dân các bộ tộc Lào. Đây là biểu tượng khẳng định tinh thần đoàn kết chiến đấu của quân đội 2 nước nói riêng và Nhân dân 2 nước Việt-Lào nói chung trong những năm tháng chiến đấu gian khổ chống giặc ngoại xâm. Tình đoàn kết thủy chung son sắt ấy không thể nào phai mờ. Chủ tịch huyện Paksong nhấn mạnh: “Chính quyền, Nhân dân huyện Paksong nguyện luôn kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết quý báu giữa 2 dân tộc; tiếp tục vun đắp mối quan hệ hữu nghị Việt-Lào ngày càng bền chặt”.

Tại tỉnh Attapeu, Tượng đài Đoàn kết liên minh chiến đấu Lào-Việt cũng được đặt ở vị trí trung tâm như để nhắc nhớ thế hệ trẻ 2 nước và bạn bè quốc tế về tình đoàn kết đặc biệt giữa 2 dân tộc, 2 đất nước. Chị Băn Tha Lay-Kẹo Mạ Ni Vong-Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Attapeu-bày tỏ: Đây là nơi giáo dục truyền thống, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ của tỉnh Attapeu nói riêng và cả nước nói chung. Vào các dịp lễ lớn, đoàn cán bộ cấp cao các tỉnh của Việt Nam cũng thường đến đây dâng hoa, thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì hòa bình độc lập của 2 nước. “Hơn hết, tượng đài là biểu tượng cho mối quan hệ sắt son, nhắc nhở thế hệ sau phải luôn ghi nhớ, gìn giữ, phát huy truyền thống ấy”-chị Băn Tha Lay-Kẹo Mạ Ni Vong xúc động nói.

Trong không khí thắm đượm tình đoàn kết, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên và lãnh đạo các tỉnh: Attapeu, Champasak, Sekong, Salavan cùng ôn lại truyền thống thủy chung gắn bó lâu đời giữa 2 dân tộc và lịch sử liên minh chiến đấu chống lại kẻ thù chung, giành độc lập dân tộc. Đây chính là cội nguồn của mối quan hệ đặc biệt, mẫu mực, hiếm có trên thế giới, đồng thời cũng là nhân tố quyết định thành công và thắng lợi của cách mạng mỗi nước. Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng Sekong Lêck Lay Sy Vy Lay khẳng định: “Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Lào luôn giữ gìn, vun đắp và phát triển mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Lào-Việt Nam đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, mang lại lợi ích cho Nhân dân mỗi nước”.

Tri ân người nằm xuống

Cũng trong chuyến công tác tại nước bạn Lào, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên và các thành viên trong đoàn đã đến thăm, tặng quà, chia sẻ những khó khăn, vất vả của cán bộ, chiến sĩ Đội K53, những người đang thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập, cất bốc hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh tại các tỉnh: Attapeu, Sekong, Champasak. Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên khẳng định, việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ không những thể hiện sâu sắc đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc mà còn là chủ trương mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta. Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên mong muốn cán bộ, chiến sĩ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả; sớm tìm được và cất bốc, quy tập, hồi hương các hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh trên nước bạn về đất mẹ Việt Nam.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên ghi nhận: “Càng về sau càng khó khăn do thông tin về liệt sĩ và nơi chôn cất ngày càng ít đi; địa hình nhiều nơi thay đổi nên khó xác định được vị trí chính xác. Tuy vậy, với trách nhiệm thiêng liêng, cao cả mà Đảng và Nhà nước giao phó, cán bộ, chiến sĩ Đội K53 vẫn tiếp tục nêu cao ý chí phấn đấu, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Còn thông tin thì chúng ta quyết tâm tìm bằng được các chú, các bác đưa về quê hương để thể hiện sự tri ân, ghi nhớ sâu sắc công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ; góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước đối với các thế hệ người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ hôm nay”.

Thay mặt đoàn công tác của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên tặng quà động viên cán bộ, chiến sĩ Đội K53 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum) đang thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tại huyện Paksong, tỉnh Champasak. Ảnh: Minh Nguyễn

Thay mặt đoàn công tác của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên tặng quà động viên cán bộ, chiến sĩ Đội K53 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum) đang thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tại huyện Paksong, tỉnh Champasak. Ảnh: Minh Nguyễn

Bày tỏ niềm xúc động trước những lời chia sẻ và món quà động viên của Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên cùng đoàn công tác, Thượng tá Lê Công Khoa-Đội trưởng Đội K53-cho biết: Đội sẽ tiếp tục khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, để lại những tình cảm tốt đẹp với Nhân dân nước bạn. Mùa khô 2022-2023, Đội K53 tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tại các tỉnh Nam Lào (Attapeu, Sekong, Champasak) và tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia). Đến thời điểm này, Đội đã quy tập được 12 hài cốt liệt sĩ.

“Chúng tôi yêu cầu cán bộ, chiến sĩ tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy mối quan hệ đoàn kết vốn có với chính quyền và Nhân dân nước bạn Lào để bạn ủng hộ, giúp đỡ trong công tác tìm kiếm, quy tập đạt kết quả cao nhất. Điều này còn thể hiện tình cảm, trách nhiệm đối với những người đã nằm xuống, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của thân nhân các liệt sĩ”-Đội trưởng Đội K53 khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

Lãnh đạo Binh đoàn 15 động viên công nhân trước khi bước vào hội thi cạo mủ. Ảnh: V.H

Sáng mãi phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” - Kỳ cuối: Đẩy mạnh sản xuất kết hợp với xây dựng vùng biên vững mạnh

(GLO)- Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tham gia sản xuất là một nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng và Chính phủ giao cho Quân đội”, Binh đoàn 15 phối hợp cùng với cấp ủy, chính quyền và người dân tiến hành khai hoang, phục hóa, gieo mầm xanh nơi vùng đất khó biên giới Tổ quốc.

Đồn Biên phòng Ia Mơ vững vàng thế trận lòng dân

Đồn Biên phòng Ia Mơ vững vàng thế trận lòng dân

(GLO)- Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, Đồn Biên phòng Ia Mơ luôn chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Ia Mơ (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) triển khai nhiều hoạt động củng cố, phát huy thế trận lòng dân ở khu vực biên giới.

Chư Pưh tiêu hủy 191 vũ khí, vật liệu nổ

Chư Pưh tiêu hủy 191 vũ khí, vật liệu nổ

(GLO)- Hội đồng tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ (Công an huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) vừa tổ chức tiêu hủy 191 vũ khí, vật liệu nổ do người dân giao nộp và thu được trong quá trình đấu tranh, xử lý đối với tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.