Viện phí tăng, chất lượng dịch vụ y tế có tăng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Theo Thông tư 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế, từ ngày 1-10-2017, cùng với 15 tỉnh thành khác trong cả nước, Gia Lai cũng thực hiện áp giá viện phí mới với hơn 1.900 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và một số dịch vụ khám-chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT.

Hơn 1.900 dịch vụ y tế tăng giá

Tính đến ngày 27-9-2017, tỉnh ta có gần 88% dân số tham gia BHYT. Như vậy còn gần 174.000 người chưa tham gia BHYT sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp trong đợt tăng giá lần này vì họ phải chi trả 100% chi phí khám-chữa bệnh nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật.

 

Từ 1-10-2017, Gia Lai áp dụng giá viện phí mới theo Thông tư 02 đối với nhóm đối tượng không có thẻ BHYT. Ảnh: N.N
Từ 1-10-2017, Gia Lai áp dụng giá viện phí mới theo Thông tư 02 đối với nhóm đối tượng không có thẻ BHYT. Ảnh: N.N

Ông Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Thông tư 02 của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám-chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở khám-chữa bệnh của nhà nước,  trong đó có trên 1.900 dịch vụ kỹ thuật. Ngày 13-7-2017, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 64/2017/NQ-HĐND thực hiện thông tư này tại các cơ sở khám-chữa bệnh nhà nước trên địa bàn tỉnh có hiệu lực từ ngày 1-10-2017. Triển khai chỉ đạo của Bộ và  tỉnh, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế nhập cơ sở dữ liệu, niêm yết giá công khai cho người dân được biết; đồng thời, trước đó tập trung công tác tuyên truyền rộng rãi để bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nắm bắt các quy định của thông tư. Thực tế, Thông tư 02 đã ghi sẵn lộ trình nên các đơn vị y tế đều có khoảng thời gian chuẩn bị, vì vậy không có gì trở ngại, lúng túng trong việc triển khai.

Vì có kết cấu thêm chi phí tiền lương, phụ cấp đặc thù của nhân viên y tế vào giá dịch vụ y tế nên một số dịch vụ y tế có mức tăng bình quân gấp 2-4 lần mức giá cũ; mức tăng còn lại chủ yếu vào khoảng 20-30%. Cụ thể, so với trước, tiền khám tối đa (bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương) tăng gấp 4 lần ở bệnh viện hạng IV (từ 7.000 đồng/lượt lên 29.000 đồng/lượt); bệnh viện hạng III từ 10.000 đồng/lượt lên 31.000 đồng/lượt; bệnh viện hạng II tăng từ 15.000 đồng/lượt lên 35.000 đồng/lượt; bệnh viện hạng I và bệnh viện hạng đặc biệt tăng gần 2 lần, từ 20.000 đồng/lượt lên 39.000 đồng/lượt.

Bên cạnh đó, giá tối đa dịch vụ ngày điều trị hồi sức tích cực (chưa bao gồm chi phí máy thở nếu có) tại bệnh viện hạng đặc biệt từ 354.000 đồng tăng lên 677.100 đồng; bệnh viện hạng I từ 354.000 đồng tăng thành 632.200 đồng; bệnh viện hạng II từ 350.000 đồng lên 568.900 đồng. Đối với giường bệnh hồi sức cấp cứu, chống độc cũng tăng từ 169.000 đồng/ngày lên 362.800 đồng/ngày (bệnh viện hạng đặc biệt); từ 169.000 đồng/ngày lên 335.900 đồng/ngày (bệnh viện hạng I); bệnh viện hạng II tăng từ 115.000 đồng/ngày lên 279.100 đồng/ngày. Các bệnh viện hạng III, bệnh viện hạng IV tăng tương ứng từ 81.000 đồng/ngày lên 245.700 đồng/ngày và 61.000 đồng/ngày lên 226.000 đồng/ngày...

 

Ảnh: N.N
Ảnh: N.N

Ngoài giá tiền khám tối đa, giá ngày, giường điều trị tăng cao thì một số thủ thuật, phẫu thuật cũng được điều chỉnh tăng. “Trong đó, những dịch vụ có chi phí rất đắt đỏ như trong điều trị ung thư hay thực hiện các kỹ thuật cao mà người không có BHYT phải chi trả 100% thì số tiền cho mỗi lần điều trị rất lớn, từ vài chục triệu đồng trở lên. Người không có BHYT rất dễ rơi vào nghèo khó nếu chẳng may lâm trọng bệnh, vì vậy tham gia BHYT là việc cần làm ngay”-Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đình Tuấn nhấn mạnh.

Chất lượng dịch vụ có tăng?

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Bá Mỹ-Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Bệnh viện Đa khoa tỉnh là bệnh viện hạng II. Triển khai Thông tư 02, bệnh viện đã có sự chuẩn bị nên không gặp nhiều khó khăn. Bệnh viện cũng đã chú trọng công tác tuyên truyền trước đó trên các phương tiện thông tin; niêm yết giá dịch vụ công khai tại bệnh viện… Trong những ngày đầu triển khai, chưa thấy ý kiến phản hồi nào của người dân về vấn đề này.

Tại các cơ sở y tế công lập khác, việc triển khai thực hiện Thông tư 02 cũng diễn ra khá suôn sẻ. “Trước đó, do đã điều chỉnh giá viện phí với những đối tượng có thẻ BHYT nên dữ liệu cập nhật đã có sẵn cái nền. Nếu trước đây, đối tượng có BHYT và không có BHYT chi trả giá viện phí khác nhau thì nay đã đồng nhất, đảm bảo sự công bằng;  tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bệnh viện trong việc thanh toán chi phí khám-chữa bệnh”-ông Phạm Thanh Hưng-Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp-Trung tâm Y tế TP. Pleiku, thông tin.

 

Ông Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc Sở Y tế: Sở Y tế sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” tại các đơn vị y tế trên toàn tỉnh. Người bệnh nếu không hài lòng về cung cách phục vụ của cán bộ y tế có thể phản ánh về Sở Y tế tỉnh để kịp thời chấn chỉnh, xử lý.

Một vấn đề được người dân quan tâm là viện phí tăng thì chất lượng dịch vụ y tế cũng cần phải song hành vì chính người bệnh đã góp phần chi trả một phần chi phí tiền lương, phụ cấp đặc thù cho nhân viên y tế vào giá dịch vụ y tế. Đây là một đòi hỏi thiết thực, chính đáng. “Viện phí tăng đồng nghĩa với việc bệnh viện có thêm nguồn thu trả lương, phụ cấp và mua sắm, nâng cao trang-thiết bị phục vụ tốt hơn nhu cầu khám-chữa bệnh cho người dân. Chính vì vậy, bệnh viện ngày càng phải phục vụ đáp ứng tối đa sự hài lòng của người bệnh, người bệnh phải là trung tâm. Có sự hài lòng thì bệnh nhân mới đến và có bệnh nhân thì mới có nguồn thu để chi trả. Hiện nay, nhằm góp phần nâng cao việc điều trị, chăm sóc bệnh nhân, bệnh viện đã áp dụng nhiều kỹ thuật mới trong điều trị như: ứng dụng nội soi 3D trợ giúp trong phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống; kẹp túi phình vi phẫu trong phình mạch máu não; phẫu thuật u não dưới định vị Navigasion; phẫu thuật lấy máu tụ (vi phẫu) trong xuất huyết não thất; phẫu thuật nội soi mũi xoang…”-bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Bá Mỹ-Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, thông tin thêm.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm