Về nơi đồng đội nằm lại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có trận chiến đã lùi xa nửa thế kỷ, những người lính năm xưa cũng đã chân chậm, mắt mờ. Vậy nhưng, ký ức chiến trường vẫn rời rợi trong tâm trí họ. Nhiều cựu chiến binh xem việc trở về thăm lại chiến trường xưa để thắp nén hương tưởng nhớ đồng đội là trách nhiệm thiêng liêng.

1. Trong những ngày cả nước đang hướng về dịp kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022), đoàn cán bộ Ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng-Sư đoàn 320 đã tổ chức chuyến về nguồn ý nghĩa. Một trong những điểm đến của đoàn là Di tích lịch sử cấp tỉnh Chiến thắng Chư Nghé (xã Ia Krai, huyện Ia Grai). Càng xúc động hơn khi biết trưởng đoàn là Trung tướng Khuất Duy Tiến-nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, Trưởng ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng-Sư đoàn 320. Ở tuổi 91, vị tướng này vẫn chưa thôi đau đáu về việc tôn tạo các di tích lịch sử cũng như tri ân đồng đội đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.

  Trung tướng Khuất Duy Tiến (bìa phải) và cán bộ Ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng-Sư đoàn 320 thắp hương tri ân tại Bia di tích Chiến thắng Chư Nghé. Ảnh: P.D
Trung tướng Khuất Duy Tiến (bìa phải) và cán bộ Ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng-Sư đoàn 320 thắp hương tri ân tại Bia di tích Chiến thắng Chư Nghé. Ảnh: Phương Duyên


Còn nhớ, năm 2021, trò chuyện với P.V qua điện thoại, Trung tướng Khuất Duy Tiến rất vui mừng khi biết di tích Chiến thắng Chư Nghé sẽ được khởi công xây dựng một số hạng mục. Trước đó, ông luôn trăn trở với việc xác nhận chiến thắng cứ điểm này là di tích lịch sử cấp tỉnh, quan tâm bảo vệ, tôn tạo cho xứng tầm. Ông thổ lộ: “Có cuộc chiến nào không thương vong, mất mát? Đồng đội chúng tôi nhiều người đã ngã xuống trong trận chiến này. Việc xây dựng di tích đáp ứng niềm mong mỏi của lực lượng vũ trang và người dân địa phương, qua đó khẳng định chính sách “Đền ơn đáp nghĩa”. Khi khu di tích này khánh thành, chắc chắn chúng tôi sẽ về thăm lại”.

Ở tuổi “xưa nay hiếm”, với ông đó là điều không dễ thực hiện. Vậy mà, nói là làm, sáng 24-4, ông cùng hơn 60 cán bộ, cựu chiến binh (trong đó có khoảng 30 người từng trực tiếp tham gia trận tiến công cứ điểm Chư Nghé) và lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Ia Grai về thăm nơi lưu dấu một phần ký ức khói lửa, rất kiêu hùng nhưng cũng nhiều đau thương. Dù đi đứng phải có người dìu đỡ nhưng những bước chân của vị tướng tài không vì thế mà kém phần hăng hái.

Cùng cả đoàn thắp nén hương tri ân tại bia Chiến thắng Chư Nghé, Trung tướng Khuất Duy Tiến cảm khái: “Nhớ đồng chí Trần Ngọc Chung-Trung đoàn trưởng Trung đoàn 48, người chỉ huy trận đánh tiêu diệt căn cứ này, góp phần mở rộng địa bàn, nâng thế trận lên để đến tháng 3-1975 chúng ta đại thắng ở Tây Nguyên, tiến tới đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng đất nước. Chúng tôi kính cẩn dâng hương trước các liệt sĩ, anh hùng đã hy sinh, cống hiến cho đất nước. Mong các đồng chí phù hộ độ trì cho anh em chúng tôi luôn khỏe mạnh để tiếp tục đóng góp cho đất nước. Đặc biệt là phù hộ độ trì cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương để kinh tế ngày càng giàu mạnh, quốc phòng-an ninh ngày càng vững chắc để làm theo lời dạy của Bác Hồ, đó là góp phần làm cho đất nước Việt Nam chúng ta ngày càng giàu mạnh hơn, to đẹp hơn”.

2. Sau khi thắp hương tri ân, các cựu chiến binh đã tham quan một số điểm cao, công sự, hầm hào còn lại trong chiến tranh. Dấu tích xưa vẫn còn đó với những khối bê tông nằm trơ trọi, rải rác giữa đám cây cỏ. Ký ức về trận chiến như vừa hôm qua… Châm điếu thuốc đặt trên khối bê tông vỡ, một cựu chiến binh gọi vào không trung: “Đồng đội ơi, về hút điếu thuốc nhé!”.

Theo các tư liệu lịch sử, cứ điểm biên phòng Chư Nghé của Tiểu đoàn 80 Biệt động quân (Quân đoàn 2 ngụy) đóng tại vùng giải phóng huyện 4 (nay thuộc xã Ia Krai), cách Pleiku hơn 40 km. Cứ điểm được xây dựng kiên cố trên một quả đồi hình củ lạc, chia thành 2 khu vực A và Z, nối thông nhau bằng các chiến hào, bên ngoài bao bọc bởi 9-14 lớp rào thép gai, có chông, mìn chống bộ binh và mìn chống tăng dày đặc. Với việc bố phòng hết sức kiên cố ấy, địch tự tin tuyên bố: “Khi nào nước sông Pô Cô chảy ngược, con cóc mọc râu thì Chư Nghé mới thất thủ”.

Tháng 9-1973, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên giao Sư đoàn 320 đứng chân ở 2 huyện 4 và 5 mở đợt tiến công địch, mục tiêu là căn cứ Chư Nghé. Ngày 14-9-1973, Chỉ huy Sư đoàn 320 chính thức giao cho Trung đoàn 48 và các đơn vị tăng cường tiến công căn cứ Chư Nghé, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tiêu diệt địch trên đường 19 và 14. Ngày 21-9-1973, xét thấy thời cơ đã chín muồi, các đơn vị chủ lực và du kích địa phương tiến công chiếm lĩnh trận địa. 13 giờ ngày 22-9-1973, Thiếu tá Trần Ngọc Chung-Trung đoàn trưởng Trung đoàn 48-hạ lệnh tấn công. Sau hơn 3 giờ giao tranh ác liệt, Trung đoàn 48 đã làm chủ hoàn toàn thế trận, toàn bộ Tiểu đoàn 80 biệt động quân của địch bị ta bắt sống và tiêu diệt, thu 50 tấn đạn dược và nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng. Chiến thắng này mở rộng vùng giải phóng về phía Tây Nam Pleiku và vùng hành lang tiếp vận chiến lược lương thực của ta, tạo khí thế cho quân và dân tỉnh Gia Lai, mặt trận Tây Nguyên lập nên những chiến công mới.

Các cán bộ, cựu chiến binh tham quan những chứng tích trong khuôn viên Di tích lịch sử chiến thắng Chư Nghé.jpg
Các cán bộ, cựu chiến binh tham quan chứng tích trong khuôn viên Di tích lịch sử chiến thắng Chư Nghé. Ảnh: Phương Duyên


Trang trọng tiếp đón đoàn cán bộ Ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng-Sư đoàn 320 về thăm chiến trường xưa, ông Đỗ Văn Đông-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai-thông tin: Với ý nghĩa lịch sử to lớn, năm 2018, Chiến thắng Chư Nghé đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh. Năm 2021, UBND tỉnh đồng ý chủ trương triển khai xây dựng, tôn tạo khu di tích này. Đến nay, huyện đã hoàn thành thi công các hạng mục: cổng, đường và sân bê tông, nhà bia. Riêng các hạng mục còn lại như nhà quản lý, nhà trưng bày hiện vật, hầm lô cốt, khu nhà dịch vụ-ăn uống… sẽ được xây dựng trong thời gian đến nhằm góp phần giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và truyền thống cách mạng của quân, dân huyện Ia Grai. Huyện cũng đã đưa di tích này vào quy hoạch phát triển du lịch của địa phương giai đoạn 2020-2030.  

Nửa thế kỷ trôi qua, thời gian đã xóa mờ bao vết thương nhuốm màu lửa đạn. Chiến địa xưa dần được phủ xanh bởi cà phê, hồ tiêu, cao su. Đứng từ đỉnh đồi, cựu chiến binh Lê Mạnh Hải-người trực tiếp tham gia trận tiến công cứ điểm Chư Nghé nheo mắt giữa nắng trưa bao quát cái nhìn ra bốn phía. Ông bồi hồi: “Vậy là đã tròn 50 năm kể từ ngày chúng tôi đặt chân đến chiến trường Tây Nguyên. Khi rời đi, những cựu chiến binh của Sư đoàn 320 không mang theo gì ngoài hình bóng bao đồng đội cùng chiến đấu đã nằm lại đây. Hôm nay về thăm để tưởng nhớ, tri ân đồng đội, chúng tôi thấy mình là những người hạnh phúc nhất, may mắn nhất vì được sống trong những ngày đất nước hòa bình”.

 

 PHƯƠNG DUYÊN
 

Có thể bạn quan tâm

Tự hào là chiến sĩ Điện Biên

Tự hào là chiến sĩ Điện Biên

(GLO)-

94 tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng, đôi tai không còn nghe rõ, nhưng ký ức về những ngày tham gia giải phóng Điện Biên vẫn in đậm trong tâm trí cựu chiến binh Lưu Thế Quý (thôn Phú Cường, xã Ia Pal, huyện Chư Sê).

Đồn Biên phòng Ia Púch tiếp sức để dân thoát nghèo

Đồn Biên phòng Ia Púch tiếp sức để dân thoát nghèo

(GLO)- Bằng nhiều hoạt động mang tính thiết thực, cán bộ và chiến sỹ Đồn Biên phòng Ia Púch) đã giúp nhiều hộ dân ở xã biên giới Ia Púch (huyện Chư Prông) thay đổi nếp nghĩ, cách làm và vươn lên thoát nghèo bền vững, nhất là các hộ dân người dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn.