Ứng dụng thanh toán dịch vụ công trực tuyến: Nhiều tiện ích

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã tích hợp thành công giải pháp thanh toán trực tuyến eGPS trên cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Gia Lai. Đây là một giải pháp thanh toán mới với nhiều tính năng vượt trội do Vietinbank nghiên cứu xây dựng và đã ứng dụng tại một số thành phố như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh... Xung quanh vấn đề này, P.V Báo Gia Lai Điện tử có cuộc trao đổi với ông Đặng Quốc Thịnh-Phó Giám đốc Vietinbank Gia Lai.   
* P.V: Giải pháp thanh toán trực tuyến eGPS là gì, thưa ông?
- Ông ĐẶNG QUỐC THỊNH: Giải pháp thanh toán trực tuyến eGPS là sản phẩm thể hiện thế mạnh nền tảng công nghệ thông tin hiện đại với các tính năng, tiện ích vượt trội đã được Vietinbank nghiên cứu xây dựng thành công năm 2017. eGPS là giải pháp thanh toán được tích hợp trên cổng thông tin điện tử của các tỉnh, thành phố. Ứng dụng này cho phép người dân, doanh nghiệp, tổ chức có thể giao tiếp với chính quyền bất kỳ thời điểm nào, ở bất cứ nơi đâu, miễn là có kết nối internet. Thông qua đó, người dân có thể theo dõi tiến độ, quá trình xử lý hồ sơ, thanh toán các khoản phí, lệ phí, nộp thuế trực tuyến qua tài khoản ngân hàng. Kết quả xử lý hồ sơ và thanh toán sẽ được cập nhật tức thời trên cổng eGPS. Việc triển khai giải pháp thanh toán trực tuyến eGPS sẽ cung ứng cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao nhất-mức độ 4.
 Người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng bất kỳ tài khoản ngân hàng nào để thanh toán dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: S.C
Người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng bất kỳ tài khoản ngân hàng nào để thanh toán dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: S.C
* P.V: Ông có thể cho biết những ưu điểm, lợi ích mà giải pháp thanh toán trực tuyến eGPS mang lại?
- Ông ĐẶNG QUỐC THỊNH: Việc tích hợp thành công giải pháp thanh toán trực tuyến eGPS của Vietinbank trên cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Gia Lai (http://dvc.gialai.gov.vn) mang lại nhiều lợi ích, ý nghĩa khi thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt theo định hướng của Chính phủ, đưa thị trường thanh toán bắt kịp với xu thế hiện đại. Về phía người dân, doanh nghiệp, tổ chức cũng thuận tiện hơn khi tiếp cận các dịch vụ công, ngoài phương thức giao dịch trực tiếp tại chi nhánh, điểm giao dịch thì có thể thanh toán trực tuyến các khoản phí, lệ phí qua tài khoản ngân hàng hoặc bằng dịch vụ ngân hàng điện tử internet banking, mobile banking mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm được thời gian, công sức đi lại. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, giải pháp này góp phần hoàn thiện quá trình cải cách thủ tục hành chính, minh bạch hóa quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ, thanh toán phí, lệ phí cũng như nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ công. Một điểm đáng lưu ý là mức độ an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến được Vietinbank và các cơ quan quản lý ưu tiên đặt lên hàng đầu.    
* P.V: Hiện tại, việc triển khai giải pháp thanh toán trực tuyến eGPS tại Gia Lai như thế nào, thưa ông?
- Ông ĐẶNG QUỐC THỊNH: Có thể khẳng định, Vietinbank là ngân hàng duy nhất cung cấp giải pháp thanh toán trực tuyến eGPS. Là một đơn vị có trách nhiệm đảm bảo vận hành kênh thanh toán trực tuyến, từ đầu năm 2017, Vietinbank Gia Lai đặt nhiều tâm huyết cho công tác này, chủ động liên hệ, phối hợp với tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ngành, địa phương triển khai các bước cần thiết. Trong quá trình thực hiện, trở ngại lớn nhất mà chúng tôi gặp phải là việc kết nối, đồng bộ hóa dữ liệu giữa ngân hàng và các sở, ngành, địa phương cung cấp dịch vụ công. Tuy nhiên, vấn đề này hiện đã cơ bản giải quyết xong. Bắt đầu từ tháng 8-2018, Vietinbank Gia Lai đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức chạy thử nghiệm ứng dụng thanh toán trực tuyến tại Sở Giao thông-Vận tải, UBND thị xã Ayun Pa và đến nay đã nhân rộng việc triển khai ứng dụng này theo lộ trình đặt ra. Một ưu điểm của giải pháp thanh toán này là người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng bất kỳ tài khoản ngân hàng nào để thanh toán trực tuyến. Với một tỉnh miền núi có địa bàn rộng, mang tính đặc thù như Gia Lai, việc thúc đẩy phương thức thanh toán dịch vụ công trực tuyến sẽ góp phần tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân trong việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công; đồng thời, đáp ứng nhu cầu bổ sung dịch vụ thanh toán, thu hộ, chi hộ cho các đơn vị cơ quan nhà nước, các đơn vị cung ứng tiện ích, dịch vụ công.
* P.V: Xin cảm ơn ông!
Sơn Ca (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.