Ứng dụng công nghệ cao: "Đòn bẩy" phát triển nông nghiệp bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện được chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân trong tỉnh triển khai thực hiện ở nhiều lĩnh vực, với những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Chú trọng liên kết sản xuất bền vững

Năm 2012, Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (TP. Pleiku) canh tác 1 ha rau củ quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, Công ty đầu tư thêm kho lạnh, máy móc đóng gói sản phẩm. Đến nay, Công ty có hơn 8 ha rau củ quả ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, Công ty còn liên kết với một số hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác để sản xuất rau củ quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Nguyễn Ngọc Hoàng-Giám đốc Công ty-cho biết: Năm 2017, Công ty được Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp giấy chứng nhận “Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” và sản phẩm được chứng nhận an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện các sản phẩm rau củ quả của Công ty đã có mặt trong hệ thống siêu thị Co.op Mart các tỉnh Tây Nguyên, VinMart toàn miền Trung và các siêu thị mi ni, bếp ăn trường học. Mỗi ngày, Công ty xuất bán 3-5 tấn sản phẩm. Sau khi trừ chi phí đầu tư, Công ty thu về 300-500 triệu đồng/ha/năm.

 Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và PTNT và lãnh đạo UBND tỉnh thăm Công ty TNHH Vĩnh Hiệp. Ảnh: Lê Nam
Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và PTNT và lãnh đạo UBND tỉnh thăm Công ty TNHH Vĩnh Hiệp. Ảnh: Lê Nam


Lâu nay, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp tiên phong trong việc sản xuất cà phê hữu cơ. Vùng nguyên liệu của Công ty được mở rộng lên 40 ngàn ha, liên kết với 10 ngàn hộ dân sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn hữu cơ. Ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty-cho biết: Để đạt được những kết quả trên, doanh nghiệp thực hiện quy trình sản xuất mang tính khép kín, đảm bảo quy chuẩn canh tác. Đồng thời, từng bước chuyển đổi từ cách làm truyền thống kém hiệu quả, ảnh hưởng xấu đến môi trường sang phương thức canh tác mới, chuẩn từ bao bì, chất lượng sản phẩm đến truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý. Cách làm này không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn đáp ứng các yêu cầu hàng rào kỹ thuật ngày càng khắt khe của thế giới. Đây cũng là điều kiện để sản phẩm cà phê đáp ứng yêu cầu khi gia nhập vào thị trường EU theo Hiệp định EVFTA. “Để tham gia chuỗi toàn cầu và thực hiện Hiệp định EVFTA, chúng tôi đã chuẩn bị từ 5 năm trước nhằm xây dựng lại quy trình, quy chuẩn về canh tác cho nông dân. Sản phẩm của Công ty đã đạt chứng nhận hữu cơ của Mỹ, Nhật, châu Âu, Hàn Quốc, kể cả chứng chỉ của các tổ chức bền vững, trong đó có Hà Lan về 4C, Rainforest Alliance. Đặc biệt, Vĩnh Hiệp là doanh nghiệp cà phê đầu tiên của Việt Nam đạt được chứng nhận USDA của Mỹ”-ông Hiệp chia sẻ.

Hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 18 vùng sản xuất có tính chất công nghệ cao với tổng diện tích hơn 3.489 ha gồm: 14 vùng trồng cây ăn quả; 1 vùng trồng hồ tiêu giống và thương phẩm; 1 vùng trồng cà phê được chứng nhận theo tiêu chuẩn Organic USDA; 1 vùng sản xuất giống rau và hoa; 1 vùng sản xuất dược liệu. Có 3 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận “Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” là Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú, Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn và Công ty TNHH Vĩnh Hiệp. Ngoài ra, toàn tỉnh có khoảng 227.176 ha cây trồng các loại sản xuất theo hướng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO (46.307 ha có chứng nhận). Hiện đã có 29 dự án trên lĩnh vực trồng trọt được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư với diện tích 1.464,5 ha, kinh phí 4.009,2 tỷ đồng; 43 dự án đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng diện tích hơn 1.612 ha, tổng vốn đăng ký hơn 5.744 tỷ đồng.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao

Ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ-cho hay: “Đak Pơ có diện tích rau xanh lớn nhất tỉnh với hoảng 6.500 ha/năm, sản lượng bình quân đạt trên 100 ngàn tấn/năm. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, nhiều hộ dân đã đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và trồng rau trong nhà màng, nhà kính theo phương pháp thủy canh”. Theo ông Hiệp, huyện xác định tiếp tục phát triển vùng rau, cây ăn quả theo hướng chuyên canh, gắn với ứng dụng khoa học-công nghệ, xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị. Cùng với đó, khuyến khích người dân đầu tư phát triển nhà màng, mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP và nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với nhãn hiệu chứng nhận “Rau Đak Pơ”. Kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư ứng dụng khoa học-công nghệ vào bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

Mô hình trồng rau thủy canh của Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (TP. Pleiku) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Lê Nam
Mô hình trồng rau thủy canh của Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (TP. Pleiku) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Lê Nam


Hiện nay, nhiều hộ nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn huyện Chư Sê cũng đang đẩy mạnh cơ giới hóa, phát triển cánh đồng lớn, tái canh cà phê, trồng chuối công nghệ cao, áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước vào sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: “Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thực sự đã làm thay đổi phương thức sản xuất truyền thống của người dân, tạo ra bước đột phá về cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Mặc dù đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao yêu cầu nguồn vốn ban đầu không nhỏ nhưng bù lại cho thu nhập cao hơn nhiều, tạo ra những sản phẩm chất lượng”.

Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được các ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp quan tâm đầu tư mạnh mẽ. Nhờ vậy đã tạo ra nhiều dòng sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đảm bảo chất lượng, sản xuất theo tiêu chuẩn được cấp chứng nhận của các tổ chức giám sát, đánh giá độc lập để vào được các thị trường khó tính. Đây là tiền đề cho ngành nông nghiệp có những bước đi vững chắc.

 

 LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024. 

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

(GLO)- Sở hữu 5 ha cà phê với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhưng ông Amyơm (SN 1964; làng Dơk Rơng, xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) vẫn muốn mở rộng thêm diện tích nhằm nâng cao thu nhập cùng quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

(GLO)- Từ nguồn hỗ trợ của Trung ương và ngân sách địa phương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai phối hợp với các địa phương xây dựng nhiều mô hình trình diễn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cho người dân. Nhờ đó, năng suất, chất lượng nông sản địa phương được nâng cao.

Chăn nuôi bò kết hợp trùn quế: Lợi ích kép

Chăn nuôi bò kết hợp trùn quế: Lợi ích kép

(GLO)- Tuy mới thành lập nhưng Tổ hội nghề nghiệp nuôi trùn quế xã Tú An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã mang lại lợi ích kép cho các thành viên khi không chỉ tạo cơ hội chia sẻ kinh nghiệm làm ăn mà còn thúc đẩy việc nhân rộng mô hình chăn nuôi bò kết hợp nuôi trùn quế.