Tuyển dụng không minh bạch, người tài thua thiệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cần loại bỏ các cuộc thi tuyển công chức, viên chức mang tính hình thức, trái luật, chấm dứt tình trạng dấm dúi "con ông cháu cha" vào bộ máy hành chính

K hông ai phủ nhận về sự cần thiết của các kỳ thi tuyển công chức, viên chức nhưng làm sao để các kỳ thi đó thật sự công bằng, minh bạch và tạo cơ hội cho những người thực sự có tài vào làm việc ở các cơ quan nhà nước, là điều dư luận đang mong chờ.

 

Một ứng viên tham dự kỳ thi tuyển ở Ban Tổ chức Trung ương.
Một ứng viên tham dự kỳ thi tuyển ở Ban Tổ chức Trung ương.

Hàng loạt sai phạm

Thanh tra Bộ Nội vụ vừa công bố kết luận thanh tra về quản lý biên chế công chức, tuyển dụng công chức, bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý, số lượng cấp phó... trong các cơ quan hành chính nhà nước của UBND tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 2014-2016.

Theo đó, tỉnh Tiền Giang cơ bản thực hiện theo quy định pháp luật, tuyển dụng được 152 công chức (65 trường hợp qua thi tuyển; 87 trường hợp tiếp nhận không qua thi tuyển). Đối với tuyển dụng qua thi tuyển, nội dung thi tuyển, câu hỏi môn thi viết chuyên ngành không có nội dung, kiến thức về các lĩnh vực chuyên ngành; một số đề thi chuyên ngành của khối thi khác nhau lại giống nhau.

Về việc tuyển dụng không qua thi tuyển, Thanh tra Bộ Nội vụ nêu rõ UBND tỉnh Tiền Giang tiếp nhận 13 trường hợp có trình độ thạc sĩ không đúng đối tượng quy định tại điều 19 Nghị định 24/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Các trường hợp tuyển dụng không qua thi tuyển, tỉnh Tiền Giang cũng không có văn bản gửi xin ý kiến Bộ Nội vụ trước khi ban hành quyết định tuyển dụng; 6/13 trường hợp được tuyển dụng khi chưa đủ 5 năm có trình độ đại học là thực hiện không đúng quy định trong Thông tư 13 của Bộ Nội vụ. Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang rà soát những trường hợp đã được tuyển dụng không qua thi tuyển; hủy bỏ quyết định tuyển dụng đối với các trường hợp không thực hiện đúng quy định.

Còn tại tỉnh Gia Lai, Thanh tra Bộ Nội vụ cũng kết luận có 6 trường hợp không có văn bản xin ý kiến của Bộ Nội vụ trước khi quyết định tuyển dụng; 3 trường hợp được tiếp nhận không qua thi chưa đủ 5 năm có trình độ đại học; 1 trường hợp tuyển dụng theo chế độ cử tuyển nhưng không thực hiện quy trình xét tuyển; 13 trường hợp tuyển dụng theo chính sách thu hút của tỉnh không đúng đối tượng theo quy định. Và mới đây, qua xác minh bước đầu của Báo Người Lao Động, nhiều người trong số 13 trường hợp trên là con, cháu lãnh đạo tỉnh, các sở - ngành...

Thanh tra Bộ Nội vụ đã kiến nghị chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai rà soát những trường hợp đã được tuyển dụng không qua thi, hủy bỏ quyết định tuyển dụng đối với các trường hợp không thực hiện đúng quy định về tuyển dụng trong trường hợp đặc biệt và xét tuyển đối tượng cử tuyển. Đồng thời chấm dứt sử dụng 171 lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ tại các cơ quan hành chính nhà nước.

Còn chỗ đâu cho người có tài!

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng muốn đất nước phát triển, khâu quan trọng là trọng dụng nhân tài. Tuy nhiên, công tác cán bộ đang có vấn đề báo động.

"Đó là hiện tượng cả họ làm quan, bổ nhiệm thân hữu. Gần đây, tôi nghe câu "nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn đồ đệ", như vậy không còn chỗ cho... trí tuệ. Đầu tiên là con cháu họ hàng, sau có tiền, sau nữa là gửi gắm, trao đổi thì làm gì có chỗ cho người tài" - ĐBQH Lê Thanh Vân nói. Ông Vân cũng dẫn chứng thêm "thậm chí có trường hợp giám đốc bệnh viện ở Đồng Tháp bổ nhiệm con trai bị động kinh làm phó khoa".

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, cho rằng muốn ngăn chặn được tình trạng thi tuyển hình thức, "chạy việc" hay nhét "con ông cháu cha" vào bộ máy công quyền thì trước tiên, Bộ Nội vụ cần phải ban hành được quy trình thi tuyển, tuyển dụng thật chặt chẽ, cụ thể, chuẩn xác để các bộ - ngành, địa phương căn cứ để thực hiện; tiếp đến là phải tăng cường công tác thanh tra.

"Đã ban hành quy định rồi nhưng phải thanh - kiểm tra, giám sát để ai làm sai xử lý ngay, xử lý nghiêm chứ không phải "giơ cao đánh khẽ". Đồng thời phải công khai thông tin vi phạm trên báo chí để răn đe, chứ nếu cứ thanh tra, xử lý mà không công khai thì hiệu quả cũng thấp" - ông Cuông nhấn mạnh.

Hiện nay, tình trạng "nhồi nhét" con, cháu, người thân, quen vào cơ quan nhà nước làm việc là khá phổ biến. Ngoài ra, tình trạng "chạy việc" cũng xảy ra rất nhiều mà dư luận đã lên tiếng từ rất lâu. Tuy nhiên trên thực tế, số vụ việc được phát hiện, xử lý còn rất ít, chỉ như phần nổi của tảng băng mà thôi.

Theo ông Lê Văn Cuông, phải có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, vì vấn nạn này liên quan đến chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Nếu không, những người có tài, có đức nhưng không có người thân quen làm quan to hoặc không có tiền để "chạy việc" thì lại bị loại ra ngoài bộ máy. Còn nhiều người chỉ học hành làng nhàng, kém năng lực nhưng có người thân làm to hay có tiền thì lại được vào biên chế.

Văn Duẩn/nld

Có thể bạn quan tâm

Nga chịu tổn thất về người lớn nhất trong tháng 11, Ukraine ra mắt “UAV tên lửa” mới

Nga chịu tổn thất về người lớn nhất trong tháng 11, Ukraine ra mắt “UAV tên lửa” mới

(GLO)- Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Anh, số lượng binh sĩ Nga chết và bị thương trung bình hàng ngày trong tháng 11-2024 đã đạt mức cao kỷ lục. Trong khi đó, Ukraine vừa giới thiệu mẫu UAV lai tên lửa có tốc độ lên đến 700 km/giờ và tầm bay 700 km, vượt xa tên lửa do phương Tây cung cấp.

Thanh niên xã Nghĩa An (huyện Kbang) khám sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Ảnh: M.P

Kbang bảo đảm chất lượng thanh niên lên đường nhập ngũ

(GLO)- Nhằm nâng cao chất lượn tuyển quân năm 2025, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) huyện Kbang, Gia Lai triển khai đồng bộ quy trình tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức khám sơ tuyển sức khỏe NVQS bảo đảm chặt chẽ, công bằng, công khai, đúng luật.

Người dân nhận thực phẩm cứu trợ tại Deir al-Balah, Dải Gaza ngày 23-11. Ảnh: THX/TTXVN

Israel bị cáo buộc “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Dải Gaza

(GLO)- Ngày 5-12, Hãng tin AFP cho biết, Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc Israel “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Gaza kể từ khi chiến sự xảy ra. Tuy nhiên, Israel đã nhiều lần kiên quyết bác bỏ các cáo buộc diệt chủng, đồng thời cáo buộc Hamas lợi dụng người Palestine làm lá chắn sống.