Những đóng góp của các cụ cho việc phòng chống dịch Covid-19 là tấm gương sáng, thể hiện truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết, tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, sáng 31-3, cụ Nguyễn Thị Tửu (101 tuổi; ngụ số nhà 31 Phan Đình Giót, phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) đã dùng số tiền 26 triệu đồng mà cụ tiết kiệm, tích góp bấy lâu nay để mua 2 tấn gạo ủng hộ lực lượng tham gia phòng chống dịch Covid-19. Số gạo này được cụ Tửu trao cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh để phân chia, cấp phát đến những cơ sở cách ly phòng dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Thơm thảo
"Tôi có tiền chế độ hằng tháng, tiền con cháu cho… Tuổi già không chi tiêu nhiều, tôi tích góp lại. Nay theo dõi, tôi thấy thương anh em bộ đội, công an và các y - bác sĩ đang làm công tác phòng chống dịch Covid-19 nên quyết định dùng tiền tiết kiệm mua gạo ủng hộ. Các con tôi rất ủng hộ, giúp tôi đặt mua gạo, liênx hệ với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh…" - cụ Tửu chia sẻ.
Mới đây, hình ảnh cụ Nguyễn Văn Thái (90 tuổi; ngụ thôn Bắc Tiến, xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà) đạp xe đem theo món quà do chính cụ "sản xuất" đến tặng khu cách ly ở Trường Mầm non xã Thạch Ngọc đã gây ấn tượng mạnh cho cư dân mạng. Món quà chỉ là 1 bó rau muống, một mớ rau sống, 1 quả bầu, 1 kg gạo và 20.000 đồng tiền lẻ nhưng đã khiến các cán bộ làm nhiệm vụ tại đây rưng rưng xúc động.
Cụ Lê Thị Niệm đạp xe lên xã ủng hộ 1 triệu đồng chống dịch Covid-19 |
"Cụ bảo chỉ có món quà nhỏ, muốn góp chút sức với chính quyền và người dân địa phương. Chúng tôi xúc động vì trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 đã được người dân đồng lòng ủng hộ. Huy động được sức mạnh toàn dân là một trong những điều kiện để thành công trong cuộc chiến này’’ - ông Nguyễn Hồng Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Ngọc, nói.
Tại UBND xã Trung Thành, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, chiều 23-3, cụ bà Lê Thị Niệm (78 tuổi; ngụ thôn 1, Côn Sơn) đã một mình đạp xe đến để ủng hộ tiền cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Số tiền 1 triệu đồng được cụ Niệm gửi kèm bức thư tay với nội dung: "Kính thưa ban lãnh đạo các cấp tỉnh, huyện, xã, tôi Lê Thị Niệm, sinh năm 1942, tại xã Trung Thành, Côn Sơn có nghe lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "chống dịch như chống giặc". Trong chiến tranh, gia đình tôi đã hy sinh chồng, con, chị. Trong hòa bình năm 1983, 1984, khi nhà nước khó khăn về kinh tế, gia đình tôi cũng bán thóc mua công trái. Ngày nay dịch lại đến, tôi tuy đã già rồi không làm được gì, nay con cháu biếu quà, tôi lại cống hiến cho nhà nước số tiền là 1 triệu đồng. Tuy chưa nhiều nhưng là tấm lòng của tôi, mong được ban lãnh đạo các cấp nhận cho tôi".
Từng khiến cư dân mạng thán phục vì viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo, năm nay cụ bà Đỗ Thị Mơ (84 tuổi; ngụ xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) lại đạp xe lên xã xin được ủng hộ 2 triệu đồng để chống dịch Covid-19. Đây là số tiền mà cụ Mơ dành dụm được từ việc bán rau, bán trứng gà và do con cháu biếu ăn quà…
Gương sáng
Cụ Lê Thị Niệm là cựu thanh niên xung phong, có 3 người con, tất cả đều thành đạt nhưng cụ không về ở với ai mà ở trong căn nhà nhỏ để hương khói cho người thân và làm vườn, trồng rau, nuôi gà. Còn cụ Đỗ Thị Mơ sinh được 11 người con (2 con đã mất), các con cụ đều thành đạt nhưng cụ không dựa dẫm vào ai, hằng ngày trồng rau, nuôi gà mang ra chợ bán để lấy tiền chi tiêu, sinh hoạt hằng ngày.
Theo ông Đỗ Gia Xuân, Bí thư Đảng ủy xã Trung Thành (huyện Nông Cống), từ việc làm của cụ Niệm mà sau đó, phong trào quyên góp ủng hộ được lan tỏa khắp trong xã, thậm chí có người ở nước ngoài biết được việc làm của cụ cũng gọi điện về ủng hộ. "Đến nay, toàn xã đã quyên góp được gần 66 triệu đồng ủng hộ chống dịch Covid-19. Trong đó có nhiều người cao tuổi như cụ Lê Thị Mười (90 tuổi) cũng ra xã ủng hộ 1 triệu đồng. Xã tôi thuộc vùng chiêm trũng, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn nên những đóng góp này thực sự ý nghĩa" - ông Đỗ Gia Xuân nói.
Ông Lê Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Lương Sơn, kể cụ bà Đỗ Thị Mơ là tấm gương sáng của địa phương "tuổi cao, ý chí càng cao" khiến nhiều người kính nể. "Hôm lên xã ủng hộ tiền, cụ kể xem tivi thấy bác sĩ ngày đêm vì người bệnh, bộ đội ăn ở trong rừng vất vả, cụ thương lắm, muốn góp phần giúp công tác chống dịch thành công" - ông Lê Xuân Lâm thuật lại.
|
Theo Thanh Tuấn - Đức Ngọc (NLĐO)