Từ ngày 15-11-2022, 4 án lệ được áp dụng trong xét xử

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- 4 án lệ được áp dụng trong xét xử từ ngày 15-11, gồm: Án lệ số 53/2022/AL về hủy kết hôn trái pháp luật; số 54/2022/AL về xác định quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong trường hợp người mẹ không trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; số 55/2022/AL về công nhận hiệu lực của hợp đồng vi phạm điều kiện về hình thức; số 56/2022/AL về việc giải quyết tranh chấp di dời mồ mả.
Chánh án TAND tối cao đã ban hành Quyết định 323/QĐ-CA công bố thêm 4 án bản lệ, gồm: hủy việc kết hôn trái pháp luật; xác định quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong trường hợp người mẹ không trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con... Chuyên gia pháp lý cho rằng, các án lệ giúp rút ngắn thời gian giải quyết vụ án và tăng độ tin cậy của dân đối với ngành tòa án.
Nội dung cụ thể của 4 án lệ mới công bố như sau: Đối với Án lệ số 53/2022/AL về việc hủy việc kết hôn trái pháp luật, nguồn án lệ dựa trên quyết định giám đốc thẩm ngày 7-7-2021 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao về việc “yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật”.
Tình huống án lệ, nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng trước ngày 3-1-1987 (ngày luật Hôn nhân và gia đình 1986 có hiệu lực), không đăng ký kết hôn, có tổ chức lễ cưới và có thời gian chung sống tại Việt Nam. Sau đó, hai bên ra nước ngoài sinh sống và phát sinh mâu thuẫn. Khi chưa giải quyết ly hôn thì một bên đăng ký kết hôn với người khác tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.
Giải pháp pháp lý, tòa án phải xác định quan hệ hôn nhân đầu tiên là hôn nhân thực tế. Khi chưa chấm dứt quan hệ hôn nhân thực tế mà một bên đăng ký kết hôn với người khác tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Việt Nam thì việc kết hôn này là trái pháp luật. Tòa án chấp nhận yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật.
Một phiên họp của Hội đồng thẩm phán TANDTC. Ảnh: TL
Một phiên họp của Hội đồng thẩm phán TANDTC. Ảnh: TL
Án lệ số 54/2022/AL về xác định quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong trường hợp người mẹ không trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con: Nguồn án lệ dựa trên quyết định giám đốc thẩm ngày 27-2-2019 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng về vụ án hôn nhân gia đình “ly hôn, tranh chấp về nuôi con” tại Đắk Lắk.
Tình huống án lệ, trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người mẹ tự ý bỏ đi từ khi con còn rất nhỏ, không quan tâm đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Người con được người cha nuôi dưỡng, chăm sóc trong điều kiện tốt và đã quen với điều kiện, môi trường sống đó.
Giải pháp pháp lý, tòa án phải tiếp tục giao con dưới 36 tháng tuổi cho người cha trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc.
Án lệ số 55/2022/AL về công nhận hiệu lực của hợp đồng vi phạm điều kiện về hình thức: Nguồn án lệ dựa trên bản án dân sự sơ thẩm ngày 19-3-2019 của TAND tỉnh Quảng Ngãi về vụ án “tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”.
Tình huống án lệ, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được xác lập trước ngày 1-1-2017 chưa được công chứng/chứng thực nhưng bên nhận chuyển nhượng đã thực hiện 2/3 nghĩa vụ của mình.
Giải pháp pháp lý, tòa án công nhận hiệu lực của hợp đồng.
Án lệ số 56/2022/AL về việc giải quyết tranh chấp di dời mồ mả: Nguồn án lệ dựa trên bản án sơ thẩm ngày 18-11-2013 của TAND huyện Châu Thành (tỉnh Kiên Giang) về vụ án “tranh chấp yêu cầu chấm dứt hành vi ngăn cản di dời mồ mả”.
Tình huống án lệ, người chồng chết, người vợ nhờ chôn cất người chồng trên phần đất của người thân bên nhà chồng. Sau đó, người vợ muốn di dời phần mộ của người chồng về đất của gia đình mình thì phát sinh tranh chấp.
Giải pháp pháp lý, tòa án phải xác định người vợ có quyền di dời mồ mả của người chồng để quản lý, chăm sóc.
Theo nhiều luật sư, án lệ được lựa chọn phải chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật, có tính chuẩn mực, thể hiện tính công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể và có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
Việc áp dụng án lệ giúp tăng tính khách quan, chuẩn mực khi thu thập, đánh giá chứng cứ vụ án. Không những thế, án lệ còn đảm bảo những vụ án có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau được xét xử như nhau, chống oan sai.
Muốn áp dụng theo chuẩn mực án lệ, cơ quan tố tụng địa phương cần xem xét tình tiết, sự kiện pháp lý trong vụ án có tương tự tình huống pháp lý trong án lệ không, nhằm đảo bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp trong mối quan hệ pháp luật.
Từ ngày 6-4-2016 (ngày công bố 6 án lệ đầu tiên) đến nay, Chánh án TAND tối cao đã công bố 56 án lệ.
L.H (tổng hợp)

Có thể bạn quan tâm