UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các địa phương căn cứ tình hình, mức độ nguy cơ, tiêu chí kiểm soát dịch, tỷ lệ tiêm vaccine để quyết định thực hiện lộ trình bình thường mới và chuyển đổi giữa các vùng.
Một điểm bán hàng bình ổn của Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) ở thành phố Biên Hòa. (Ảnh: TTXVN phát) |
Tối 30/9, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã có văn bản hỏa tốc số 11959/UBND-KGVX gửi các sở, ban, ngành, các cơ quan ngành dọc trên địa bàn tỉnh, các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp để từng bước phục hồi hoạt động kinh tế-xã hội đảm bảo công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới.
Bắt đầu từ 0 giờ ngày 1/10/2021, tỉnh Đồng Nai tiếp tục mở dần từng bước lộ trình bình thường mới đối với các vùng theo mức độ nguy cơ ở quy mô ấp/khu phố, việc thực hiện phải đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Cụ thể, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai yêu cầu các địa phương căn cứ tình hình, mức độ nguy cơ, tiêu chí kiểm soát dịch, tỷ lệ tiêm vaccine thường xuyên được đánh giá và cập nhật để phục vụ cho việc quyết định thực hiện và chuyển đổi giữa các vùng.
Việc trở lại trạng thái bình thường mới tại các huyện, thành phố do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định, có trao đổi thống nhất cùng ngành y tế.
Các tiêu chí, tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 và mức nguy cơ của các vùng được đánh giá định kỳ 1 lần/tuần ở tất cả các cấp từ ấp/ khu phố đến xã/phường/thị trấn và đến huyện/thành phố để áp dụng các biện pháp phù hợp (Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg, Chỉ thị 19/CT-TTg hoặc bình thường mới).
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai yêu cầu người dân bắt buộc tuân thủ 5K, ứng dụng công nghệ thông tin, khai báo y tế điện tử, quét mã QR, thực hiện đăng ký tiêm vaccine và các biện pháp phòng, chống dịch an toàn, cần được thực hiện với tất cả cấp độ dịch.
Người dân khi có những dấu hiệu như: ho, sốt, khó thở, mất vị giác hoặc cần cấp cứu y tế thì liên hệ ngay với các trạm y tế địa phương để được hướng dẫn, xử lý.
Tự thực hiện lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 theo hướng dẫn của cơ quan y tế khi cá nhân có yêu cầu hoặc khi có triệu chứng nghi nhiễm COVID-19 như: sốt, ho, khó thở.
Trường hợp cần được hỗ trợ khẩn cấp về lương thực, thực phẩm, đề nghị người dân liên hệ ngay số đường dây nóng an sinh xã hội của địa phương hoặc qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại địa phương.
Người dân chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Đối với công tác khám, chữa bệnh, những người mắc COVID-19 thực hiện điều trị tại các cơ sở thu dung, hoặc điều trị tại nhà khi đảm bảo tất cả các quy định của Bộ Y tế và được sự quản lý, theo dõi, hướng dẫn của cơ quan y tế địa phương.
Đối với các trường hợp cần khám và điều trị các bệnh khác thì khám và điều trị tại các cơ sở y tế không phụ thuộc vào cấp độ dịch.
Các bệnh thông thường thì tăng cường khám, chữa tại các cơ sở y tế gần nhà như trạm y tế, phòng khám đa khoa, hạn chế đến các bệnh viện để tránh nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Các bệnh mạn tính và quản lý sức khỏe người cao tuổi được kê đơn điều trị tại nhà không quá 3 tháng và tái khám theo lịch, không phụ thuộc vào cấp độ dịch.
Về việc tham gia lưu thông, tiếp tục thực hiện theo Công văn số 11339 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về tăng cường kiểm soát việc tham gia lưu thông, di chuyển giữa các vùng trong lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới; Công văn số 11547 điều chỉnh việc cấp giấy đi đường trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội; Công văn số 11836 về xử lý kiến nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về bổ sung, điều chỉnh việc cấp giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội.
Các nội dung khác vẫn tiếp tục thực hiện theo Kế hoạch số 11102 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế-xã hội đảm bảo công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới.
Theo Nguyễn Văn Việt (TTXVN/Vietnam+)