(GLO)- Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” được xem là hướng đi cần thiết, giúp minh bạch nguồn gốc sản phẩm bằng sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời củng cố niềm tin nơi người tiêu dùng.
Gian nan khẳng định chất lượng
Đến nay, toàn tỉnh Gia Lai có 38.500 ha cây trồng được sản xuất theo tiêu chuẩn: 4C, VietGAP, GlobalGAP, UTZ… chiếm 15% tổng diện tích cây trồng. So với các sản phẩm được trồng đại trà theo kiểu truyền thống thì sản phẩm sản xuất theo các tiêu chuẩn nói trên mang lại giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần. Tuy nhiên, nhiều hộ nông dân vẫn còn khó khăn trong tiếp cận thị trường.
Ông Hoàng Văn Thái (thôn Chư Bồ 1, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ) cho biết: “Gần 4 ha mít Thái của tôi được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Thế nhưng, sản phẩm chưa có thị trường ổn định mà chủ yếu tiêu thụ thông qua mạng xã hội và chợ truyền thống. Bên cạnh đó, tâm lý người tiêu dùng chưa hoàn toàn tin tưởng đây là sản phẩm sạch, sợ bơm thuốc. Việc chứng minh sản phẩm an toàn không hề dễ dàng”.
|
Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” được xem là “chìa khóa” tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Ảnh: Hà Duy |
Để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, 2 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất đã dán tem chống hàng giả sử dụng mã vạch QR Code để mã hóa thông tin về sản phẩm, vùng trồng, cơ sở sản xuất. Đây là cách truy xuất nguồn gốc cho nông sản, xác nhận hàng “chính hãng” giúp người sử dụng yên tâm khi kiểm tra thông tin sản phẩm.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có khoảng 100 doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện dán tem QR Code lên sản phẩm, trong đó có 149 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Việc làm này giúp người tiêu dùng có thể truy xuất một số thông tin như: hình ảnh, địa chỉ, số điện thoại, nơi sản xuất.
Tuy nhiên, không thể đánh đồng tem QR Code với truy xuất nguồn gốc, vì những thông tin về sản phẩm mà tem này cung cấp đều do cơ sở sản xuất tự kê khai và chưa được cơ quan quản lý nhà nước xác thực. Theo đó, một sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng phải trải qua rất nhiều khâu: trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, đóng gói, vận chuyển… Nói cách khác, tem QR Code chưa có sự tham gia của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý, khẳng định chất lượng sản phẩm.
Chị Huỳnh Thị Kim Yến (401 Lý Thái Tổ, phường Yên Đổ, TP. Pleiku) chia sẻ: “Điều tôi quan tâm khi mua thực phẩm là phải sạch. Hiện có rất nhiều sản phẩm rau, củ, quả được dán tem QR Code, mã vạch nhưng tôi vẫn chưa tin đó là sản phẩm sạch. Bởi lẽ, những thứ đó vẫn có thể làm giả và không ai kiểm chứng được”.
Triển khai truy xuất nguồn gốc
Để góp phần khẳng định chất lượng và nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm nông sản, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1696/KH-UBND ngày 18-8-2020 triển khai thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19-1-2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc”.
Ông Nguyễn Nam Hải-Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ-cho biết: “Chúng tôi đang gấp rút triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề ra của kế hoạch này. Trước tiên là phối hợp với Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia xây dựng hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn quốc gia, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế cho tỉnh Gia Lai. Trung tâm là cơ quan chủ trì triển khai Đề án 100 hiện đang xây dựng, vận hành và quản lý Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Đồng thời, Trung tâm cam kết sẽ đồng hành cùng Sở Khoa học và Công nghệ trong việc triển khai Đề án tại tỉnh”.
Theo ông Hải, việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc tương tự như việc khai lý lịch cho sản phẩm. Khi người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc một sản phẩm sẽ biết được thông tin về hình ảnh, giá cả, nơi sản xuất. Cùng với đó là thông tin về các giai đoạn nuôi trồng, chế biến, thời điểm sản xuất, cung ứng sản phẩm ra thị trường…
Các thông tin này thực hiện đúng quy trình truy xuất nguồn gốc, chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, được chứng nhận phù hợp bởi tổ chức đánh giá bên thứ 3 và có giám sát thường xuyên. Vì vậy, đây là một hoạt động phức tạp, khắt khe, đòi hỏi sự minh bạch trong cả chuỗi cung ứng.
|
Tỉnh Gia Lai bắt đầu triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông sản. Ảnh: Hà Duy |
Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Thắng-Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh-thông tin: “Theo kế hoạch, trong năm 2021, Chi cục sẽ tham mưu giúp Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng 3 mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, trước mắt là sản phẩm cà phê của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp. Mô hình này sẽ được đánh giá và cấp chứng chỉ bởi tổ chức chứng nhận độc lập đủ năng lực. Qua các mô hình, Sở sẽ biên soạn tài liệu hướng dẫn xây dựng và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc để phổ biến đến tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan quản lý”.
Kế hoạch số 1696/KH-UBND của UBND tỉnh đặt mục tiêu: Đến năm 2025, sẽ xây dựng khoảng 10 mô hình trở lên áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm: rau, củ, quả, mật ong, dược liệu, lâm sản; có tối thiểu 30% doanh nghiệp sử dụng mã số, mã vạch có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đảm bảo khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp trong nước và quốc tế. |
HÀ DUY