Trường THCS Dân tộc Nội trú Kông Chro: Xuống cấp nghiêm trọng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đưa vào hoạt động đã 30 năm, hiện nhiều công trình tại Trường THCS Dân tộc Nội trú Kông Chro (huyện Kông Chro) đã bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ tới công tác giáo dục và nuôi dưỡng 150 em học sinh dân tộc thiểu số tại khu vực này.

Dù cơ sở vật chất thiết yếu phục vụ việc dạy và học như các phòng thực hành, thư viện, phòng bộ môn... chưa được bố trí xây dựng từ những ngày đầu mới thành lập nhưng trong suốt quá trình hoạt động, những hạng mục này cũng không được đầu tư xây dựng bổ sung. Để khắc phục những thiếu thốn này, nhà trường phải dồn học sinh lại để lấy một số phòng ở của các em làm thư viện, phòng Đoàn-Đội... “Điều này gây ra rất nhiều khó khăn và bất cập trong quá trình hoạt động, nhưng vì không còn cách nào khác nên cả thầy và trò đều phải cố gắng”-cô Lê Thị Hồng Mai-Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc Nội trú Kông Chro nói.

 

Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Kông Chro. Ảnh: N.G
Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Kông Chro. Ảnh: N.G

Cũng theo cô Mai, việc học sinh phải sinh hoạt, học tập trong môi trường chật chội cũng gây ra những khó khăn nhất định. Bên cạnh đó, tường rào bao quanh trường đã bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đoạn bị đổ tạo ra những lỗ hổng lớn, nhiều thanh niên nghịch ngợm dễ dàng vào khuôn viên trường vào ban đêm để chọc ghẹo học sinh. Để đảm bảo an toàn cho các em, nhà trường phải tăng cường công tác quản lý, cử giáo viên trực đêm, chuyển học sinh nữ lên tầng trên và làm cổng bảo vệ ngay lối lên cầu thang. “Một trong những nhiệm vụ quan trọng của hệ thống Trường Dân tộc Nội trú là đảm bảo an toàn cho học sinh. Đặc biệt, ở độ tuổi cấp THCS, tâm sinh lý các em chưa ổn định, cần phải có sự quản lý chặt chẽ và định hướng các mối quan hệ lành mạnh để các em chú tâm vào việc học”-cô Mai cho biết thêm.

Không những thiếu thốn nhiều hạng mục thiết yếu từ các phòng chức năng, thực hành đến việc nhà vệ sinh quá nhỏ so với nhu cầu của 150 học sinh nội trú, Trường THCS Dân tộc Nội trú Kông Chro còn gặp khó khăn trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh khi bếp ăn không đúng quy cách, nhân viên phục vụ nhà bếp chỉ có 2 người. Để phục vụ mỗi ngày 3 bữa ăn cho 150 học sinh, 2 nhân viên cấp dưỡng của nhà trường làm việc không chút thời gian nghỉ ngơi từ sáng tới tối nhưng lương hàng tháng chỉ được hơn 2 triệu đồng/người. Vì vậy, Ban Giám hiệu nhà trường đã phải luôn quan tâm, động viên các cô cấp dưỡng để đảm bảo công tác chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh, giúp các em có đủ sức khỏe để học tập.

Dù gặp nhiều khó khăn vì cơ sở vật chất thiếu thốn, xuống cấp nghiêm trọng nhưng thầy và trò Trường THCS Dân tộc Nội trú Kông Chro vẫn luôn nỗ lực dạy và học. Năm học vừa qua, Trường THCS Dân tộc Nội trú Kông Chro có hơn 45% học sinh đạt học lực khá-giỏi.

Trao đổi về những hạn chế còn tồn tại gây khó khăn trong công tác giáo dục học sinh dân tộc thiểu số tại Trường THCS Dân tộc Nội trú Kông Chro, ông Nguyễn Chí Thanh-Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện cho biết: “Chúng tôi cũng đã nhiều lần đề nghị lên các cấp cho tu sửa, bổ sung các hạng mục thiết yếu tại Trường THCS Dân tộc Nội trú của địa phương nhưng chưa được sự đồng ý. Trước đây, khi đề án nâng cấp ngôi trường này lên quy mô 300 học sinh không được phê duyệt vì gặp khó trong công tác tuyển mới, bổ sung nhân sự, chúng tôi cũng đã trình đề nghị trích một phần kinh phí trong đề án trên để sửa chữa, xây mới các hạng mục còn thiếu nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác nuôi dạy 150 học sinh nhưng đến nay cũng chưa có kết quả”.

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm

Phát huy hiệu quả Quỹ “Vì người nghèo”

Phát huy hiệu quả Quỹ “Vì người nghèo”

(GLO)- Những năm qua, Quỹ “Vì người nghèo” nhận được sự quan tâm ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và các tầng lớp nhân dân. Từ nguồn quỹ này, hàng chục ngàn hộ nghèo trong tỉnh Gia Lai được hỗ trợ để vươn lên ổn định cuộc sống.

Cô Bảy nước hoa ba số bảy

Cô Bảy nước hoa ba số bảy

(GLO)- Ở cơ quan K8 ngày ấy (nay là thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) trong căn cứ phía sau dãy Hãnh Hót có nhiều chị em phụ nữ, hầu hết ở độ tuổi 18-20. Chỉ có cô Bảy Sương (Nguyễn Thị Sương) là lớn tuổi nhất, nhưng cũng ở độ tuổi U40.

Phường Đống Đa đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo bền vững

Phường Đống Đa đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo bền vững

(GLO)- Xác định giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, phường Đống Đa (TP. Pleiku) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, phường chú trọng đa dạng hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, động viên bà con tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững.