Trước thỏa thuận khoáng sản Mỹ- Ukraine, mọi sự chú ý đổ dồn về phía Nga

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 1/5 (giờ Việt Nam), Mỹ và Ukraine đã ký thỏa thuận khoáng sản sau 2 tháng trì hoãn, chính thức xác thực một dạng cam kết mới của Washington đối với Kiev, đánh tiếng với Nga rằng Mỹ có lợi ích ở Ukraine.

tong-thong-my-va-tong-thong-ukraine-anh-afp-sua.jpg
Tổng thống Mỹ và người đồng cấp Ukraine. Ảnh: AFP

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Phó Thủ tướng thứ nhất Ukraine Yulia Svyrydenko đã ký kết thỏa thuận khoáng sản tại Washington DC. Bộ trưởng Bessent sau đó cho hay, thỏa thuận này sẽ gửi thông điệp rõ ràng tới Moscow rằng Mỹ sẽ theo đuổi một thỏa thuận hòa bình dài hạn.

Cùng với thỏa thuận khoáng sản, chính quyền Tổng thống Donald Trump chấp thuận xuất khẩu vũ khí trị giá 50 triệu USD đầu tiên sang Ukraine thông qua hình thức mua bán thương mại trực tiếp.

Trước câu hỏi liệu thỏa thuận khoáng sản Mỹ - Ukraine có ngăn cản được Tổng thống Nga Vladimir Putin bằng mọi cách hay không, ông Trump nhanh chóng đáp rằng điều này “có khả năng”.

Chính quyền Trump cũng coi thỏa thuận này như một phương tiện cung cấp an ninh cho Ukraine trước nguy cơ bị tấn công trong tương lai. Các quan chức Mỹ lập luận rằng sự hiện diện của doanh nghiệp Mỹ tại Ukraine sẽ làm Nga e ngại việc tấn công nước này một lần nữa.

Lãnh đạo Nhà Trắng từng thông báo Mỹ dành cho Ukraine 350 tỷ USD tổng giá trị viện trợ trong những năm qua. Tuy nhiên, theo thống kê từ Viện Kinh tế thế giới Kiel ở Đức, tổng viện trợ của Washington dành cho Kiev chỉ khoảng 129 tỷ USD.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Ukraine Svyrydenko khẳng định thỏa thuận này đem lại lợi ích cho cả Kiev và Washington. “Khoáng sản dưới lòng đất vẫn thuộc quyền sở hữu của Ukraine, và Kiev sẽ quyết định khai thác gì và ở đâu”, bà Svyrydenko nhấn mạnh.

Liên quan, theo báo The Kyiv Independent của Ukraine hôm 1/5, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Keith Kellogg ngày 30/4 cho biết ông không cho rằng Washington sẽ từ bỏ các nỗ lực hòa bình cho Ukraine.

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn truyền hình với Fox News, ông ông Kellogg nói: “Người Ukraine đã nói rằng họ sẵn sàng từ bỏ phần lãnh thổ… không phải về mặt pháp lý (de jure), mãi mãi, mà là trên thực tế (de facto) vì người Nga đang thực sự chiếm đóng nó… Họ sẵn sàng chấp nhận điều đó, họ đã nói với tôi tuần trước”.

“Chúng tôi có 22 điều khoản cụ thể mà Ukraine đã đồng ý. Những gì họ muốn… và những gì họ có là một lệnh ngừng bắn toàn diện và lâu dài dẫn đến một hiệp ước hòa bình. Khi tôi nói ‘toàn diện’, nghĩa là bao gồm trên biển, trên không, và hạ tầng trên bộ, kéo dài ít nhất 30 ngày… Điều đó có thể tạo nền tảng cho một sáng kiến hòa bình quan trọng”, ông Kellogg nói.

Về phía Nga, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thành công trong việc gây sức ép buộc chính quyền Kiev phải sử dụng tài nguyên khoáng sản quốc gia để thanh toán cho viện trợ quân sự từ Mỹ.

“Ông Trump cuối cùng đã buộc chính quyền Kiev phải dùng tài nguyên khoáng sản để trả cho viện trợ từ Mỹ. Giờ đây, một đất nước đang bên bờ vực biến mất sẽ phải dùng chính tài sản quốc gia của mình để chi trả cho vũ khí", ông Medvedev viết trên Telegram.

Tổng thống Nga Putin nhiều lần khẳng định kiên trì chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cho đến khi chiến thắng.

Trước những diễn biến mới, nhất là thỏa thuận khoảng sản Mỹ- Ukraine, và thay vì đóng băng như tuyên bố trước đó, Mỹ chấp nhận xuất khẩu lô vũ khí trị giá 50 tỷ USD cho Kiev, dư luận đang dồn tâm điểm chú ý vào thái độ của Nga.

Tình hình đang gây sức ép lên Nga trong quan hệ với Mỹ, phương Tây và vấn đề Ukraine. Sau tuyên bố của ông Trump, các nước NATO đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng, để bớt phụ thuộc vào Mỹ, chủ động đối phó với đe dọa từ Nga.

Ngày 30/4 mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) đã nhận được yêu cầu chính thức từ 12 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) về việc kích hoạt “cơ chế tài chính quốc gia linh hoạt” trong khuôn khổ Hiệp ước ổn định và tăng trưởng.

Trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực và toàn cầu có nhiều biến động, việc tăng chi tiêu quốc phòng đang được nhiều quốc gia EU coi là ưu tiên chiến lược nhằm bảo đảm an ninh và ổn định lâu dài cho toàn khối.

Có thể bạn quan tâm

Cảm xúc trào dâng trong ngày đại thắng

Cảm xúc trào dâng trong ngày đại thắng

(GLO)- 50 năm đã đi qua, song đại thắng mùa xuân năm 1975, thời khắc Sài Gòn giải phóng lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975 mãi mãi là cột mốc chói lọi trong lịch sử chống xâm lược, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam: độc lập, thống nhất, hòa bình, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai Châu Ngọc Tuấn (giữa) trao quyết định và tặng hoa chúc mừng tập thể Ban Biên tập Báo Gia Lai mới. Ảnh: Đ.T

Công bố quyết định hợp nhất Báo Gia Lai và Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh thành Báo Gia Lai

(GLO)- Sáng 29-4, tại Trụ sở Báo Gia Lai (TP. Pleiku), Tỉnh ủy Gia Lai đã tổ chức Hội nghị công bố các Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác tổ chức và cán bộ. Đồng chí Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị.