(GLO)- Ra đời trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tham gia chiến đấu trên hầu hết các chiến trường, từ chống Pháp, chống Mỹ rồi làm nhiệm vụ quốc tế, Trung đoàn 66 (hay còn gọi là Trung đoàn Plei Me, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3) luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hiện nay, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn thường xuyên giúp đỡ nhân dân trên địa bàn đóng quân, thắt chặt hơn tình đoàn kết quân dân.
Kiểm tra vũ khí trang bị phục vụ huấn luyện. Ảnh: V.H |
Trung đoàn 66 đã 3 lần được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; có 3 tiểu đoàn, 4 đại đội và 5 cá nhân được tuyên dương anh hùng, trong đó Đại đội 2, Tiểu đoàn 7 được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ hai. Trung đoàn nhiều năm đạt danh hiệu đơn vị huấn luyện giỏi. Năm 2016, Trung đoàn được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba. |
Trung đoàn 66 là một trong những đơn vị chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược với phiên hiệu là Trung đoàn 9; đến đầu tháng 12-1946 thì đổi tên thành Trung đoàn 37. Ngày 20-3-1947, Trung đoàn được lệnh tấn công quân Pháp tại thị xã Hà Đông. Trong trận đánh này, cán bộ, chiến sĩ trung đoàn đã tiêu diệt 200 lính Âu Phi giữa ban ngày, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Từ đó, ngày 20-3 hàng năm được lấy làm Ngày truyền thống của Trung đoàn.
Tháng 11-1947, Trung đoàn 37 đổi tên thành Trung đoàn 66. Liên tiếp những năm sau, Trung đoàn đã tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường Tây Bắc, Trung Lào, tạo thế thuận lợi cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, thực hiện chỉ thị của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, ngày 20-8-1965, tại chiến khu Ngọc Trạo (tỉnh Thanh Hóa), Trung đoàn xuất phát vào chiến trường Tây Nguyên. Sau hơn 2 tháng hành quân gian khổ, vượt qua hàng ngàn km, ngày 10-11-1965, những đơn vị đầu tiên của Trung đoàn đã có mặt tại thung lũng Ia Drăng (huyện Chư Prông). Vào thời điểm này, quân Mỹ mở rộng chiến tranh và tiến công lên Tây Nguyên bằng các phương tiện chiến tranh hiện đại. Ngay khi vừa vào đến chiến trường Tây Nguyên, Trung đoàn đã được giao nhiệm vụ tham gia chiến dịch Plei Me lịch sử. Trong chiến dịch này, trung đoàn đã sát cánh cùng đơn vị bạn và lực lượng vũ trang địa phương lập công xuất sắc, tiêu diệt gọn Tiểu đoàn 1, đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 2 thuộc Lữ đoàn 3, Sư đoàn “Kỵ binh không vận số 1” của Mỹ, tiêu diệt hơn 1.000 tên, bắn rơi 12 máy bay, thu nhiều vũ khí và trang bị. Với chiến công đặc biệt xuất sắc trong chiến dịch Plei Me, Trung đoàn đã được Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh tặng 2 Huân chương Quân công hạng nhất. Cũng từ đây, Trung đoàn vinh dự được mang tên “Đoàn Plei Me”-một cái tên đầy ý nghĩa gắn với chiến công oanh liệt và mảnh đất Tây Nguyên.
Sau chiến dịch Plei Me, Trung đoàn tiếp tục tham gia nhiều trận đánh lớn cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước; làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia rồi bảo vệ biên giới phía Bắc. Ở mặt trận nào Trung đoàn cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Từ khi trở lại Tây Nguyên, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và giúp đỡ của cấp trên, được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đùm bọc, động viên, giúp đỡ, Trung đoàn đã vượt qua nhiều khó khăn, từng bước xây dựng đơn vị ngày càng trưởng thành về mọi mặt.
Trong năm 2016, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 66 đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận, giúp đỡ nhân dân trên địa bàn đứng chân. Trung đoàn đã cử hơn 200 lượt cán bộ, chiến sĩ hành quân về với đồng bào vùng sâu, vùng xa giúp dân làm mới 30 km đường, sửa chữa 4 trường học, khai hoang 8 ha ruộng lúa nước, sửa chữa, làm mới 7 nhà ở cho các gia đình neo đơn, gia đình chính sách với tổng cộng hơn 5.000 ngày công. Cùng với đó, đơn vị cũng đã tổ chức khám-chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 200 lượt người; kết hợp với tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hàng năm, nhân kỷ niệm chiến thắng Plei Me, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị thường hành quân về Chư Prông thăm lại chiến trường xưa, ôn lại truyền thống hào hùng của đơn vị trên chính mảnh đất Trung đoàn mang tên.
Vĩnh Hoàng