Trong ký ức tìm về Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lại cứ ước một ngày nào đấy, đi dạo trong thành phố buổi sáng, một quả thông khô rơi bộp dưới chân, ngẩng lên ta gặp những chú sóc đang thanh bình chuyền cành.
Ngọn lửa cứ rê mãi về phía gió. Nó đang hứng gió. Cũng không hẳn là lửa, mà chỉ là những ngún khói, làn khói mỏng tang, mỏng hơn cả sợi tóc đương như vô tình vướng vào má cô gái cúi xuống lật những trái bắp nướng. Khói than thơm và ấm. Những bàn tay xòe ra, những tiếng xuýt xoa nhè nhẹ.
Mà gió cứ cơ chừng như muốn níu mãi cái không khí ấy. Mà cũng chả phải không khí, nó là cái day dứt giữa những lởm khởm nhấp nhô chả ăn nhập. Thì đêm, thì đường, bụi, gió, bếp lửa và những con người... có cái gì ăn nhập với nhau đâu? Nhưng nó lại là ký ức Pleiku một thuở...
Những câu thơ dong riềng của nhà thơ Phạm Đức Long vụt ra: “Đã qua lứa tuổi hai mươi/bỗng gặp hoa dong riềng nở/mùa thu vô tình đốt lửa/giữa ngày mưa bụi trắng trời...”. Thấy rõ cái ngoái nhìn nuối tiếc của người viết.
Đêm ấy, Pleiku có người thức. Thức vì thương mình, thương bạn và thương những... vòm thông: “Ôi cuộc đời đói no cho được thế/Bát cháo hành thơm mãi giữa lòng nhau”. Vẫn là Phạm Đức Long làm cho những vòm thông trở nên bất tử: “Khoảng trời lá thông hương chín rụng như mơ/tôi có tuổi hai mươi ở đó/Tôi có nắng, có mưa, có những cơn lốc đỏ/Có mùa xuân im lặng kéo qua đời...”.
Khu vực đường Lê Lai (TP. Pleiku). Ảnh: Hồng Thi
Khu vực đường Lê Lai (TP. Pleiku). Ảnh: Hồng Thi
Một đêm nào đấy, cũng ngai ngái xa, tôi ngồi ở một vòm Tam Đảo. Ơ kìa, cũng bếp, cũng ngô, cũng khói và đôi tay thoăn thoắt lật than, cái lạnh ngấm vào từng cái cúc áo. Thế mà cứ dào dạt nhớ Pleiku. Những con đường như dấu hỏi, những con dốc dâng đầy kỷ niệm, những gốc bàng già cứ lật tung ký ức. “Đó là gốc bàng già/tháng năm đi qua bám vào rễ cây từng chùm kỷ niệm/... dằng dặc ký ức/thổi lửa vào lòng bàn tay”... Hình như tôi đã ngắm những gốc bàng này khi ngồi ở một quán cóc buổi chiều tháng 8 nào đó rồi ghi vội những câu ấy vào sổ tay, cái thời chưa laptop, chưa smartphone. Giờ, bàng cũng không còn và quán cà phê lô nhô những dáng trầm tư ấy là một nhà hàng.
Lâu rồi, tôi không có thói quen đi vào các con ngõ nhỏ ngoắt ngoéo của Pleiku nữa. 41 năm, tưởng thuộc hết rồi, để rồi mới chợt nhận mình chưa biết gì cả, chưa thuộc gì cả, chưa quen gì cả. Hương Đình nghĩ gì khi viết “Phố núi cao cao/nhà phố cao cao/thêm vài mặt người/bớt vài con dốc/phố xoay con hẻm phố ra mặt tiền/ngoại ô rơm vàng mây trắng điềm nhiên”. Thì đấy, phố xoay hẻm ra mặt tiền nên người ta tưởng phố hết ngõ, phố hết ngoằn ngoèo quanh co. Không đâu, xem cái phim của Đào Phúc Quang Vũ xong, tôi lập bập đi lại vài cái ngõ từng đi, đi từ cái thời tôi nghe rõ tiếng guốc lanh canh cập kênh ở đấy. Và mới thấy, hồn cốt Pleiku chưa chắc đã phải ở những thênh thang đường lớn, nhiều đoạn giống nhau như... đại lộ, mà nó ở chính những khúc khuỷu, những ngoặt, những rẽ bất ngờ, những hun hút không biết trước...
Một sớm mai nào đấy, đang say giấc giữa cái mùa sương lãng đãng mà trời thì se se cứ muốn quấn chăn cho chặt thì bị kêu cửa. Gã bạn văn lãng tử tận Phú Thọ đi xe đêm ghé qua, nhớ đọc đâu đấy bài của tôi về mùa đẹp người đẹp Pleiku, bèn nhảy xuống bất chấp không biết rồi sẽ tiếp tục hành trình như thế nào bởi thời ấy đò xe không dễ dàng gì. Lần ấy, hình như là đầu tiên, Nguyễn Tham Thiện Kế làm thơ, những câu thơ mộng ước: “Vây quanh ta trái đồi nhà bung biêng mộng mị/lối phố dốc cong thung lũng vòng tay/Coffee đen nóng ở đâu mà treo không biển hiệu/Làm sao bây giờ để ngắm mắt em/Làm sao bây giờ hong khô tóc ướt/ (...)/Pleiku/Ta đến trong đêm rồi rời trước bình minh/(...)/Giã biệt dã quỳ trong hương dạ lan/Chợt nhớ, có nhà thơ xứ Huế mấy mươi năm gọi Pleiku là nhà...”.
Loáng thoáng nhận ra, hình như văn nhân lãng tử nọ viết về... mình. Thì cái câu “có nhà thơ xứ Huế mấy mươi năm gọi Pleiku là nhà...” chả mình thì ai vào đấy?
Thực ra giờ còn đâu tóc ướt, bởi đâu còn sương và cũng hiếm tóc dài để ướt. Tóc ngắn nếu ướt nhanh khô lắm, huống gì lại còn máy sấy, còn bao thứ phụ trợ làm đẹp, để tóc trông như ướt mà không ướt, để môi không cần tô son vẫn hồng, lông mày không tỉa vẫn cong... Lại còn “dã quỳ trong hương dạ lan”. Cũng nhớ loáng thoáng, tôi từng viết về cái cây dạ lan ở đường Trần Hưng Đạo, trong sân cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Nhớ là bởi, thuở mới yêu, tôi hay đi cùng bà xã bây giờ trên con đường ấy. Hồi ấy, đấy là con đường đẹp nhất Pleiku. Chao ơi là thời gian, là những nhắm mở số phận, những đời cây, đời người... Cũng dạ lan, tôi từng viết: “Dạ hương lẩn khuất đâu đây/phố khuya như ngọn đèn gầy nhấp nhô/em như câu hát tình cờ/mà đau lòng cỏ mà hờ hững đêm”.
Lại còn chiều, những cái “chiều cao nguyên lạc trong đồi bát úp/lạc trong mắt em lạc trong nỗi buồn/lạc trong miên man dã quỳ im lặng”. Cứ nhắc tới dã quỳ là lại muốn miên man...
Lại cứ ước một ngày nào đấy, đi dạo trong thành phố buổi sáng, một quả thông khô rơi bộp dưới chân, ngẩng lên ta gặp những chú sóc đang thanh bình chuyền cành... Giờ chưa có sóc, nhưng chim nhiều lắm, hàng bầy sáo đậu ở quảng trường như nơi này dành riêng cho chúng.
Lại nhớ nhà thơ Thanh Quế khi ông viết: “Pleiku/Cớ sao mình còn sống nổi/Bởi xa nhau đến ngần ấy năm...”.
Thì cứ phải sống thôi, dẫu phải thú thật, xa được Pleiku là rất khó.
VĂN CÔNG HÙNG
 

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.