Trồng keo lá tràm tại An Khê thu nhập khá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, giá gỗ keo lá tràm tăng cao giúp nhiều hộ trồng rừng trên địa bàn thị xã An Khê có nguồn thu nhập ổn định.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế thị xã An Khê, hiện nay, toàn thị xã có hơn 3.315 ha rừng trồng trong quy hoạch (hơn 3.133 ha là rừng trồng sản xuất), chưa kể diện tích rừng do người dân trồng ngoài quy hoạch và đất trống. Diện tích rừng trồng chủ yếu là keo lá tràm và bạch đàn. Đây là 2 loại cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, vốn đầu tư thấp và chỉ sau 3-4 năm trồng có thể thu hoạch bán cho các nhà máy dăm gỗ. Đặc biệt, trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, giá gỗ keo tăng lên 1,3 triệu đồng/tấn giúp nhiều hộ có thu nhập khá. Thậm chí, một số hộ có diện tích trồng keo lớn đã thu tiền tỷ từ việc bán gỗ nguyên liệu.
 Xe thu mua gỗ keo tại xã Song An (thị xã An Khê). Ảnh: N.D
Xe thu mua gỗ keo tại xã Song An (thị xã An Khê). Ảnh: N.D
Ông Đinh Ngọc Lăng (thôn An Điền Nam, xã Cửu An) cho biết, gia đình ông có 3 ha keo lá tràm đang chuẩn bị thu hoạch. Hiện nay, dù giá đã giảm từ 1,3 triệu đồng xuống còn khoảng 1 triệu đồng/tấn gỗ nguyên liệu nhưng với diện tích này, ước tính gia đình ông Lăng cũng thu được khoảng 250-300 triệu đồng. “Trồng rừng vẫn cho lợi nhuận cao hơn so với mía. Ngoài ra, trồng rừng cần ít vốn đầu tư và chỉ vất vả trong giai đoạn kiến thiết cơ bản (làm cỏ khoảng 1-2 đợt/năm) nên tôi có thời gian làm việc khác”-ông Lăng chia sẻ.
Không chỉ gia đình ông Lăng, nhiều hộ dân ở xã Cửu An cũng đã có nguồn thu nhập khá từ trồng rừng. Theo thống kê sơ bộ, xã Cửu An có khoảng 294 ha rừng trồng và rừng sản xuất. Nhiều hộ gia đình nơi đây thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ trồng rừng. Trước đây, thôn An Điền Bắc là một trong những thôn nghèo khó nhất xã. Nhờ trồng keo lá tràm, hiện nay, nhiều người dân có nguồn thu nhập khá. An Điền Bắc theo đó đã trở thành một trong những thôn giàu nhất xã.    
Cùng niềm vui khi cây keo được giá, ông Phan Minh Đức (thôn Thượng An 1, xã Song An) cho hay: Gia đình ông có 10 ha keo lá tràm. Vừa rồi, ông khai thác bán khoảng 6 ha, sau khi trừ mọi chi phí đầu tư còn lãi khoảng 400 triệu đồng. Theo ông Đức: “Chi phí đầu tư trồng keo lá tràm khoảng 40 triệu đồng/ha. Năng suất trung bình 1 ha trồng 7 năm có thể đạt 120 tấn. Hiện nay, người dân trồng khoảng 3-4 năm là có thể thu hoạch. Nếu giá giảm có thể để lại chăm sóc thêm”.
Thấy gỗ keo được giá nên nhiều hộ ở thị xã An Khê đã liên kết với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số cùng trồng rừng để hưởng lợi. Bà Nguyễn Thị Long (thôn Thượng An 1, xã Song An) cho hay: “Do không có đất sản xuất nên gia đình tôi liên kết trồng keo với các hộ đồng bào Bahnar tại làng Pok đã được 2 năm. Hiện nay, vườn cây đang phát triển tốt, mật độ đảm bảo. Các hộ có đất, mình có vốn đầu tư, chăm sóc, sau này thu hoạch thì cùng chia lợi nhuận”.
Trao đổi với P.V, ông Huỳnh Ngọc Mỹ-Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Khê-cho biết: Diện tích rừng trồng chủ yếu tập trung tại 2 xã Song An và Cửu An. Thời gian qua, giá gỗ nguyên liệu rừng sản xuất tăng đã góp phần giúp người dân các xã có nguồn thu nhập ổn định. Hiện nay, người dân đang tiếp tục đẩy mạnh trồng rừng sản xuất để nâng cao thu nhập trong những năm tới.
 NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.