Thực tế này đòi hỏi các cấp, các ngành của tỉnh cần vào cuộc quyết liệt để tìm hướng xử lý phù hợp.
Hơn 1/2 diện tích kém hiệu quả
Năm 2008, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và PTNT đồng ý chủ trương phát triển 100.000 ha cao su tại các tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, Gia Lai được chuyển đổi 50.000 ha rừng nghèo sang trồng cao su. Từ năm 2008 đến 2011, UBND tỉnh đã giao hơn 32.400 ha rừng nghèo cho 17 doanh nghiệp triển khai 44 dự án trồng cao su tại 5 huyện: Chư Prông, Chư Pưh, Đức Cơ, Ia Pa và Ia Grai.
Sau gần 16 năm triển khai thực hiện, diện tích cao su không phát huy hiệu quả ngày một tăng lên. Đến nay, hơn 16.500 ha cao su bị chết và kém phát triển, gây lãng phí nguồn lực, tài nguyên và nhiều hệ lụy khác như môi trường, khí hậu, trật tự xã hội...
Một số diện tích cao su phát triển bình thường nhưng năng suất mủ đạt thấp. Ảnh: Quang Tấn |
Tại xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh), 7 doanh nghiệp được UBND tỉnh giao đất trồng cao su thay thế rừng nghèo với tổng diện tích trên 9.195 ha. Thế nhưng, hầu hết diện tích đất rừng khộp nghèo kiệt sau khi chuyển sang trồng cao su thì cây không phát triển, còi cọc hoặc chết trắng. Hiện tại, không doanh nghiệp nào thiết tha chăm sóc hay trồng lại sau khi cao su chết hàng loạt.
Nông trường Ia Blứ (Công ty cổ phần Cao su Trung Nguyên, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) được UBND tỉnh giao trên 942 ha đất rừng nghèo để chuyển sang trồng cao su. Tuy nhiên, trong số 659 ha đã trồng cao su thì có đến 469 ha bị chết trắng do không phù hợp với thổ nhưỡng, diện tích còn lại cho năng suất mủ rất thấp nên doanh nghiệp bỏ bê không chăm sóc, khai thác. Ông Nguyễn Xuân Anh-Phụ trách Nông trường Ia Blứ-cho biết: “Nông trường hiện chỉ còn 6 người. Hàng ngày, chúng tôi phân công nhau đi kiểm tra các khu vực cao su bị chết, tránh việc người dân thấy đất trống vào xâm lấn trồng cây ngắn ngày”.
Còn ông Lê Quang Vang-Chủ tịch UBND xã Ia Blứ thì cho hay: Theo báo cáo của các doanh nghiệp được giao đất thì một số diện tích có điều kiện lập địa không thích hợp cho cây cao su sinh trưởng, phát triển. Hiện trên địa bàn xã có gần 5.000 ha trồng cao su chuyển từ rừng nghèo kém hiệu quả, cây không phát triển, còi cọc hoặc chết. Điển hình như Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai được UBND tỉnh giao 2.693 ha và đã tiến hành trồng 1.767 ha; trong đó, chỉ có 367 ha cao su sinh trưởng bình thường, phần lớn diện tích còn lại bị chết (hơn 996 ha) và kém phát triển.
“Chính vì diện tích đất cao su bị chết bỏ hoang nhiều nên xảy ra tình trạng người dân vào xâm lấn đất của dự án để sản xuất vụ mùa, gây mất an ninh trật tự tại địa bàn. Khoảng 2-3 năm trở lại đây, hầu như năm nào UBND xã cũng phải phối hợp với Công ty giải quyết tình trạng người dân vào xâm lấn đất để sản xuất. Bên cạnh đó, các dự án khi được chấp thuận chủ trương đầu tư đều có cam kết đầu tư hạ tầng, thu hút lao động tại chỗ… Nhưng đến nay, hầu như không có doanh nghiệp nào thực hiện và không có đóng góp gì cho địa phương trong phát triển kinh tế-xã hội”-ông Vang thông tin.
Dù được trồng từ năm 2009 nhưng một số diện tích cây cao su của Trung đoàn Kinh tế-Quốc phòng 710 (Binh đoàn 15) tại xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) kém phát triển, còi cọc. Ảnh: Q.T |
Tại xã Ia Mơr (huyện Chư Prông), nơi có 9.108 ha rừng nghèo được chuyển sang trồng cao su, tình trạng tương tự cũng xảy ra. Ông Nguyễn Tuấn Anh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr-cho biết: Các đơn vị triển khai trồng cao su trên địa bàn từ năm 2009. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang thống kê diện tích cao su chết và kém phát triển. Nhưng qua quan sát thì diện tích cao su chết hoặc còi cọc, không phát triển chiếm khoảng 50%. Hiện một số diện tích cao su được doanh nghiệp tự ý đem cho người dân thuê để trồng dưa hấu và mì.
“Trên thực tế, các dự án này từ khi triển khai đến nay cũng không đóng góp gì cho phát triển kinh tế-xã hội địa phương cũng như tạo việc làm cho người dân tại chỗ. Trong khi đó, đời sống người dân trên địa bàn xã còn gặp nhiều khó khăn do thiếu đất sản xuất thì hàng ngàn héc ta cao su kém hiệu quả lại bỏ không, rất lãng phí. Cử tri đã nhiều lần kiến nghị địa phương làm việc với doanh nghiệp cho bà con mượn đất để sản xuất, phát triển kinh tế”-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr thông tin thêm.
Cần đánh giá toàn diện chương trình
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr, tình trạng trồng cao su kém hiệu quả, để đất đai hoang hóa kéo dài không những gây lãng phí nguồn tài nguyên mà còn phát sinh những hệ lụy khác. Do đó, các cấp có thẩm quyền cần nhanh chóng rà soát, đánh giá thực chất hiện trạng diện tích cao su trồng trên đất rừng nghèo. Từ đó, kiên quyết đưa ra ngoài quy hoạch đối với những diện tích cao su kém hiệu quả để có chính sách thu hút đầu tư phát triển các dự án nông nghiệp công nghệ cao, góp phần phát huy hiệu quả nguồn nước dồi dào từ công trình thủy lợi Ia Mơr, tạo việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương, đảm bảo an ninh biên giới.
Hiện nay, một số diện tích cao su bị chết tại Nông trường Cao su Ia Lâu-Ia Mơr (Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê) được trồng dưa hấu và mì. Ảnh: N.S |
Còn Chủ tịch UBND xã Ia Blứ thì nêu ý kiến: “Trước mắt, xã đề nghị các doanh nghiệp tích cực phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện cam kết khi đầu tư dự án. Bên cạnh đó, để ổn định tình hình an ninh trật tự, đề nghị cấp có thẩm quyền kiên quyết thu hồi những diện tích cao su kém hiệu quả của các doanh nghiệp trả về cho địa phương quản lý và có kế hoạch cấp quyền sử dụng đất cho người dân sản xuất nông nghiệp hoặc trồng rừng”.
Ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-cho biết: Trước đây, huyện có làm việc với các sở, ngành khi đi kiểm tra việc trồng thí điểm cây ăn quả trên diện tích cao su bị chết trong vùng dự án. Đơn cử như Công ty cổ phần Cao su Trung Nguyên đã chuyển đổi 150 ha đất dự án sang trồng mít, xoài nhưng cây sinh trưởng kém và chết hàng loạt. Tình trạng này kéo dài không những làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, lãng phí tài nguyên đất đai mà cả nguồn lực của doanh nghiệp. Đặc biệt, rất dễ xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm đất để canh tác, dẫn đến mất an ninh trật tự tại địa phương.
Địa phương đề nghị các cấp có thẩm quyền rà soát, đánh giá tổng thể diện tích cao su kém hiệu quả, từ đó đưa ra các giải pháp giải quyết căn cơ. Trong đó, việc chuyển đổi phải có sự định hướng rõ ràng, đồng bộ từ các cơ quan, ban ngành để tránh tình trạng theo lối mòn ảnh hưởng đến môi trường, tình hình phát triển kinh tế chung của huyện.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hoan-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay: Năm 2018, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đi kiểm tra thực tế và xác định có 12.039 ha cao su bị chết, kém phát triển. Nguyên nhân là do lập địa rừng khộp biến động mạnh, thành phần cơ giới đất chủ yếu là đất cát, đất cát pha thịt hoặc pha sét biến tính không phù hợp với cây cao su. Do đó, Bộ đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép chuyển đổi diện tích cao su bị chết, kém phát triển sang trồng cây lâm nghiệp khác hoặc các loại cây nông nghiệp.
Tuy nhiên, kết quả chuyển đổi diện tích cao su kém hiệu quả sang cây trồng khác của các doanh nghiệp đều không thành công. Bên cạnh việc thiếu kinh phí triển khai các mô hình thử nghiệm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các doanh nghiệp cũng đầu tư cầm chừng đối với diện tích cao su phát triển bình thường. Do đó, đến nay, diện tích cao su bị chết, kém phát triển đã tăng lên trên 16.532 ha.
Nhiều diện tích cao su trồng trên đất rừng nghèo tại xã biên giới Ia Mơr bị chết, kém phát triển. Ảnh: Quang Tấn |
Ông Nguyễn Văn Hoan-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Sở đã có báo cáo và tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với tỉnh đánh giá một cách toàn diện chương trình chuyển rừng nghèo sang trồng cao su.
“Sở đã có báo cáo và tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với tỉnh đánh giá một cách toàn diện chương trình chuyển rừng nghèo sang trồng cao su. Từ đó, có định hướng xử lý phù hợp nhất đối với diện tích cao su bị chết, kém phát triển trên địa bàn tỉnh vì địa phương và các doanh nghiệp không đủ khả năng để thực hiện.
Đồng thời, có hướng dẫn chuyên môn đối với việc phục hồi lại rừng, chuyển mục đích sử dụng đất rừng trên diện tích không có rừng (đất trống), nghĩa vụ trồng rừng thay thế khi chuyển đổi diện tích cao su bị chết, kém phát triển sang thực hiện các dự án nông nghiệp và mục đích khác. Vì theo quy định, nếu trồng cây nông nghiệp, công nghiệp khác trên diện tích cao su mà trước được chuyển từ đất có rừng thì phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng sang đất khác; đồng thời, phải thực hiện trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin.