Triển vọng từ dự án chăn nuôi công nghệ cao tại Sơ Pai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau khi được UBND tỉnh Gia Lai cấp chứng nhận đầu tư, Tập đoàn Mavin bắt đầu triển khai Dự án chăn nuôi heo công nghệ cao tại xã Sơ Pai (huyện Kbang) với tổng mức đầu tư giai đoạn đầu hơn 120 tỷ đồng. Đến nay, Dự án đã triển khai xây dựng hệ thống chuồng trại dã chiến và nhập 100 con heo giống từ Úc về chăn nuôi, đồng thời gấp rút triển khai các hạng mục tiếp theo với định hình một cơ sở chăn nuôi công nghệ cao quy mô lớn.

Lãnh đạo Tập đoàn Mavin (thứ 2 từ phải sang) khảo sát địa điểm triển khai Dự án chăn nuôi heo công nghệ cao tại xã Sơ Pai (huyện Kbang). Ảnh: Hà Duyệt
Lãnh đạo Tập đoàn Mavin (thứ 2 từ phải sang) khảo sát địa điểm triển khai Dự án chăn nuôi heo công nghệ cao tại xã Sơ Pai (huyện Kbang). Ảnh: Hà Duyệt

Sau nhiều lần khảo sát, Tập đoàn Mavin đã chọn làng Tơ Kơr (xã Sơ Pai) để triển khai Dự án chăn nuôi heo công nghệ cao. Tập đoàn Mavin dự kiến xây dựng trung tâm sản xuất heo giống và gà giống với mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.

Khi Dự án hoàn thiện và đi vào hoạt động sẽ đóng góp một phần vào ngân sách địa phương; giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 800 lao động; đồng thời, đây là địa chỉ tiêu thụ ổn định các loại nông sản địa phương để làm thức ăn chăn nuôi. Việc đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi heo giống theo mô hình công nghệ cao với quy trình tập trung, chuyên môn hóa sẽ đáp ứng nhu cầu nguồn heo giống phục vụ cho chăn nuôi tại địa phương cũng như các trang trại khác của Tập đoàn.

Theo ông Phan Anh-Phó Trưởng ban Quản lý dự án (Tập đoàn Mavin), phụ trách dự án tại Kbang: Đến tháng 11-2020, Dự án bắt đầu triển khai làm mặt bằng chuồng trại, thi công đường điện và thi công đường dẫn vào khu chăn nuôi nối từ đường Trường Sơn Đông với chiều dài hơn 4 km. Đầu tháng 3-2021, sau khi hoàn thành hệ thống chuồng trại dã chiến với diện tích 450 m2, Dự án đã nhập 100 con heo giống cụ kỵ (mỗi con 50 kg) từ Canada về thả nuôi.

“Khoảng 3 tháng nữa, lứa heo cụ kỵ này bắt đầu phối giống. Chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các khu chức năng để kịp đón lứa heo con sẽ ra đời và đưa vào ổn định trong khu chăn nuôi. Chiến lược của Tập đoàn là chỉ nuôi đúng 16 tuần, từ lúc còn là heo con cho đến khi xuất bán heo giống”-ông Phan Anh thông tin.

Tập đoàn Mavin nhập heo giống từ nước ngoài đưa vào dự án chăn nuôi công nghệ cao tại huyện Kbang. Ảnh: Minh Phương
Tập đoàn Mavin nhập heo giống từ nước ngoài đưa vào dự án chăn nuôi công nghệ cao tại huyện Kbang. Ảnh: Minh Phương

Ông Phan Anh cho hay: Cùng thời điểm heo giống thả nuôi trong chuồng trại dã chiến, Dự án tiếp tục thi công cuốn chiếu từ trong ra ngoài như: xây dựng khu vực nuôi heo giống cụ kỵ, khu vực sản xuất từ heo giống cụ kỵ ra heo ông, bà và khu vực sản xuất heo nái trên diện tích 61,7 ha. Quy mô tối ưu là chăn nuôi khoảng 4.000 con heo cụ kỵ; hàng năm, xuất ra thị trường 100.000 con heo giống với mục tiêu cung cấp nguồn giống tốt cho địa phương và các trang trại thuộc Tập đoàn.

Đồng thời, Dự án tạo việc làm ổn định cho khoảng 70 nhân công, trong đó, ưu tiên những lao động được đào tạo về chăn nuôi-thú y, lao động phổ thông người dân tộc thiểu số làm công nhân vệ sinh chuồng trại. Tổng vốn đầu tư giai đoạn đầu là 120 tỷ đồng.

Theo ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang: Trong quá trình triển khai Dự án, Tập đoàn Mavin cam kết sẽ hỗ trợ làm đường đi vào khu sản xuất lớn của xã Sơ Pai, giúp bà con đi lại, vận chuyển nông sản thuận lợi hơn. Bên cạnh việc giải quyết việc làm cho người dân tại chỗ, Dự án còn cung ứng nguồn heo giống đảm bảo chất lượng cho người chăn nuôi trên địa bàn.

“Việc triển khai dự án phù hợp với định hướng của huyện là phát triển mô hình chăn nuôi tập trung, khép kín, an toàn dịch bệnh và đảm bảo môi trường, hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư”-ông Tình chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Dũng-Chủ tịch UBND huyện Kbang-thông tin: Đây là tập đoàn có vốn đầu tư từ Úc, hoạt động trên lĩnh vực chăn nuôi và cung cấp con giống; chế biến thức ăn chăn nuôi; sản xuất thuốc thú y, chế biến thực phẩm. Ủy ban nhân dân huyện đã chủ động làm việc với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư triển khai Dự án, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

“Đặc biệt, chúng tôi đang đề nghị Tập đoàn Mavin triển khai xây dựng thêm nhà máy chế biến thức ăn gia súc để thu mua, tiêu thụ nông sản của địa phương; xây dựng vùng nguyên liệu cung cấp cho nhà máy chế biến giúp người dân nâng cao thu nhập. Đây cũng chính là định hướng, trọng tâm phát triển kinh tế của huyện trong thời gian tới, trong đó, chú trọng đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao”-Chủ tịch UBND huyện Kbang khẳng định.

MINH PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Người cao tuổi ở Ia Grai làm kinh tế giỏi

Người cao tuổi ở Ia Grai làm kinh tế giỏi

(GLO)- Huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) có gần 7.000 hội viên người cao tuổi (NCT), trong đó, 659 hội viên được công nhận là NCT làm kinh tế giỏi. Họ là lực lượng đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

(GLO)- Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, TP. Hà Nội và đơn vị liên quan chỉ đạo, thông báo các chủ dự án nộp hơn 57,3 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế để điều chuyển cho tỉnh Gia Lai kịp thời trồng rừng.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

(GLO)-   Gia Lai đang trải qua cao điểm nắng nóng gay gắt, thời điểm này dễ phát sinh  dịch bệnh động vật trong đó bệnh dại trên đàn chó, mèo là nỗi lo lớn nhất hiện nay.  Giải pháp đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin bệnh dại là ưu tiên của các địa phương hiện nay.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.