Gia Lai: Ngành chăn nuôi mở rộng quy mô, ứng dụng công nghệ cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, ngành chăn nuôi tỉnh Gia Lai có những chuyển biến tích cực nhưng cũng gặp phải không ít khó khăn, thách thức như: dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cả thị trường không ổn định… Do đó, tỉnh xác định tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi, đưa ngành này từng bước phát triển theo hướng bền vững.

Hiệu quả từ chăn nuôi tập trung, áp dụng công nghệ cao

Qua 10 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp (2011-2020), sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn của tỉnh liên tục phát triển. Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân hàng năm đạt 5,28%; đến năm 2020, giá trị sản xuất đạt 30.186 tỷ đồng, gấp 1,29 lần so với năm 2015.

Đặc biệt, trong nội bộ ngành đang có xu hướng tăng nhanh tỷ trọng chăn nuôi, giảm tỷ trọng trồng trọt. Cụ thể, tỷ trọng ngành chăn nuôi tăng từ 11,83% năm 2016 lên 14,29% năm 2020; tỷ trọng ngành trồng trọt giảm từ 85,45% năm 2016 còn 83,25% năm 2020; tỷ trọng ngành dịch vụ nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giữ mức ổn định.

Đáng chú ý, ngành chăn nuôi từng bước phát triển theo hướng tập trung, quy mô công nghiệp; áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín theo chuỗi liên kết giá trị. Toàn tỉnh hiện có 404 trang trại chăn nuôi, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2011. Trong đó, 204 trại chăn nuôi heo với hơn 85.000 con; 75 trại gia cầm với hơn 428.000 con; 125 trại bò với hơn 8.100 con.

 Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số trang trại chăn nuôi heo tập trung khép kín, ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Đức Thụy
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số trang trại chăn nuôi heo tập trung khép kín, ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Đức Thụy


Bên cạnh sự đầu tư, hỗ trợ hạ tầng kinh tế của Nhà nước, nhiều doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh đã chủ động tận dụng các nguồn vốn, nhất là vốn vay ưu đãi để phát triển chăn nuôi quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao để tăng thu nhập. Trường hợp gia đình ông Nguyễn Hữu Vui (tổ 11, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) là một ví dụ. Từ khi chuyển sang chăn nuôi gà theo quy mô tập trung thì thu nhập của gia đình ông Vui luôn ổn định.

Ông Vui cho biết: “Trước đây, chăn nuôi nhỏ lẻ, công tác phòng-chống dịch bệnh không được chú trọng nên thường xuyên xảy ra dịch bệnh, thu nhập bấp bênh. Vì thế, tôi đã quyết định đầu tư làm chuồng trại bài bản theo quy mô khép kín, hiện đại. Cùng với đó, tôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi hiện đại như: xử lý chất thải chuồng trại, tiêm phòng dịch bệnh, tiêu độc, khử trùng định kỳ… Nhờ đó, đàn gà của gia đình tôi sinh trưởng và phát triển tốt, ít dịch bệnh. Với quy mô 10 ngàn con gà thịt, cộng với mỗi tháng cung cấp 30 ngàn con gà giống cho người chăn nuôi trong và ngoài tỉnh, gia đình tôi thu bình quân khoảng 50 triệu đồng/tháng”.

Tương tự, trang trại nuôi heo sinh sản công nghệ cao của bà Phan Thị Thu Hương (làng O Ngõ, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) cũng cho thu nhập ổn định mỗi năm 200 triệu đồng. “Việc chăn nuôi tập trung, khép kín với chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng như thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng định kỳ cho heo sẽ đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro do dịch bệnh gây ra. Điển hình như các đợt dịch tả heo châu Phi từ năm 2019 đến nay, đàn heo của gia đình không bị ảnh hưởng. Trang trại vẫn đều đặn cung cấp con giống sạch bệnh cho người chăn nuôi”-bà Hương cho hay.

Hướng đến phát triển bền vững

Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho biết: Toàn huyện có 11 trang trại chăn nuôi theo quy mô lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh. Định hướng của huyện trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi với các vật nuôi chủ lực như heo, bò, dê… Đồng thời, huyện tiếp tục xây dựng các mô hình nông hội trong phát triển chăn nuôi; kêu gọi các doanh nghiệp lớn vào đầu tư phát triển chăn nuôi theo quy mô hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, liên kết với nông dân để bảo đảm đầu ra…

Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học sẽ hạn chế được dịch bệnh. Ảnh: Nguyễn Diệp
Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học giúp hạn chế dịch bệnh. Ảnh: Nguyễn Diệp


Còn ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-cho hay: Thời gian qua, huyện tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững. Trong đó, huyện kêu gọi các doanh nghiệp đến khảo sát đầu tư phát triển theo hướng chăn nuôi quy mô tập trung, ứng dụng công nghệ cao.

Đến nay đã có một doanh nghiệp đầu tư hệ thống chuồng trại chăn nuôi heo hiện đại với chi phí đầu tư khoảng 40 tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn hiện có 5 trang trại chăn nuôi của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam liên kết với nông dân đang hoạt động hiệu quả. Cùng với đó, trong thời gian qua, huyện tập trung các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ người dân trên địa bàn phát triển đàn dê ổn định, mang lại nguồn thu nhập cho nhiều hộ dân.

“Đặc biệt, mới đây, Tập đoàn Hùng Nhơn đã làm việc với huyện để hoàn tất thủ tục đầu tư trang trại chăn nuôi heo ứng dụng công nghệ cao tại xã Ia Le với tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng. Hệ thống trang trại của tập đoàn này sẽ được vận hành và giám sát theo công nghệ 4.0, máy móc thiết bị nhập khẩu từ châu Âu giúp kiểm soát tốt chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, cho hiệu quả kinh tế cao. Đây là cơ hội lớn thúc đẩy kinh tế-xã hội của huyện phát triển mạnh; đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương và cung cấp con giống đảm bảo chất lượng cho người chăn nuôi trên địa bàn. Chính quyền địa phương và người dân rất kỳ vọng dự án sớm triển khai, mang lại hiệu quả thiết thực”-ông Tứ thông tin.

Trung tâm giống vật nuôi tỉnh đang nuôi thử nghiệm giống bò Úc chất lượng cao. Ảnh: Quang Tấn
Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh đang nuôi thử nghiệm giống bò Úc chất lượng cao. Ảnh: Quang Tấn

Toàn tỉnh hiện có hơn 73.000 hộ gia đình chăn nuôi trâu, bò; gần 40.700 hộ nuôi heo và hơn 160.700 hộ nuôi gia cầm. Đến nay, toàn tỉnh có 96 dự án chăn nuôi đang được nhà đầu tư quan tâm với tổng diện tích khoảng 2.963 ha, vốn đầu tư hơn 11.600 tỷ đồng. Trong đó, có 6 dự án đã đi vào hoạt động; các dự án còn lại đang xây dựng, xin chủ trương đầu tư.

Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Những năm gần đây, ngành chăn nuôi đang chuyển dịch từ quy mô nhỏ lẻ, phân tán sang hình thức trang trại, gia trại tập trung khép kín, an toàn sinh học ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành hình thức liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị giữa người dân với các doanh nghiệp lớn như: Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên Chăn nuôi Bình Minh, Công ty cổ phần Chăn nuôi Trung Nguyên...

Hệ thống chăn nuôi theo chuỗi giá trị được các công ty áp dụng quy trình khép kín từ sản xuất con giống-thức ăn-giết mổ-chế biến; nhiều cơ sở sử dụng hệ thống chuồng lạnh nhằm tạo tiểu khí hậu chuồng nuôi phù hợp cho vật nuôi sinh trưởng, phát triển, kiểm soát được dịch bệnh xảy ra, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm công lao động. Qua đó, lợi nhuận trong chăn nuôi tăng lên, giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường…

Cũng theo ông Nghĩa, tỉnh chủ trương tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó chú trọng nâng cao tỷ trọng ngành chăn nuôi. Cụ thể, đẩy mạnh tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi sạch, hữu cơ, an toàn sinh học; thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tự động, thông minh; tạo cơ chế, chính sách phù hợp để ưu tiên thu hút nhà đầu tư thực hiện các dự án xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, hiện đại; đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh; xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm từ chăn nuôi.

Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng con giống, kể cả trong chăn nuôi nông hộ và chăn nuôi trang trại bằng cách thúc đẩy phát triển công tác lai tạo, chọn lọc và sử dụng các giống bò, heo và gia cầm có năng suất, chất lượng cao và mang lại giá trị kinh tế cao, thị trường ổn định; đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, khép kín, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học trong sản xuất, phòng-chống dịch bệnh, chế biến, lưu thông, tiêu thụ. Ngoài ra, tập trung thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch phòng-chống dịch bệnh, phát hiện kịp thời và khống chế, không để các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây lan trên đàn gia súc, gia cầm của tỉnh.
 

QUANG TẤN-NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.