(GLO)- Nghề nuôi chim yến nở rộ ở Gia Lai trong những năm gần đây và giúp cho nhiều hộ dân vươn lên làm giàu. Dẫu vậy, người nuôi yến vẫn mong chờ những chính sách hợp lý từ các cấp chính quyền nhằm phát triển bền vững nghề mới nhiều triển vọng này.
Khấm khá nhờ nuôi yến
Gia đình anh Phan Ngọc Sơn (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) bén duyên với nghề nuôi chim yến từ năm 2018. Hơn 4 năm qua, nghề này đã mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập cao, ổn định. “Rẫy của tôi ở khu vực ít dân cư tại xã Ia Kriêng. Năm 2018, qua các phương tiện thông tin đại chúng, biết nhiều hộ dân vươn lên làm giàu từ nuôi chim yến, tôi quyết định mạo hiểm thử xem sao. Ngôi nhà yến đầu tiên có diện tích chừng 70 m2 được xây dựng vào cuối năm 2018. Đến năm 2019, tôi xây thêm 2 nhà nữa. Hiện tại, mỗi tháng, gia đình tôi thu nhập hơn 20 triệu đồng từ bán tổ yến. Dù đang phải trả tiền bỏ ra trước đó để xây thêm nhà nuôi yến mới nhưng khoản thu như thế là quá cao với nông dân chuyên sản xuất nông nghiệp như tôi”-anh Sơn bộc bạch.
Vợ chồng ông Phan Tiến Dũng (thị trấn Chư Sê) phân loại tổ yến. Ảnh: Hoành Sơn |
Ở thị xã Ayun Pa, gia đình ông Nguyễn Văn Toàn là hộ đầu tiên nuôi chim yến và trở thành “đại gia” sau hơn 13 năm gắn bó với nghề. Hiện nay, gia đình ông có 10 nhà nuôi yến ở thị xã Ayun Pa và huyện Chư Sê, cho thu nhập cả chục tỷ đồng/năm. Ngoài ra, ông Toàn còn làm dịch vụ thi công, lắp đặt thiết bị kỹ thuật dẫn dụ chim yến cho các hộ khác. Ông Toàn chia sẻ: “Khí hậu của Gia Lai thích hợp với chim yến. Thế nên chúng sinh sôi nảy nở, nhân đàn rất nhanh và giúp cho nhiều hộ dân trong tỉnh đổi đời. Tại Ayun Pa, nhiều hộ dân giàu lên từ nuôi yến. Còn gia đình tôi thì có nguồn lợi nhuận hàng năm rất cao”.
Ông Phan Tiến Dũng-Chủ tịch Hội Yến sào huyện Chư Sê là người tiên phong gọi yến về nuôi trên địa bàn. Ông Dũng kể: “Năm 2014, tôi cải tạo tầng 2 ngôi nhà để nuôi yến. Thành công từ nhà nuôi đầu tiên, tôi nhân rộng thêm nhiều nhà khác. Hiện nay, với giá bán 18-20 triệu đồng/kg yến thô, gia đình tôi thu nhập 5-6 tỷ đồng/năm. Ở Chư Sê hiện có 300 nhà yến, riêng hội viên Hội Yến sào huyện có khoảng 100 nhà. Đa phần nhà yến đã đi vào hoạt động lâu năm nên cho nguồn thu nhập khá cao. Nhiều hộ từng lao đao vì cây hồ tiêu chết hàng loạt, nay giàu có trở lại nhờ nghề nuôi chim yến”.
Theo ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê: Đến nay, toàn huyện có hơn 250 hộ nuôi yến. Với nghề nuôi yến, chi phí đầu tư ban đầu lớn nhưng mang lại nguồn thu nhập rất cao. Với giá bán 18-20 triệu đồng/kg yến thô và 28-30 triệu đồng/kg yến tinh, nhiều hộ vươn lên khá giả.
Còn ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện thì cho hay: Trên địa bàn huyện có khoảng 45 nhà nuôi yến. Nhiều gia đình có thu nhập 500-700 triệu đồng/năm từ nghề này. Riêng các gia đình nuôi yến được 7-8 năm trở lên thì có thu nhập 1-2 tỷ đồng/năm. Để góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, mới đây, lãnh đạo huyện đã tiếp xúc, kêu gọi các doanh nghiệp đến Phú Thiện đầu tư nuôi yến và có 1 công ty đang triển khai thực hiện.
Giải pháp phát triển bền vững
Gia Lai đang sở hữu tiềm năng để phát triển nghề nuôi chim yến lên một tầm cao mới. Sự gia tăng về số lượng nhà nuôi trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây minh chứng cho tiềm năng của nghề mới. Các địa phương cũng đã quy hoạch vùng nuôi, thành lập hội nuôi yến, làm các sản phẩm OCOP từ tổ yến… nhằm hướng đến phát triển bền vững. Ông Nguyễn Minh Đăng-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Thiện-cho hay: “Theo chỉ đạo của UBND huyện, chúng tôi đã lập quy hoạch chi tiết về nuôi yến trên địa bàn. Theo đó, trừ xã Ia Sol có 10 ha, các địa phương còn lại được quy hoạch 5 ha đất để nuôi yến. Muốn chuyển sang nuôi yến, người dân đến Văn phòng Đăng ký đất đai-Chi nhánh huyện đăng ký biến động đất đai để được hướng dẫn cụ thể và thực hiện theo đúng quy định”.
Hợp tác xã Phố Yến dự kiến xây dựng 99 nhà nuôi yến ở huyện Phú Thiện. Ảnh: Hoành Sơn |
Ông Nguyễn Viết Duy-đại diện Hợp tác xã Phố Yến-chia sẻ: “Từ sự kêu gọi đầu tư của UBND huyện Phú Thiện, chúng tôi triển khai mô hình kết hợp du lịch tham quan với khu nuôi chim yến. Trong một khu đất, ngoài xây dựng nhà nuôi yến, chúng tôi cải tạo cảnh quan, trồng nhiều hoa, cây xanh… Sau này, chúng tôi sẽ đưa các đoàn khách đến tham quan, mua sắm các sản phẩm làm từ tổ yến. Đơn vị dự kiến triển khai xây dựng 99 nhà nuôi yến tại 5 xã của huyện Phú Thiện và có thể bán lại nếu người dân có nhu cầu. Chúng tôi đang xây dựng 3 căn nhà nuôi yến ở xã Ia Sol, qua Tết Nguyên đán 2023 sẽ xây dựng thêm 5 căn. Vướng mắc hiện nay là không được phép làm đường ở khu vực nhà nuôi yến, chúng tôi đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét tháo gỡ”.
Sở hữu những điều kiện thuận lợi, trong kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2025-2030, huyện Đức Cơ xác định nuôi yến là nghề mới và triển khai nhiều hoạt động tiếp sức cho người nuôi. Ông Nguyễn Quốc Tư-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-thông tin: “Số lượng đàn yến và chất lượng yến sào ở Đức Cơ không thua kém các địa phương khác. Đây là một lợi thế để phát triển nghề này nhằm giúp nông dân phát triển kinh tế gia đình. Theo thống kê, trên địa bàn hiện có hơn 220 nhà nuôi yến. Thời gian tới, huyện sẽ tổ chức nuôi theo quy hoạch, đầu tư xây dựng nhãn hiệu và thương hiệu để quảng bá sản phẩm cho người dân. Đặc biệt, trong năm 2022, huyện đã có 2 sản phẩm từ yến sào được cấp chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh”.
Theo ông Trần Ngọc Phận-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ: Huyện đã rà soát, kiểm tra việc nuôi chim yến trên địa bàn. Đối với những hộ nuôi ở ngoài khu vực dân cư, chúng tôi hướng dẫn, yêu cầu làm các thủ tục chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất khác cho phù hợp. Mặt khác, huyện cũng yêu cầu các hộ nuôi trong khu vực đông dân cư có phương án di dời sang nơi khác theo Nghị quyết số 127/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Huyện cũng khuyến cáo người dân không nên phát triển nuôi yến theo kiểu ồ ạt để tránh rủi ro. Bởi vì, ở một số tỉnh Nam Trung Bộ, thời gian đầu nghề nuôi yến phát triển mạnh nhưng nay hiệu quả kinh tế không còn cao.
Một bộ phận không nhỏ người nuôi yến kiến nghị HĐND tỉnh xem xét điều chỉnh các quy định trong Nghị quyết số 127/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh để tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi. Chủ tịch Hội Yến sào huyện Chư Sê thông tin: “Thực tế cho thấy, ở những khu vực đông dân cư, nuôi yến hiệu quả hơn khu vực xa dân cư vì yến về ở đông hơn. Nguyên nhân là do trong khu dân cư đông ít thiên địch gây hại cho chim yến. Ngoài ra, ở khu vực thành thị, nhiều gia đình cũng muốn tận dụng tầng 2, 3 để nuôi chim yến, kiếm thêm thu nhập. Đối với mối nguy ô nhiễm tiếng ồn do loa dẫn dụ, chúng tôi nghĩ có thể khắc phục được. Như nhà tôi ở trung tâm thị trấn Chư Sê, nuôi yến từ năm 2014 nhưng yến không kêu ồn ào, không bốc mùi hôi thối và khi tắt loa ngoài dẫn dụ chim vẫn tự về. Chúng tôi đang vận động hội viên vặn nhỏ tiếng loa ngoài gọi yến, chỉ dùng loa trong và tiến tới tắt loa ngoài luôn. Hiện Trung Quốc đã cho nhập khẩu chính ngạch yến sào của Việt Nam. Đây là cơ hội lớn vì chúng ta chỉ mới đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu thị trường”.
Còn anh Phan Ngọc Sơn thì chia sẻ: “Tôi nuôi chim yến ở rẫy cà phê nhưng thấy hiệu quả không bằng trong khu dân cư. Tôi nghĩ việc di dời là không khả thi. Lý do là không thể bắt chim yến đưa sang nơi nhà khác để nuôi như heo, gà… mà phải dẫn dụ một thời gian dài. Còn nếu đưa về chung một khu quy hoạch cũng khó đạt hiệu quả cao vì có thể yến không về ở khu đó hoặc đông nhà quá, số lượng yến không đủ. Trong khi ở các thành phố dọc miền Trung, họ vẫn cho nuôi trong khu dân cư mà không hề ô nhiễm tiếng ồn”.
HOÀNH SƠN