Sau 5 năm thành lập, Cơ sở sản xuất nước chấm Tương Việt Hoa Sen (thôn 2, xã Diên Phú, TP. Pleiku) đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm như: tương đen, tương cà, nước tương, nước mắm chay, muối ớt xanh…
Bà Lâm Thị Bé Loan-Chủ cơ sở-chia sẻ: Gia Lai có nguồn nguyên liệu ớt, đậu tương khá dồi dào. Nguồn nguyên liệu tại chỗ giúp cơ sở chọn lựa và kiểm soát được chất lượng đầu vào đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi tháng, cơ sở nhập khoảng 200 tấn nguyên liệu để phục vụ chế biến.
Trước đây, các công đoạn chủ yếu làm thủ công nên phải sử dụng nhiều nhân công, năng suất chưa cao. Vừa qua, Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến thực phẩm” của cơ sở được nghiệm thu với tổng kinh phí 605 triệu đồng, trong đó, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 270 triệu đồng.
Với hệ thống máy móc thiết bị gồm: 1 máy chiết rót 5 lít tự động công suất 900-2.500 chai/giờ; 1 máy cấp và siết nắp tự động công suất 900-2.500 chai/giờ; 1 máy dán nhãn một mặt tự động công suất 900-2.500 chai/giờ, cơ sở sản xuất hoàn toàn theo quy trình khép kín, giảm được công lao động, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.
Cũng theo bà Loan, sản phẩm tương ớt, tương đen của cơ sở đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Riêng sản phẩm tương ớt còn đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Mỗi năm, cơ sở đưa ra thị trường khoảng 6.000 tấn sản phẩm các loại, doanh thu đạt hơn 12 tỷ đồng.
Cũng tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, cơ sở bò một nắng Tý Vân (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) đã tạo ra những sản phẩm đặc trưng có sức cạnh tranh trên thị trường.
Bà Lý Anh Thư-Đại diện cơ sở-cho hay: “Nguồn nguyên liệu thịt bò chăn thả tự nhiên cùng với khí hậu đặc trưng đã làm nên thương hiệu bò một nắng Krông Pa. Có truyền thống làm bò khô, ngoài việc phát triển các sản phẩm truyền thống, cơ sở còn làm thêm sản phẩm bò một nắng, bò gác bếp, ba rọi heo một nắng, sườn heo một nắng…
Hiện sản phẩm bò một nắng, ba rọi heo một nắng của cơ sở đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh nên sản lượng tiêu thụ khá mạnh. Không chỉ chú trọng về chất lượng, cơ sở còn đầu tư về mẫu mã, bao bì để tăng sự chọn lựa cho khách hàng khi mua làm quà biếu”.
Hiện nay, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đã mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị trong chế biến thực phẩm giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm.
Ngành chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh cũng ngày càng được mở rộng, đa dạng mặt hàng với sản lượng lớn như: các sản phẩm từ chanh dây; sản phẩm cà phê; các loại trà làm từ đậu đỗ; các loại gia vị; sản phẩm làm từ thịt, cá; ngũ cốc, bánh làm từ các loại hạt dinh dưỡng…
Bà Nguyễn Thị Bích Thu-Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương)-cho biết: Chế biến thực phẩm là một trong những ngành được ưu tiên phát triển nhằm nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản, thực phẩm.
Tại Gia Lai, nhiều doanh nghiệp, cơ sở đã tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để chế biến các mặt hàng thực phẩm đặc trưng có chất lượng tốt. Nhiều sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp.
Nghiệm thu đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc trong chế biến thực phẩm
Chị Trịnh Thị Hồng Thắm khởi nghiệp thành công nhờ chế biến thực phẩm sạch
“Thời gian qua, Trung tâm đã hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại để chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển ngành công nghiệp chế biến theo hướng bền vững.
Bên cạnh đó, thông qua các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, Trung tâm đã hỗ trợ các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tiếp cận khách hàng tiềm năng.
Nhiều doanh nghiệp đã kết nối được với các nhà phân phối để vào được các chuỗi kinh doanh thực phẩm sạch, các siêu thị, kể cả các đối tác nước ngoài như Trung Quốc, Lào, Singapore cũng rất quan tâm đến ngành hàng này. Các đối tác đánh giá cao thị trường thực phẩm chế biến còn rất nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển”-bà Thu thông tin thêm.