Triển khai kế hoạch trồng rừng năm 2020: Khó khăn đủ bề

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Do mùa mưa đến muộn và lượng mưa thấp nên công tác trồng rừng ở Gia Lai năm nay gặp nhiều khó khăn. Đến thời điểm này, diện tích rừng trồng mới chỉ đạt trên 20% kế hoạch.

Thời tiết bất lợi

Theo kế hoạch, năm 2020, toàn tỉnh trồng 5.000 ha rừng, trong đó có 4.000 ha rừng tập trung và 1.000 ha cây phân tán. Trong diện tích trồng rừng tập trung có 180 ha rừng phòng hộ và 3.820 ha rừng sản xuất. Đối với rừng sản xuất có 1.550 ha của các địa phương, đơn vị chủ rừng và doanh nghiệp được hỗ trợ theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (7 triệu đồng/ha), còn lại  2.270 ha rừng được trồng từ nguồn vốn khác.

 Các vườn ươm trên địa bàn huyện Chư Pah chuẩn bị giống cây lâm nghiệp. Ảnh: N.D
Các vườn ươm trên địa bàn huyện Chư Pah chuẩn bị giống cây lâm nghiệp. Ảnh: Nguyễn Diệp


Theo tổng hợp từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đến nay, toàn tỉnh mới trồng được khoảng 1.026,2 ha, đạt 20,5% so với kế hoạch năm. Trong đó, có 799,7 ha rừng sản xuất, 140 ha rừng phòng hộ và 140 ha cây phân tán. Hiện nay, khu vực phía Tây của tỉnh có mưa nên các huyện đã trồng được một phần diện tích như: Chư Prông 82 ha, Đak Đoa 180 ha, Mang Yang 26 ha… Đối với khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh, người dân đang chuẩn bị đất và cây giống chờ mưa xuống, khi đất đủ độ ẩm mới tiến hành trồng rừng. Nguyên nhân diện tích rừng trồng toàn tỉnh đạt thấp là do mùa mưa đến muộn, lượng mưa thấp, không đều dẫn đến khả năng cây khó phát triển nên chưa thể xuống giống.

Ông Đit-Trưởng thôn Kóp (xã Kon Gang, huyện Đak Đoa) cho hay: “Năm nay, gia đình tôi đăng ký trồng 4,5 ha keo lai và được Nhà nước hỗ trợ 7 triệu đồng/ha. Khi vừa có mưa, đất đủ độ ẩm, gia đình tôi được Hạt Kiểm lâm huyện hỗ trợ cây nên đã trồng xong. Tuy vậy, ngay sau đó, trời nắng nóng trở lại nên tôi khá lo lắng”. 

Còn tại huyện Chư Pưh, ông Lê Anh Dục-Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện-cho biết: “Mấy năm nay, công tác trồng rừng trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn vì một số hộ đăng ký trồng rừng nhưng lại bỏ đi nơi khác sinh sống nên không triển khai được. Đặc biệt, một số hộ dân ở các địa phương khác xâm canh đất lâm nghiệp không chịu hợp tác và người dân chưa thấy hiệu quả kinh tế từ trồng rừng nên vẫn ưu tiên trồng cây ngắn ngày để nhanh có thu nhập. Riêng trong vụ trồng rừng năm nay, chúng tôi đã hướng dẫn người dân phát dọn thực bì, đào hố, chuẩn bị sẵn nguồn cây giống để hỗ trợ trồng hơn 30 ha. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đất chưa đủ độ ẩm nên chưa thể xuống giống”.

Mức đầu tư thấp

Theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, người dân được hỗ trợ 7 triệu đồng/ha rừng trồng; trong đó, năm đầu tiên hỗ trợ 2 triệu đồng mua giống, vật tư nông nghiệp; đến năm thứ 2 hỗ trợ công chăm sóc 2 triệu đồng/ha; số còn lại sẽ thanh toán khi đã thành rừng.

Mức hỗ trợ còn thấp trong khi người dân tham gia trồng rừng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, chu kỳ trồng rừng kéo dài 7-8 năm nên họ khó có vốn đầu tư. Ảnh: Minh Nguyễn
Mức hỗ trợ còn thấp trong khi người dân tham gia trồng rừng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, chu kỳ trồng rừng kéo dài 7-8 năm nên họ khó có vốn đầu tư. Ảnh: Minh Nguyễn


Ông Nguyễn Trường Hải-Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai-cho biết: Đến thời điểm này, huyện Ia Grai đã trồng được khoảng 75 ha rừng. Tuy nhiên, do diễn biến thời tiết bất thường nên một số hộ dân đã đăng ký nhưng chưa dám xuống giống vì lo ngại cây chết. Đặc biệt, mức hỗ trợ chỉ 7 triệu đồng/ha nên khó tạo động lực cho người dân tham gia trồng rừng.       
 
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hồng Lâm-Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cho rằng: Những năm gần đây, do nắng nóng kéo dài, thổ nhưỡng tiểu vùng khí hậu tại những khu vực rừng khộp phía Nam của tỉnh không phù hợp để phát triển những loại cây rừng trồng như: keo lai, bạch đàn… Đặc biệt, tại một số địa phương, rừng trồng có hiện tượng bị sâu bệnh dẫn đến cây chết, ảnh hưởng tâm lý người trồng. Hơn nữa, mức hỗ trợ còn thấp trong khi người dân tham gia trồng rừng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, chu kỳ trồng rừng kéo dài 7-8 năm nên họ khó có vốn đầu tư.

 NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

(GLO)- Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2024, toàn tỉnh có 15 mã số vùng trồng xuất khẩu được cấp mới với diện tích 332,09 ha xuất khẩu trên thị trường Trung Quốc và 4 mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu với tổng công suất 155 tấn quả tươi/ngày.

Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy

Liên kết sản xuất phục vụ xuất khẩu

(GLO)- Việc liên kết sản xuất đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Gia Lai chú trọng nhằm tạo nguồn nông sản chất lượng phục vụ xuất khẩu. Nhờ đó, nông sản của tỉnh đã thâm nhập thị trường của gần 50 quốc gia trên thế giới.

Các sản phẩm khởi nghiệp thu hút người tiêu dùng tại Ngày hội khởi nghiệp tỉnh Gia Lai năm 2024. Ảnh: M.K

“Làn sóng khởi nghiệp” chuyển động mạnh mẽ

(GLO)- 3 năm qua, Gia Lai đã từng bước tạo lập môi trường thuận lợi nhằm hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST). “Làn sóng khởi nghiệp” ngày càng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng, từng bước đi vào chiều sâu, nhất là ở lĩnh vực nông nghiệp.

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.