Trên đồng hoa tím

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gió trở mùa. Những mầm cây ưa nắng sau một mùa ngủ vùi trong đất nay được gió về ươm sức bật lên và nở ra bạt ngàn hoa tím.
Tôi đã sống ở Gia Lai ba chục năm, từng ấy thời gian vẫn chưa làm cho tôi thấu hiểu hết mảnh đất xinh đẹp này. Ví dụ hôm nay, sau những lần đi về, tôi mới biết có loài hoa nở bạt ngàn màu tím ở cách thành phố nơi tôi sống không quá xa.
Người dân trong vùng gọi là hoa kỳ lân, hoa neng nông, nhưng với đa số người đến đây người ta gọi đó là hoa tím. Tôi phải ngỡ ngàng lâu lắm mới kịp định hình và thốt lên khi đứng trước một cánh đồng bạt ngàn hoa tím.
Khi hồ nước tưới cạn đi thì cũng là lúc lòng hồ để lại lớp bùn non và bắt đầu khô hẳn. Mầm cây sau 1 năm ngâm trong nước ấy nảy lên và từ những cây bụi nhỏ bật ra những chuỗi hoa tim tím. Hoa nở rộ vào những ngày đầu năm và kéo dài khoảng 2 tháng. Từng lớp từng lớp, lớp này tàn thì lớp khác lại nở ra và ủ mầm cho những mùa sau. Như lời các bậc cao niên sống ven những hồ nước này thì không phải năm nào hoa cũng nở.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Nắng lên, những giọt sương li ti còn chiếu trên những đám hoa, lũ ong mật rù rì đua nhau kéo về chăm chỉ hút mật. Nó biến cánh đồng thành dàn nhạc với bản hòa ca của gió mây cây cối hoa cỏ và ong. Xa xa, đàn bò vẫn thủng thẳng gặm cỏ, những đứa trẻ người làng chơi quây quần bên giọt nước, chỗ mạch nước ngầm vẫn rỉ giọt trong vắt và có bóng cây um tùm che bóng như chiếc ô.
Trên vùng đất cao nguyên, hoa vẫn nở quanh năm để hút đàn ong bé xíu đi kiếm mật. Từ cỏ đuôi chồn, cỏ hồng, xuyến chi, dã quỳ, neng nông... đều là hoa dại cả, vậy mà từ cánh đồng ấy hoa bước vào khung hình với kỹ thuật số, chỉnh sửa hoa e ấp, lung linh. Rồi từ đó, nhiều hơn những người tìm đến thưởng thức loài hoa bé dại.
Tôi thường theo dõi những bài viết, những cảnh đẹp được lan truyền trên mạng xã hội về vùng đất của mình đang sống để có dịp là tôi lại đi. Nhưng dù máy ảnh, phần mềm có xịn thì cũng không thể nào bao trọn được toàn bộ cảm xúc của người trải nghiệm khi được thỏa mãn tất cả các giác quan. Đó là cánh đồng mang màu tím bạt ngàn, ngút mắt, ven đó là những rừng cao su đang đến mùa trút lá nghỉ đông. Những rặng mây trắng xốp chờn vờn trên đỉnh núi ở phía chân trời xanh ngăn ngắt.
Khi tôi viết những dòng này thì những đôi trẻ vẫn dắt nhau đi trên đám hoa tím hoang dại. Thời hiện đại, lớp trẻ nhanh nhạy, năng động hơn nên hễ chỗ nào cảnh đẹp là đến “check-in”. Tôi vui khi nhìn thấy học trò của mình đăng lên mạng xã hội những đồng hoa tím biếc. Bởi lẽ, đi để biết Gia Lai có nhiều nơi đẹp mê hồn, để khi trở về, chúng ta lại thủ thỉ cùng nhau về những bông hoa tím nở dịu dàng trong gió đông.
TÚ UYÊN

Có thể bạn quan tâm

Hvinh Nút làm du lịch cộng đồng. Ảnh: Ngọc Minh

Hvinh Nút làm du lịch cộng đồng

(GLO)- Phát huy tiềm năng, thế mạnh cảnh quan thiên nhiên cũng như bản sắc văn hóa dân tộc, anh Hvinh Nút (làng Đăk Asêl, xã Sơn Lang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) phát triển mô hình du lịch cộng đồng, mở ra hướng làm kinh tế mới, gia tăng thu nhập, tạo việc làm cho người dân địa phương.

Gia Lai: Bắt đầu từ sáng 30-6 sẽ thực hiện cấp và thu hồi mẫu con dấu khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính

Gia Lai: Bắt đầu từ sáng 30-6 sẽ thực hiện cấp và thu hồi mẫu con dấu khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính

(GLO)- Ngày 26-6, Công an tỉnh Gia Lai có Công văn số 3986/CAT-PC06 thông báo thời gian cấp, thu hồi mẫu con dấu khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đối với các cơ quan, tổ chức có trụ sở trên địa bàn tỉnh Gia Lai (cũ).

Mùa gieo sạ trên cánh đồng Đê Bar. Ảnh: Ngọc Minh

Mùa gieo sạ trên cánh đồng Đê Bar

(GLO)- Những ngày này, tại cánh đồng Đê Bar (xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) không khí lao động diễn ra tấp nập, khẩn trương, tiếng máy cày hòa cùng tiếng nói cười của người dân kỳ vọng về một mùa vụ thắng lợi.

null