Tổ khuyến nông cộng đồng Gia Lai chia sẻ kinh nghiệm, kết nối thị trường

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sau 2 năm triển khai thí điểm, mô hình tổ khuyến nông cộng đồng Gia Lai không những giúp bà con nông dân cùng chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao khoa học kỹ thuật mà còn kết nối thị trường, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất theo hướng bền vững.

Từng bước thay đổi tư duy sản xuất

Gia Lai là 1 trong 13 địa phương được Bộ Nông nghiệp và PTNT chọn triển khai Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025. Để hiện thực hóa đề án này, tỉnh đã thành lập 2 mô hình thí điểm tổ khuyến nông cộng đồng tại xã Ia Hrung (huyện Ia Grai) và Ia Băng (huyện Đak Đoa).

Trên cơ sở đó, các tổ khuyến nông cộng đồng phối hợp với một số hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất bền vững từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm.

Tổ khuyến nông cộng đồng tại xã Ia Hrung phối hợp với HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Tâm Thành (xã Ia Hrung) tổ chức 18 lớp tập huấn với hơn 1.000 lượt người tham gia. Theo đó, người dân được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cà phê, cây ăn quả theo hướng bền vững.

Ông Phạm Văn Hoàng-Giám đốc HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Tâm Thành-thông tin: “Bên cạnh phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cà phê, cây ăn quả theo hướng bền vững, chúng tôi cũng kết nối tìm đầu ra ổn định cho các thành viên. Hiện nay, chúng tôi liên kết với Công ty TNHH một thành viên Sơn Huyền Phát và Công ty TNHH Vĩnh Hiệp để canh tác cà phê theo tiêu chuẩn 4C, RA.

Ngoài việc được hướng dẫn quy trình kỹ thuật canh tác cà phê theo tiêu chuẩn, hỗ trợ phân bón, sản phẩm cà phê của người dân được các công ty thu mua cao hơn 100-200 đồng/kg so với giá thị trường”.

Các thành viên Tổ khuyến nông cộng đồng xã Ia Hrung (huyện Ia Grai) chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc cà phê. Ảnh: Q.T

Các thành viên Tổ khuyến nông cộng đồng xã Ia Hrung (huyện Ia Grai) chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc cà phê. Ảnh: Q.T

Từ khi tham gia HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Tâm Thành cũng như tổ khuyến nông cộng đồng, vườn cà phê của ông Lê Đăng Tuyến (thôn Thanh Hà 1, xã Ia Hrung) luôn cho năng suất ổn định 4-5 tấn nhân/ha.

Ông Tuyến phấn khởi cho hay: “Bên cạnh được hướng dẫn kỹ thuật canh tác cà phê bền vững, chúng tôi được Tổ khuyến nông cộng đồng, HTX liên kết với các đơn vị hỗ trợ phân bón, thuốc trừ sâu đảm bảo chất lượng cũng như tìm thị trường tiêu thụ.

Đặc biệt, Tổ khuyến nông cộng đồng đã phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên kiểm tra mẫu đất của từng hộ dân, từ đó điều chỉnh quy trình chăm sóc cà phê cho phù hợp, mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Bên cạnh đó, các tổ khuyến nông cộng đồng đã tạo điều kiện để nông dân tham gia một số mô hình, dự án sản xuất cà phê hữu cơ bền vững hay mô hình sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Lâm Quốc Triều-Giám đốc HTX Nông nghiệp, thương mại và dịch vụ du lịch sinh thái Hàm Rồng (TP. Pleiku) cho biết: Thời gian qua, tổ khuyến nông cộng đồng có những đóng góp rất tích cực cho HTX và nông dân triển khai đề án sản xuất cà phê hữu cơ tại xã Ia Băng, huyện Đak Đoa. Cụ thể, tổ khuyến nông cộng đồng phối hợp với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn bà con quy trình sản xuất cà phê từ khâu chọn giống đến kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch.

Không những vậy, tổ khuyến nông còn ghi nhận ý kiến của người dân, sau đó làm việc với cơ quan chức năng của tỉnh để xem xét, khảo sát, quy hoạch các dự án về khuyến nông phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương. Đặc biệt, dự án hỗ trợ phân bón cho nông dân trồng cà phê hữu cơ, kết nối nông dân với doanh nghiệp trong bao tiêu sản phẩm được người dân đánh giá cao.

Các thành viên Tổ khuyến nông cộng đồng tại lễ ra mắt. Ảnh: N.S

Các thành viên Tổ khuyến nông cộng đồng tại lễ ra mắt. Ảnh: N.S

Anh Dương Văn Thành-Thành viên Tổ khuyến nông cộng đồng xã Ia Băng (huyện Đak Đoa) chia sẻ: “Những hộ dân đã có kiến thức cơ bản về chăm sóc cà phê thì sẽ được hỗ trợ kỹ thuật canh tác bền vững theo hướng hữu cơ. Còn đối với các hộ người dân tộc thiểu số, kỹ thuật canh tác cà phê cũng như vấn đề quản lý tài chính còn gặp nhiều hạn chế thì Tổ khuyến nông cộng đồng chú trọng nhiều hơn đến việc tập huấn kỹ thuật, thay đổi nhận thức, hướng đến sản xuất cà phê bền vững”.

Cũng theo anh Thành, sau 2 năm đi vào hoạt động, Tổ khuyến nông cộng đồng đã gắn kết, chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nghiệp và người dân để tạo ra những hiệu ứng tích cực trong sản xuất cà phê bền vững, từng bước mang lại giá trị sản xuất cao hơn.

Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ

Trên cơ sở những lợi ích thiết thực từ 2 mô hình thí điểm tổ khuyến nông cộng đồng, các địa phương trong tỉnh đã thành lập nhiều tổ khuyến nông cộng đồng ở cơ sở.

Cuối năm 2022, HTX Sản xuất, thương mại, dịch vụ du lịch và nông nghiệp Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) phối hợp với Công ty cổ phần Nafoods Group thành lập tổ khuyến nông cộng đồng. Việc đưa tổ khuyến nông cộng đồng vào hoạt động đã nhận được sự hưởng ứng của bà con nông dân, mở ra hướng sản xuất bền vững cho cây chanh dây và sầu riêng theo chuỗi giá trị.

Ông Lê Văn Thanh-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Sản xuất, thương mại, dịch vụ du lịch và nông nghiệp Ia Mơ Nông-đánh giá: “Việc thành lập các tổ khuyến nông cộng đồng trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh hàng hóa nông nghiệp và biến đổi khí hậu là rất cần thiết.

Tổ khuyến nông có vai trò về kỹ thuật, quản lý, kết nối, hướng dẫn người dân canh tác theo hướng hữu cơ, hình thành chuỗi liên kết sản xuất đảm bảo cung ứng đầu vào và bao tiêu sản phẩm. Cùng với đó, quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Trung Quốc”.

Người dân thôn 2 (xã Ia Ka, huyện Chư Păh) chăm sóc vườn chanh dây. Ảnh: N.S

Người dân thôn 2 (xã Ia Ka, huyện Chư Păh) chăm sóc vườn chanh dây. Ảnh: N.S

Theo ông Võ Văn Tấn-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Păh: Việc thành lập tổ khuyến nông cộng đồng nhằm tăng cường công tác khuyến nông ở cơ sở. Trong đó, tập trung chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hỗ trợ thông tin thị trường, liên kết sản xuất, đa dạng hóa chức năng và phương thức hoạt động khuyến nông.

Đồng thời, lấy tổ hợp tác, hộ sản xuất giỏi, điển hình làm nền tảng để hỗ trợ nông dân sản xuất bền vững, tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp của địa phương.

“Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục tham mưu UBND huyện ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện để các HTX phối hợp với doanh nghiệp thành lập tổ khuyến nông cộng đồng, liên kết hình thành vùng nguyên liệu sản xuất tập trung gắn xây dựng thương hiệu nông sản, góp phần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường”-ông Tấn thông tin.

Tương tự, ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho hay: Ngoài Tổ khuyến nông cộng đồng tại xã Ia Băng do Sở Nông nghiệp và PTNT thành lập, huyện đã thành lập thêm 5 tổ với 60 thành viên. Bước đầu, các tổ khuyến nông cộng đồng đã góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân, giúp gắn kết, chia sẻ kinh nghiệm cũng như kết nối thị trường tiêu thụ.

Góp phần hình thành các vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn, đảm bảo cho tiêu thụ trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu. Ảnh: Q.T

Góp phần hình thành các vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn, đảm bảo cho tiêu thụ trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu. Ảnh: Q.T

Trao đổi với P.V, ông Phạm Hữu Phước-Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh-khẳng định: Các tổ khuyến nông cộng đồng đã từng bước chuyển giao khoa học công nghệ, tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh nông nghiệp hiệu quả và bền vững.

Bên cạnh đó, các tổ khuyến nông cũng đã tư vấn tổ chức quản lý sản xuất, chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, góp phần tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, bảo tồn và phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống.

“Tuy nhiên, mô hình tổ khuyến nông cộng đồng hiện còn khá mới nên các thành viên đang còn thiếu kiến thức để triển khai hoạt động tư vấn, hướng dẫn các HTX, người dân. Bên cạnh đó, người dân vẫn chưa hiểu rõ vai trò, chức năng của tổ khuyến nông cộng đồng nên việc tuyên truyền, vận động họ thực hiện các hoạt động sản xuất tập trung còn gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, các thành viên của tổ khuyến nông cộng đồng thường là cán bộ bán chuyên trách, chủ yếu làm việc trong giờ hành chính nên không có nhiều thời gian dành cho công tác này.

Cùng với đó, hoạt động khuyến nông cộng đồng chủ yếu là chuyển giao khoa học kỹ thuật, tư vấn sản xuất nông nghiệp mà chưa chú trọng đến phát triển thị trường, liên kết theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc...

Đặc biệt, các tổ khuyến nông cộng đồng hiện chưa có nguồn kinh phí và chưa tạo ra được nguồn thu từ các hoạt động khuyến nông. Do đó, các cấp, các ngành cần có cơ chế, chính sách cụ thể, nhất là hỗ trợ kinh phí để tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả”-Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm

Các sản phẩm khởi nghiệp thu hút người tiêu dùng tại Ngày hội khởi nghiệp tỉnh Gia Lai năm 2024. Ảnh: M.K

“Làn sóng khởi nghiệp” chuyển động mạnh mẽ

(GLO)- 3 năm qua, Gia Lai đã từng bước tạo lập môi trường thuận lợi nhằm hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST). “Làn sóng khởi nghiệp” ngày càng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng, từng bước đi vào chiều sâu, nhất là ở lĩnh vực nông nghiệp.

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.