Tổ chăm sóc hoa phong lan: Mô hình sáng tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Hội Nông dân thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Pah, Gia Lai) đã có nhiều nỗ lực đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt, trong đó có việc triển khai mô hình Tổ nghề nghiệp chăm sóc hoa phong lan thôn 4.
Anh Nguyễn Văn Để (thôn 4, thị trấn Phú Hòa) theo đuổi thú chơi hoa phong lan từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, niềm đam mê này chỉ dừng lại ở một thú chơi thuần túy. Cũng bởi thiếu kiến thức, chăm sóc sai cách nên nhiều giò lan có giá trị của anh bị chết. Thế nhưng, đầu năm 2019, mọi chuyện thay đổi hoàn toàn khi anh gia nhập Tổ nghề nghiệp chăm sóc hoa phong lan thôn 4 do Hội Nông dân thị trấn Phú Hòa thành lập với 10 hội viên. Anh Để cho biết: “Tại đây, tôi được anh em chia sẻ cách trồng, chăm sóc hoa phong lan. Tất cả các kiến thức đều rất bổ ích, bởi đây là loài hoa “khó chiều”. Đôi khi, cùng một chủng loại nhưng chúng đòi hỏi chế độ dinh dưỡng, ánh sáng khác nhau. Nếu người chơi không nắm bắt rõ thì cây dễ chết hoặc khó phát triển”. Nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ anh em trong tổ, anh Để giờ đây đã trở thành tay chơi lan có tiếng. Vừa qua, anh đã xuất đi giò lan trị giá 250 triệu đồng, góp phần đáng kể vào nguồn lợi kinh tế gia đình.
 Bà Nguyễn Thị Mỹ Hậu-Chủ tịch Hội nông dân thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Pah)thăm tổ nghề nghiệp chăm sóc hoa phong lan tại thôn 4. Ảnh: B.L
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hậu-Chủ tịch Hội nông dân thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Pah) thăm tổ nghề nghiệp chăm sóc hoa phong lan tại thôn 4. Ảnh: B.L
Với hơn 20 năm kinh nghiệm chơi lan và làm giàu từ loài hoa này, anh Chung Hoàng Thu-được anh em hội viên tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng. Anh Thu đang xây dựng kế hoạch triển lãm hoa, đấu giá để gây dựng nguồn quỹ, giúp hội viên phát triển kinh tế. Anh Thu nói: “Tôi rất đồng tình với việc thay đổi nội dung và hình thức hoạt động của Hội Nông dân khi tùy từng loại hình sản xuất, kinh doanh mà có cách hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển phù hợp. Ví như Tổ nghề nghiệp chăm sóc hoa phong lan của chúng tôi, tuy không nhiều hội viên nhưng hoạt động lại rất hiệu quả. Tất cả anh em đều chung tay giúp tổ phát triển, từ chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc đến các nguồn giống quý...”.
Không vội vàng phát triển về số lượng, Hội Nông dân thị trấn Phú Hòa đang chuẩn bị cho sự ra đời của các Tổ nghề nghiệp chăm sóc hoa phong lan từng khu dân cư. Trao đổi thêm về cách làm này, bà Nguyễn Thị Mỹ Hậu-Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phú Hòa-chia sẻ: “Nhận thấy trên địa bàn thị trấn có nhiều người chơi lan nhưng chưa biết cách tạo ra nguồn thu từ thú chơi này, Hội quyết định thành lập Tổ nghề nghiệp chăm sóc hoa phong lan thôn 4 để hỗ trợ hội viên. Sau gần 1 năm hoạt động, tổ nghề nghiệp này phát triển khá tốt”. Hiện Hội Nông dân thị trấn đang chọn mỗi thôn 1 hội viên đam mê, tâm huyết với hoa phong lan để tham gia vào Tổ nghề nghiệp chăm sóc hoa phong lan thôn 4. Mục đích là giúp họ học hỏi kinh nghiệm, sau đó Hội sẽ hỗ trợ thành lập tổ nghề tại từng khu dân cư. Bên cạnh đó, Hội Nông dân thị trấn còn hỗ trợ hội viên đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm thực tế tại các địa phương khác.
Trao đổi với P.V, bà Lê Thị Ánh Dương-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Pah-đánh giá: “Mô hình Tổ nghề nghiệp chăm sóc hoa phong lan do Hội Nông dân thị trấn Phú Hòa triển khai đã mang lại hiệu quả tích cực. Tổ nghề nghiệp đã nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của hội viên nên có điều kiện phát triển trong tương lai gần. Tôi đánh giá cao sự năng nổ, nhiệt tình của đội ngũ cán bộ Hội Nông dân thị trấn Phú Hòa khi thường xuyên gặp gỡ, sâu sát với từng hội viên, tạo điểm tựa cho hội viên trong phát triển kinh tế”.
 BẢO LAM

Có thể bạn quan tâm

“Hồi sinh” giống lúa cổ của người Bahnar, Jrai

“Hồi sinh” giống lúa cổ của người Bahnar, Jrai

(GLO)- Lúa Krol, lúa Đá là những giống lúa rẫy truyền đời của người Bahnar, Jrai. Trải qua bao biến thiên thăng trầm, tưởng rằng những “hạt ngọc của trời” này đã biến mất. Vậy nhưng, với sự nỗ lực bảo tồn của người dân và chính quyền địa phương, 2 giống lúa cổ từng bước được “hồi sinh”.

Tìm lại hương cà phê xưa

Tìm lại hương cà phê xưa

(GLO)- Robusta sẻ và Yellow Bourbon là 2 dòng cà phê xuất hiện vào những năm cuối thế kỷ XIX khi người Pháp đưa vào trồng tại các đồn điền ở Việt Nam.

Công nhân Công ty 72 thu hoạch mủ cao su. Ảnh: T.T

Ân tình 72

(GLO)- Hơn 50 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, người lao động của Công ty TNHH một thành viên 72 (Binh đoàn 15) đã biến vùng đất cằn cỗi, hoang hóa trở thành nơi bạt ngàn cao su, cà phê, chung tay góp sức giúp người dân miền biên viễn gầy dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Ảnh: Đ.M.P

Một lần thăm trại thương binh

(GLO)- Dù tỉnh Kon Tum đã “ra riêng” từ lâu, nhưng ký ức về một thời chung tỉnh vẫn còn mãi trong tôi. Đặc biệt là lần tôi được tháp tùng Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Sỹ đến thăm Trại thương binh nặng của tỉnh Gia Lai-Kon Tum, khi ấy đóng ở thị xã Kon Tum hồi cuối tháng 12-1989.

Quan tâm, chăm lo Tết cho người uy tín tiêu biểu

Quan tâm chăm lo Tết cho người có uy tín tiêu biểu

(GLO)- Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 cận kề, Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai tổ chức các đoàn đến thăm, tặng quà người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đây là hoạt động thiết thực thể hiện sự quan tâm, động viên đối với “điểm tựa của mọi điểm tựa”.