Tình đất Sa Thầy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hôm rồi, tôi cùng Nguyễn Đức Minh-phát thanh viên của đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai làm một chuyến Kon Tum trong những ngày tháng ba đầy nắng. “Con ngựa chiến” của Đức Minh dở chứng cứ ậm ạch mãi. Hai anh em ghé vào quán nước mía gần đường.

Tôi lôi điện thoại gọi cho ông anh ở Kon Tum báo cáo tình hình, bên kia ông anh giọng nôn nóng “Gớm, đi xe rùa lên đây hay sao thế”? Anh đợi bọn em nãy giờ rồi đó. Tôi trả lời anh rồi tắt máy giục Đức Minh lên đường, chặng này tôi cầm lái.

Thành phố Kon Tum hiện ra trước mắt với dọc ngang những con đường lớn nhỏ, được anh báo trước chúng tôi đến chỗ hẹn vẫn áo pull, quần kaki cùng đôi giày thể thao đơn giản. Sau cái bắt tay, anh nói: Anh đưa cháu nó xuống đây khám răng, đợi anh tý rồi anh em lên nhà luôn. Nhà anh ở huyện Sa Thầy cách đây những 30 km nữa. Thì chờ và cũng nghỉ ngơi luôn một thể.

 

Đoạn đường qua xã Chư Mo Ray, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Ảnh: N.G
Đoạn đường qua xã Chư Mo Ray, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Ảnh: N.G

Đường lên Sa Thầy còn gập ghềnh sỏi đá, đôi đoạn chỉ một chiếc xe đi trước thôi thì người đi sau chả trông thấy gì ngoài bụi và bụi. Bụi bốc thành cột, thành đám đỏ au, dính vào quần áo, thành những lớp dày tạo nên những model mới mà đôi khi những nhà thiết kế cũng phải chào thua. Đức Minh bảo: Kiểu nào về em cũng phải viết một bài thơ và bài ký về cuộc này mới được. Tôi bảo: Ừ! Nếu viết ký em lấy ngay tít “Kinh hoàng Sa Thầy” luôn nhé.

Minh cười toe rồi đập mạnh vào vai tôi bảo: Anh chạy chậm thôi để em còn nháy ít pô hình. Dọc hai bên đường là những bạt ngàn cao su đang hứa hẹn cho một ngày mai no ấm, những cánh lá mỏng manh ken vào nhau lạo xạo như mừng, như trẩy hội. Xe chúng tôi đi qua một làng nào đó không kịp biết tên, nhìn những nếp nhà sàn san sát được xây dựng vững chắc bằng bê tông, một con người sống bằng hoài niệm như tôi lại thấy ngổn ngang cảm xúc. Vui rất nhiều bởi cuộc sống của bà con nơi đây đang khởi sắc, ấm no, đủ đầy nhưng lại buồn vì những nét văn hóa đẹp đẽ đang dần mất đi. Thèm lắm được thấy những thiếu nữ Tây Nguyên khỏe khoắn trong những vòng xoang, sặc sỡ trong những trang phục thổ cẩm đặc trưng cho dân tộc mình trong những ngày hội.

Thèm lắm được nghe tiếng cồng chiêng rộn rã vang lên trong mái nhà rông giữa ngút ngàn xanh của núi, của rừng. Lo lắm, bởi biết đâu sau này những đứa trẻ dân tộc thiểu số lớn lên nghe bố mẹ kể về tiếng cồng chiêng đêm hội mà nghe như chuyện ở tận cung trăng. Mừng vì sự hòa đồng trong cuộc sống của trẻ em dân tộc thiểu số và cũng lo âu một điều tương tự thế.

 

Ảnh: Hà Công Trường
Ảnh: Hà Công Trường

Tôi thắng xe gấp trong khi Đức Minh mải mê cho những bức hình không để ý va vào lưng tôi một cái rõ mạnh theo quán tính. Chạy gì kỳ vậy anh? Không trả lời Minh, tôi đưa tay chỉ bên kia đường. Đức Minh nhìn theo để rồi như tôi lặng lẽ rời xe và bấm máy lia lịa. Bên kia đường, cạnh cây cổ thụ một mái nhà rông nằm yên bình, trầm mặc, đơn sơ và vẹn nguyên. Mái nhà được lợp bằng tranh, thứ cỏ tranh ken dày trên những vạt đồi thoai thoải và cả ven lối đi được cắt về phơi khô kết lại, bốn mặt bên được che bằng phên nứa.

Tôi mừng đến ứa nước mắt, không ngờ nơi đây vẫn còn gặp được một ngôi nhà rông của thuở nguyên sơ hoang hoải, không một chút pha trộn của mái ngói, bê tông. Chúng tôi bấm máy lia lịa và chỉ dừng khi chuông điện thoại reo lên ầm ĩ. Giọng ông anh tôi thảng thốt lo âu: Hai em đến đâu rồi? Nhanh lên chứ? Có gì trục trặc trên đường đi à? Không có gì đâu anh ạ! Bọn em tới liền đây. Lần này, Đức Minh cầm lái còn tôi ngồi sau để nghe tiếng gió ù ù bên tai và tâm hồn hãy còn vương vấn nơi nhà rông trầm mặc ấy.

Anh Tài đón chúng tôi rồi phân trần: Tiếc quá! Đáng lẽ ra có món tiết canh ai ngờ nhờ người ta làm nhưng họ không hãm tiết. À! Hai em làm gì mà lâu vậy. Chúng tôi tranh nhau trả lời, tranh nhau cho anh xem hình quên cả cái nắng đang chiếu và mặt rát bỏng và quên cả rằng vẫn đứng giữa đường mà huyên thuyên đủ thứ, chỉ đến khi chị Hoan vợ anh bưng mâm lên và gọi vào thì anh em chúng tôi mới ngỡ ngàng-ngỡ ngàng vì nhiều người tò mò đang nhìn và cả những em nhỏ vây quanh nhìn lên như nhìn một sinh vật gì lạ lắm.

Ngồi vào bàn, sau khi anh Tài bấm điện thoại để gọi thêm một vài người bạn, tôi giới thiệu anh với Nguyễn Đức Minh:-Giới thiệu với Đức Minh đây là anh Trương Anh Tài-hiệu trưởng một trường tiểu học-một nhà thơ của Hội Văn học-Nghệ thuật Kon Tum. Điều thú vị nữa là trong dịp thơ Nguyên tiêu được tổ chức khá hoành tráng tại thành phố Kon Tum vừa rồi anh đã đạt giải nhất trong một cuộc thi sáng tác thơ chủ đề “Biển đảo quê hương”, mà thể lệ cuộc thi ấy hay ở chỗ tác giả phải sáng tác ngay tại đó một bài thơ bốn câu hoàn chỉnh chỉ trong vòng 45 giây. Cuộc thi ấy có những người tiếng tăm như: Tạ Văn Sĩ, Hồng Thủy Tiên, Y Việt Sa… Đức Minh suýt ngã ngửa cũng phải thôi bởi làm thơ không phải dễ trong khi nó lại được hạn định thời gian, xưa có Tào Phi đi 7 bước viết được một bài thơ thì nay có lẽ Trương Anh Tài còn hơn thế.

Người đời thường bảo: “Thế gian được vợ mất chồng”, vậy mà, nhà anh lại được cả hai. Chị Hoan vợ anh là một hiệu trưởng giỏi giang, hiền hậu là hậu phương vững chắc cũng là người bạn tâm tình, một độc giả trung thành của anh. Nụ cười luôn nở trên môi và đôi lúc cũng tếu táo cười vang trong căn nhà ấm cúng. Anh Tài nhấc điện thoại nhoay nhoáy bấm số trong khi chờ bên kia trả lời anh bảo: Để anh góp thêm mấy người bạn nhậu cho vui chứ có ba anh em ngồi vậy kỳ lắm.

Đợi thêm một lát hai người bạn của anh đến, lại bắt tay làm quen, lại cạn chén nghĩa, chén tình. Thời gian trôi nhanh theo sự biến đổi màu sắc trên từng khuôn mặt đỏ gay vì men rượu cay nồng lâng lâng. Anh Tùng, anh Chiến nhìn đồng hồ và bắt tay mọi người để đi làm-hai anh là công nhân công trình mà. Cái bắt tay đầy luyến lưu, đầy tình nghĩa dẫu biết rằng tối nay hãy còn gặp lại và hãy còn chén chú chén anh cho đậm đà, cho ngất ngây men nồng Kon Tum.

Còn lại ba chúng tôi, tôi đề nghị được đi tham quan một số nơi tại Sa Thầy, anh Tài tình nguyện làm hướng dẫn viên cho chuyến đi. Chúng tôi chạy xe ra con suối gần đỉnh Chư Mo Ray “bạc đầu mây trắng”. Ở đây, anh em chúng tôi tranh thủ tạo dáng lưu lại cho mình những hình ảnh đầy kỷ niệm. Tôi đến chỗ hai người chích cá (dùng bình điện để chích cho cá bị chết giả và bắt), sau một hồi liến thoắng họ đồng ý bán cho tôi cỡ một ký cá với giá mười ngàn đồng.

Khi tôi xách cá về cũng là lúc anh Tài và Minh chuẩn bị lên xe. Đến nhà lúc hoàng hôn đã khuất bóng, đêm đang xuống dần, chị Hoan tất tả chuẩn bị bữa cơm tối trong khi anh em chúng tôi tắm rửa nghỉ ngơi. Bữa cơm tối thịnh soạn với một em cá trắm gần ba ký hấp, cùng món cá suối chiên giòn, rượu sâm Ngọc Linh được rót đều để cùng nâng ly nhấm nháp thêm chút dư vị cay nồng, ấm áp của thân thuộc, của gần gụi đầm ấm trong không khí gia đình.

Đêm duềnh dàng lênh láng trong ánh trăng, con đường như sông theo từng nhấp nhô của đường. Bên một quán cà phê mộc mạc bình dị, thêm một vài người bạn lạ quen qua những cái bắt tay giới thiệu lại rộn ràng tiếng cười đùa, không còn khoảng cách chỉ biết rằng đã thân thiết, dạt dào tình.

Sớm mai, khi bình minh ló dạng, chúng tôi giã biệt gia đình anh chị để làm một chuyến lên Măng Đen, trong cái nắm tay thật chặt đầy lưu luyến, đầy níu kéo, lên xe rồi mà cứ dùng dằng nửa ở nửa đi. Thôi tạm biệt nhé Sa Thầy, tạm biệt nhé những người vừa kịp quen, kịp biết, tạm biệt nhé nửa chuếnh choáng trong hoàng hôn vàng ưởm trong men rượu cay nồng… Tạm biệt nhé để mong lần ghé lại, mảnh đất vừa đặt chân đã thấy tựa quê hương.

Hà Công Trường

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.