Tiếp sức cho nông dân trồng mắc ca

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thực nghiệm nhiều mô hình trồng cây mắc ca tại các huyện và TP. Pleiku với diện tích hơn 300 ha. Trong đó, riêng huyện Kbang có 220 ha. Để nông dân trồng cây mắc ca đạt năng suất cao, mở rộng diện tích, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam vừa phối hợp với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostbank) tổ chức hội thảo hỗ trợ nông dân kiến thức về trồng, chăm sóc cây mắc ca và tư vấn nông dân vay vốn.

Nông dân tham quan mô hình trồng mắc ca tại xã Đak Rong, huyện Kbang. Ảnh: N.T
Nông dân tham quan mô hình trồng mắc ca tại xã Đak Rong, huyện Kbang.   Ảnh: N.T

Theo Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, cây mắc ca tương đối thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng một số vùng ở Tây Nguyên; tỷ lệ cây sống cao, sâu bệnh ít, thời gian trồng đến khi thu bói khoảng 3-5 năm. Vì vậy, năm 2010, hộ ông Đoàn Hữu Công (xã Đak Rong, huyện Kbang) đã tiên phong trồng xen canh 3 ha cây mắc ca với cà phê. Năm 2014, ông thu bói được 140 kg quả khô. Đến năm 2015, trung bình mỗi cây cho năng suất khoảng 30 kg và được thương lái mua với giá 100.000-140.000 đồng/kg. Ông Công phấn khởi: “Trồng cây mắc ca tương đối dễ và nhàn hơn so với cây khác. Hiện nay, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã cam kết đầu ra cho sản phẩm nên tôi rất yên tâm và dự định vay vốn để mở rộng diện tích vườn cây”.

Mới đây, vào ngày 3-4, tại xã Đak Rong (huyện Kbang), Hiệp hội Mắc ca Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, UBND huyện Kbang tổ chức Hội thảo đầu vườn và tư vấn vay vốn trồng, chăm sóc cây mắc ca, thu hút 400 nông dân ở các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Nam và TP. Hồ Chí Minh tham dự. Tại đây, bà con nông dân đã được hướng dẫn chi tiết về cách chọn giống, cách trồng và chăm sóc cây mắc ca. Đồng thời, bà con còn được tham quan mô hình trồng cây mắc ca tại xã Đak Rong. Ông Trần Xuân Vinh (thôn 10, xã Đak Ring, huyện Đak Hà, tỉnh Kon Tum) vui vẻ nói: “Nhà tôi có 200 ha mắc ca. Hiện vườn cây đã cho thu hoạch 40-50 kg/cây. Đến với hội thảo, tôi đã chia sẻ kinh nghiệm trồng và sử dụng vốn hợp lý, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân. Đồng thời, tôi cũng học hỏi thêm được kinh nghiệm từ Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và từ thực tiễn khi tham quan nhà vườn tại địa phương”.

 

Ngân hàng Bưu điện Liên Việt sẽ hỗ trợ vốn và kỹ thuật cho người trồng mắc ca. Ảnh: N.T
Ngân hàng Bưu điện Liên Việt sẽ hỗ trợ vốn và kỹ thuật cho người trồng mắc ca.  Ảnh: N.T
Ông Nguyễn Tấn Nghĩa-Giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt-Chi nhánh Gia Lai: “Ngân hàng Bưu điện Liên Việt sẽ tài trợ cho vay chi phí giống, chăm sóc cây mắc ca với mọi đối tượng, lãi suất ưu đãi và việc trả gốc-lãi một cách linh hoạt mà không mất bất cứ một loại phí nào. Hiện Ngân hàng có 13 ngàn tỷ đồng để giải ngân cho trồng và chăm sóc cây mắc ca. Nông dân sẽ được nhân viên Ngân hàng hướng dẫn tỉ mỉ các sản phẩm cho vay, thủ tục vay, đảm bảo quyền lợi cho nông dân”.

Mắc ca hiện đang được trồng xen trong các diện tích cà phê già cỗi tại một số xã của huyện Kbang như: Sơn Lang, Đak Rong, Sơ Pai, Krong... Hầu hết diện tích cây này đều sinh trưởng tốt và đã cho thu hoạch. Nếu sản lượng bình quân đạt 4 tấn/ha, có đầu ra ổn định, trừ chi phí, mỗi ha có thể thu lãi khoảng 100 triệu đồng/năm.

Tại hội thảo, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cũng đưa ra những chỉ dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch mắc ca đạt hiệu quả cao. Ông Huỳnh Ngọc Huy-Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, thành viên độc lập Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt chia sẻ: “Hiểu rõ những khó khăn của người trồng và lợi ích của cây mắc ca mang lại, chúng tôi đã phối hợp với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt để cấp giống, hướng dẫn bà con quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mắc ca. Đồng thời, Hiệp hội cũng đang nghiên cứu thu mua để hủy bỏ những vườn mắc ca không hiệu quả, giúp người dân có điều kiện đầu tư trồng mới vườn mắc ca có năng suất, chất lượng cao. Mặt khác, chúng tôi cũng đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm để nông dân yên tâm canh tác”.

Với những ưu điểm như giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương mà chi phí chăm sóc thấp, vốn bỏ ra không nhiều, phù hợp với trình độ canh tác của dân bản địa... huyện Kbang đã có chủ trương nhân rộng mô hình trồng cây mắc ca. Ông Võ Văn Phán-Chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết: Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã ký cam kết với huyện để cung cấp vốn vay, kỹ thuật, cây trồng, nơi tiêu thụ cho nông dân. Đồng thời hỗ trợ làng Krong xây dựng hệ thống nước tự chảy và cây giống mắc ca cho 100 ha của làng. Phía Hiệp hội sẽ mở lớp tập huấn, hội thảo để tư vấn cho bà con kỹ thuật canh tác và xây dựng nhà máy sơ chế mắc ca khi diện tích được mở rộng lên 600-700 ha... nhằm giúp bà con nông dân ổn định kinh tế, vươn lên làm giàu.

 Ngọc Thu

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.