Tiếp cận kiến thức từ lớp tin học miễn phí

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Lớp tin học văn phòng miễn phí do Trung tâm học tập cộng đồng phường Chi Lăng (TP. Pleiku) phối hợp với Trường THPT Chi Lăng triển khai đã giúp cho các học viên có thêm kỹ năng về tin học để tiếp cận các tiện ích từ môi trường mạng nhằm phục vụ cho cuộc sống.

7 giờ tối chủ nhật ngày 24-3, 30 học viên làng Ia Lang đã có mặt đông đủ tại Trường THPT Chi Lăng để tham gia lớp học. Dưới sự hướng dẫn của giảng viên, các học viên học tập với tinh thần nghiêm túc nhưng không kém phần hào hứng.

Lớp học đã thu hút 30 học viên tham gia. Ảnh: Nhật Hào

Lớp học đã thu hút 30 học viên tham gia. Ảnh: Nhật Hào

Là người lớn tuổi nhất lớp nhưng buổi học nào già Puih Chih cũng đều có mặt từ sớm. Già Chih phấn khởi cho biết, lớp học tin học rất thiết thực đối với già, nhất là sẽ phục vụ cho việc làm một vài báo cáo có liên quan ở làng hay tìm kiếm kinh nghiệm sản xuất. “Tuy mới học được thời gian ngắn nhưng tôi và mọi người đã nắm được một số kiến thức cơ bản về tin học như: biết gõ chữ tiếng Việt, biết cách soạn thảo văn bản”-già Chih nói.

Tương tự, tối thứ 7 và chủ nhật tuần nào, chị H'Khăi (40 tuổi) cũng dẫn theo con gái Puih H'Yiệp (13 tuổi) đến lớp học. Chị cho biết, từ trước đến nay, chị chưa được tiếp cận với máy tính. Vì thế, chị muốn tham gia để mở mang kiến thức và tiếp cận các thông tin, kinh nghiệm hay trong sản xuất từ mạng internet. Ngoài ra, lý do quan trọng hơn là chị muốn con gái H'Yiệp có thêm kiến thức tin học phục vụ cho việc học tập. “Hiện nay, cả tôi và con gái đều đã biết gõ kiểu chữ tiếng Việt trên máy tính. Tôi cũng đang tập soạn thảo các văn bản”-chị H'Khăi phấn khởi nói. Còn em H'Yiệp thì bộc bạch: "Lên lớp học này, em vừa có máy tính để học vừa được thầy giáo chỉ tường tận. Nhờ biết gõ đúng tiếng Việt, em tìm kiếm tài liệu học tập nhanh và chính xác hơn”.

.Lãnh đạo Đảng ủy, UBND phường và các Hội, đoàn thể phường Chi Lăng thường xuyên có mặt tại các buổi học để động viên các học viên tích cực học tập. Ảnh: Nhật Hào

.Lãnh đạo Đảng ủy, UBND phường và các Hội, đoàn thể phường Chi Lăng thường xuyên có mặt tại các buổi học để động viên các học viên tích cực học tập. Ảnh: Nhật Hào

Hiểu được tính thiết thực của lớp học, chị H’Tinh-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Ia Lang cũng đã vận động chồng và con trai (10 tuổi) đăng ký tham gia lớp học. Chị H’Tinh cho biết, lớp học rất bổ ích, nhất là giúp chị biết soạn thảo văn bản để phục vụ cho việc làm các báo cáo hàng tháng và một số kiến thức về Excel để tổng hợp các số liệu liên quan. Riêng đối với chồng và các con thì đây là cơ hội tốt để tiếp cận các kinh nghiệm từ internet vào sản xuất và học tập. “Hiện nay, tôi đang chuyển qua học thêm về các thao tác cơ bản trên bảng tính Excel. Tới đây, tôi sẽ học cách soạn giảng trên PowerPoint để phục vụ cho việc tuyên truyền tại các cuộc họp làng được sinh động và hiệu quả hơn”-Chị H’Tinh dự tính.

Cũng theo chị H’Tinh, làng Ia Lang hiện có 315 hộ với 1.571 khẩu. Trình độ tin học của người dân còn thấp nên việc tổ chức lớp học tin học miễn phí là rất thiết thực. Qua theo dõi, mọi người rất chăm chỉ học tập. Nhiều người đã áp dụng các kiến thức đã học vào truy cập các thông tin bổ ích phục vụ cho cuộc sống, sản xuất. Đặc biệt là hệ thống các cán bộ quân dân chính của làng đã biết cách soạn thảo các văn bản để phục vụ cho việc làm báo cáo hàng tuần, hàng tháng ở địa phương.

Các giáo viên trực tiếp chỉ dẫn cho từng người nên các học viên tiếp thu nhanh hơn. Ảnh: Nhật Hào

Các giáo viên trực tiếp chỉ dẫn cho từng người nên các học viên tiếp thu nhanh hơn. Ảnh: Nhật Hào

Theo chương trình phối hợp, lớp học diễn ra trong thời gian 3 tháng (từ tháng 3 đến tháng 5-2024) và được tổ chức trong các buổi tối thứ 7, chủ nhật hàng tuần tại Trường THPT Chi Lăng. Các học viên sẽ được trang bị các kiến thức cơ bản về tin học văn phòng như: soạn thảo trên Word; các thao tác cơ bản trên bảng tính Excel; cách soạn giảng trên PowerPoint (do giáo viên tự soạn giáo án điện tử); hướng dẫn cách cài đặt các phần mềm cơ bản như: Word, Excel, font tiếng Việt-Unikey, cách diệt virut cho máy tính, cách khắc phục các sự cố về máy tính…

Để lớp học đạt kết quả tốt, Trường THPT Chi Lăng đã bố trí 2 giáo viên chuyên ngành tin học; đồng thời, bố trí phòng học riêng với 30 máy tính để tạo thuận lợi cho học viên trong quá trình học tập. Trong ngày khai giảng lớp học, nhà trường cũng tặng thêm 3 máy tính xách tay để các học viên thực hành tại địa phương. Trực tiếp giảng dạy tại lớp học, thầy Đồng Ánh Dương phấn khởi chia sẻ: "Tôi rất bất ngờ khi các học viên đi học đều đặn và tiếp thu rất nhanh. Hiện tại, chúng tôi đang giảng dạy tin học theo chương trình IGCSE (chứng chỉ Giáo dục Trung học Phổ thông Quốc tế). Kết thúc khóa học, chúng tôi sẽ chọn những học viên tiêu biểu tham dự khóa thi để lấy chứng chỉ IGCSE do nhà trường phối hợp với tổ chức liên quan triển khai".

Chị H'Tinh chỉ cho con trai cách soạn thảo văn bản tại lớp học. Ảnh: Nhật Hào

Chị H'Tinh chỉ cho con trai cách soạn thảo văn bản tại lớp học. Ảnh: Nhật Hào

Tương tự, Đảng ủy, UBND phường Chi Lăng cũng chỉ đạo các Hội, đoàn thể tích cực phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng, ban nhân dân chính của làng Ia Lang để tuyên truyền, vận động người dân tham gia lớp học; hỗ trợ thêm văn phòng phẩm để tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình học tập. Đồng thời, thường xuyên có mặt khi buổi học diễn ra để động viên người dân tích cực học tập để tạo ra kết quả tốt nhất.

Trao đổi với P.V, Bà Hồ Thị Ngọc Huyền-Bí thư Đảng ủy phường Chi Lăng cho biết: Phường hiện có 9 thôn, làng, trong đó có 3 làng đồng bào dân tộc thiểu số. Trình độ về tin học của người dân tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Do đó, lớp học được triển khai nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng tin học cho người dân để từ đó truy cập các thông tin bổ ích từ internet nhằm phục vụ cho công việc, sản xuất; đồng thời, giúp người dân có điều kiện sử dụng các dịch vụ số mà trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ y tế số, sử dụng mạng xã hội, mua bán trực tuyến, nhất là các hoạt động thanh toán điện tử trong giai đoạn hiện nay… Qua đó, góp phần từng bước tích hợp công nghệ số một cách tự nhiên vào mọi mặt của đời sống xã hội để thực hiện phát triển xã hội số, nhằm chuyển đổi số theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.

Có thể bạn quan tâm

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

(GLO)- Cuối tháng 10 vừa qua, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức lễ tổng kết và trao giải Đại sứ văn hóa đọc năm 2024. em Bùi Phạm Thùy Linh-Học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Kim Đồng (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đã đạt giải nhì toàn quốc và giải “Truyện ngắn khuyến đọc hay nhất”.