Thủy điện 750 tỉ đình đốn, dân mất đất sản xuất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong quá trình triển khai dự án, giám đốc cùng nhiều thuộc cấp bị truy tố khiến thủy điện Nước Chè có vốn đầu tư hàng trăm tỉ đồng đành 'đứng bánh' và người dân cũng mất luôn đất sản xuất.

Thủy điện Nước Chè nằm trên 2 xã Phước Năng và Phước Mỹ (H.Phước Sơn, Quảng Nam) “đứng bánh” nhiều tháng nay. Ảnh: MẠNH CƯỜNG
Thủy điện Nước Chè nằm trên 2 xã Phước Năng và Phước Mỹ (H.Phước Sơn, Quảng Nam) “đứng bánh” nhiều tháng nay. Ảnh: MẠNH CƯỜNG
Sau thời gian tạm dừng hoạt động do nhiều nguyên nhân, đến tháng 6.2018, dự án thủy điện Nước Chè do Công ty CP thủy điện Nước Chè làm chủ đầu tư tại H.Phước Sơn (Quảng Nam) bắt đầu triển khai lại. Dự án có tổng diện tích khoảng 120 ha, công suất 30 MW, vốn đầu tư khoảng 750 tỉ đồng, ảnh hưởng đến gần 1.000 hộ dân 2 xã Phước Năng, Phước Mỹ (H.Phước Sơn)...
Vướng án hình sự
Triển khai được hơn 2 năm, đến ngày 19.8.2020, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Nam bắt quả tang một nhóm người là nhân viên Công ty TNHH Hoàng Nhi, Công ty TNHH MTV Hoàn Thiện có hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ ngay tại công trình thi công thủy điện (địa bàn xã Phước Năng). Vật chứng thu giữ gồm 460 thỏi chất dẻo (mỗi thỏi 1 kg), 61 kíp nổ điện, 10 cuộn dây truyền nổ và tạm giữ một số đồ vật khác.
Khám xét khẩn cấp kho vật liệu nổ của Công ty TNHH Hoàng Nhi tại công trường thi công thủy điện Nước Chè (thuộc địa bàn xã Phước Mỹ), Cơ quan An ninh điều tra thu giữ 117 thùng thuốc nổ còn nguyên đai, nguyên kiện (mỗi thùng nặng 24 kg). Qua điều tra, Cơ quan An ninh điều tra xác định Công ty TNHH MTV Hoàn Thiện lợi dụng giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp được cấp tại các hạng mục công trình thủy điện Nước Chè cấu kết với Công ty TNHH Hoàng Nhi lập khống hồ sơ, lừa dối cơ quan chức năng để mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ tại công trình.
Mở rộng vụ án, ngày 30.8.2020, Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp Công an tỉnh Gia Lai thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Hồ Sỹ Thái (48 tuổi, ở TP.Pleiku), Giám đốc Công ty CP thủy điện Nước Chè, để điều tra về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ.
Trao đổi với PV Thanh Niên, thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết đơn vị đã khởi tố vụ án, khởi tố 8 bị can liên quan để điều tra về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ. Trong đó, Hồ Sỹ Thái đã được người nhà bảo lãnh tại ngoại vì lý do sức khỏe. “Ông Thái được cho tại ngoại hôm trước Tết Nguyên đán 2021. Hiện 7 bị can còn lại vẫn đang bị tạm giam. Cơ quan An ninh điều tra đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án”, thiếu tướng Dũng nói.

Ống dẫn dòng nằm ngổn ngang tại công trường. ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Ống dẫn dòng nằm ngổn ngang tại công trường. ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Lấn chiếm rừng phòng hộ
Sau khi xảy ra vụ án, dự án thủy điện Nước Chè đã dừng thi công và bỏ không nhiều tháng nay. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên vào ngày 19.3, bờ đập chính của dự án được xây dựng kiên cố. Đập dài gần 200 m, cao hàng chục mét cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, nhiều hạng mục khác vẫn đang bỏ dở khi đang thi công, sắt, thép, máy móc… ngổn ngang trên công trường. Đặc biệt, bên vai phải và trái của bờ đập về phía thượng nguồn bị sạt lở nghiêm trọng do đợt mưa lũ cuối năm 2020.
Ông Hồ Văn Phương (42 tuổi, thôn 1, xã Phước Năng) cho biết gia đình ông có mảnh đất rẫy khá lớn, chuyên trồng chuối và cây keo, bị san ủi để làm đường dẫn ống trong quá trình thi công thủy điện Nước Chè, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ, đền bù. “Chủ đầu tư nói chờ, mà chờ mãi mấy năm nay vẫn chưa thấy, đi đòi miết vẫn không được. Công trình giờ dừng thi công, gia đình mình mất luôn đất sản xuất. Hàng chục gia đình khác cũng lâm cảnh tương tự”, ông Phương buồn bã nói.
Trước khi hoạt động lại, chúng tôi nhất quyết yêu cầu phải bồi thường tiền trước cho dân mới cho làm
Ông Hồ Văn Khu, Chủ tịch UBND xã Phước Năng
Ông Hồ Văn Bê, Chủ tịch UBND xã Phước Mỹ, cho biết có khoảng 80 hộ dân ở địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp với khoảng 60 ha đất rẫy trong lòng hồ. Hiện địa phương đã đo đạc, kiểm đếm xong nhưng vẫn chưa được áp giá đền bù. Ngoài ra, do chủ đầu tư ngăn đập nên đợt mưa lũ cuối năm 2020 nước dâng cao gây hư hỏng nhiều hoa màu. “Điều đáng nói, khi dự án thủy điện dựng lên đã lấn chiếm rừng phòng hộ mỗi nơi một ít, với khoảng 7 ha. Khi phát hiện, huyện đã xử phạt và đang tiếp tục xin chủ trương của tỉnh”, ông Bê nói.
Theo ông Bê, trước đây chủ đầu tư tự ý san lấp đất rẫy của người dân và đã có chính sách hỗ trợ. Ngoài các hộ dân đã nhận thì hiện nay vẫn có một số hộ dân khác chưa đồng ý vì cho rằng giá hỗ trợ quá thấp. Bên cạnh đó, hơn 1 km đường ống dẫn nước đi qua đất sản xuất của người dân, dù đã tiến hành đo đạc nhưng một số hộ dân vẫn chưa được nhận đền bù. “Người dân nhiều lần đi đòi, nhưng chủ đầu tư hứa mãi vẫn không thấy đâu, đến khi giám đốc bị bắt dân không biết kêu ai”, ông Bê ngao ngán.
Nợ dân tiền tỉ
Ông Hồ Văn Khu, Chủ tịch UBND xã Phước Năng, cho hay hiện vẫn còn 43 hộ dân của địa phương bị ảnh hưởng của dự án chưa được chủ đầu tư thủy điện Nước Chè đền bù, dù chủ đầu tư đã san lấp đất rẫy. “Hiện tổng số tiền chủ đầu tư nợ của 43 hộ dân hơn 1 tỉ đồng. Ba năm qua, người dân đi đòi nhưng nhận lại chỉ là lời hứa suông. Chúng tôi cũng đã làm nhiều văn bản kiến nghị lên huyện yêu cầu chủ đầu tư sớm giải quyết cho dân nhưng vẫn không đâu vào đâu”, ông Khu nói.
Theo ông Khu, khi thủy điện chưa được phê duyệt xây dựng, trên sông Nước Chè có một cây cầu treo để người dân qua lại sản xuất; người dân cũng thường dẫn nước từ khe đá về dùng. Nhưng khi thủy điện đi vào xây dựng thì cầu treo biến mất, nước sinh hoạt của người dân cũng không còn.
“Khi người dân và chính quyền kiến nghị thì chủ đầu tư hứa sẽ làm lại cầu treo, khoan giếng nước nhưng hứa miết mấy năm nay vẫn chưa thực hiện. Nói thủy điện đem lại lợi ích mô không thấy, giờ thấy toàn khó khăn cho dân. Phá hết đất đai của dân khiến dân mất đất sản xuất nhưng chưa chịu bồi thường”, ông Khu bức xúc và thông tin thêm, dù giám đốc được tại ngoại nhưng vụ án vẫn trong quá trình tố tụng, nên không biết khi nào thủy điện này mới hoạt động trở lại.
Một lãnh đạo H.Phước Sơn cho biết do giám đốc dự án bị công an khởi tố về hành vi liên quan đến vật liệu nổ, nên việc tiếp tục triển khai dự án (đầu tư hàng trăm tỉ đồng) chỉ thực hiện được sau khi vấn đề liên quan đến pháp luật được xử lý xong. Còn ông Khu quả quyết: “Trước khi hoạt động lại, chúng tôi nhất quyết yêu cầu phải bồi thường tiền trước cho dân mới cho làm”.
Từng tự ý san ủi diện tích hoa màu của dân
Tháng 9.2018, khi H.Phước Sơn chưa có quyết định phê duyệt giá đất cũng như cây cối, hoa màu để làm cơ sở đền bù cho người dân, thì chủ đầu tư thủy điện Nước Chè đã tự ý san lấp mặt bằng để thi công, làm vùi lấp đất đai, cây cối, hoa màu khiến người dân bức xúc, gửi đơn khiếu kiện. Qua kiểm tra, chính quyền H.Phước Sơn đã đình chỉ hoạt động xây dựng, san lấp công trình để tập trung giải quyết các thủ tục đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, thế nhưng chủ đầu tư vẫn tiếp tục cho các phương tiện thi công, san lấp...
Theo Mạnh Cường (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.