Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ phải làm rõ tính hiệu quả trong sử dụng các nguồn vốn vay và khả năng trả nợ đi đôi với thực hiện mục tiêu kiểm soát nợ công.
Phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 sáng nay (29-10), tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các thành viên Chính phủ cùng với phân tích tình hình kinh tế- xã hội, cần tập trung làm rõ một số vấn đề nổi lên liên quan đến nợ công và cơ cấu thu chi ngân sách; nợ xấu và giải pháp kiểm soát để đạt được mục tiêu đến năm 2015 nợ xấu chỉ còn 3%; các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ảnh minh họa |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng mặc dù các báo cáo của Chính phủ đều nhận xét nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, tuy nhiên chưa làm rõ sự chủ động, bị động và nguyên nhân tăng nợ công.
Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ phải làm rõ 2 nội dung quan trọng đó là tính hiệu quả trong sử dụng các nguồn vốn vay và khả năng trả nợ đi đôi với thực hiện mục tiêu kiểm soát nợ công trong những năm tiếp theo.
Cùng với vấn đề nợ công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý các thành viên Chính phủ phân tích thêm về thu, chi ngân sách, tập trung làm rõ cơ cấu chi trong đó có chi thường xuyên, đầu tư từ ngân sách và chi cho trả nợ và viện trợ; đồng thời làm rõ mặt tích cực, hạn chế từ đó đề ra giải pháp, lộ trình mục tiêu để điều chỉnh cơ cấu chi ngân sách hợp lý hơn trong thời gian tới.
Liên quan đến xử lý nợ xấu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng đây là vấn đề đã được Chính phủ thảo luận nhiều, ngay từ đầu năm Chính phủ đã thực hiện quyết liệt chủ trương tái cơ cấu ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu. Trên cơ sở này, Chính phủ đặt ra mục tiêu năm 2015 tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 3%. Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ làm rõ tiêu chí để tính tỷ lệ nợ xấu, từ đó kiến nghị giải pháp, lộ trình thực hiện một cách vững chắc mục tiêu này.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các Bộ ngành, báo cáo cụ thể tình hình các doanh nghiệp trong 10 tháng qua gắn với những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong thời gian tới.
Thủ tướng cho rằng trong nền kinh tế thị trường, việc các doanh nghiệp giải thể, phá sản để tái cơ cấu góp phần cho nền kinh tế hoạt động hiệu quả hơn là quy luật tất yếu, tuy nhiên Chính phủ cần làm rõ tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động so với các doanh nghiệp thành lập mới và như thế nào là ở mức bình thường, từ đó đề ra hướng điều hành trong những tháng tiếp theo góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Theo VOV