Câu hỏi này được người đứng đầu Chính phủ đặt ra cho Ban Kinh tế T.Ư, tại hội nghị tổng kết của Ban diễn ra sáng 17.1, tại Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị sáng 17.1. Ảnh Gia Hân
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, năm 2019 là năm mà Ban Kinh tế T.Ư sau khi tái lập đạt được nhiều kết quả ấn tượng nhờ vào sự thay đổi tư duy, quản lý thông qua một loạt các nghị quyết quan trọng của Đảng được ban hành. Các nghị quyết đó tạo cơ sở để Chính phủ triển khai nhiều chương trình hành động, từ xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, thu hút FDI,... đến cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Sự thành công của Việt Nam trong năm qua trên mặt trận kinh tế, được Thủ tướng ghi nhận có sự đóng góp vô cùng quan trọng của Ban Kinh tế T.Ư. Thứ nhất là thực hiện tốt vai trò cơ quan nghiên cứu, tham mưu cấp chiến lược đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành được các đề án lớn. Ví dụ, Nghị quyết số 52 về cuộc Cách mạng 4.0, Nghị quyết số 50 thu hút FDI…
Thứ hai, công tác phối hợp với Chính phủ có sự thống nhất cao từ nhận thức đến hành động, từ nghị quyết của Đảng đến nghị quyết của Chính phủ. “Không có hiện tượng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược hay ông nói gà bà nói vịt. Và cũng không hề giẫm chân nhau”, Thủ tướng ghi nhận.
Thứ ba, các ý kiến thẩm định, đóng góp vào các đề án mà Chính phủ trình Bộ Chính trị của Ban Kinh tế T.Ư thể hiện quan điểm rõ ràng, chất lượng tốt. Ban cũng đã tiếp tục kiểm tra, giám sát thực hiện chủ trương của Đảng, kịp thời nắm bắt đề xuất những khó khăn, vướng mắc. Như giám sát Nghị quyết số 12 về nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; Nghị quyết 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển…
“Cá nhân tôi đánh giá cao trách nhiệm của đồng chí Trưởng Ban Kinh tế. Sự năng động, sáng tạo trong tham mưu, xây dựng chính sách. Chúng tôi thậm chí cũng vỗ vai nhau, gọi điện bàn trực tiếp những vấn đề quan trọng, chứ không chỉ gói gọn trong các cuộc họp”, Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh Gia Hân
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Ban Kinh tế T.Ư nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách mới để tận dụng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số làm sao để lan toả rộng khắp, mạnh mẽ tại Việt Nam.
“Chúng ta đang phấn đấu 30% tăng trưởng GDP từ kinh tế số. Ông Jackma ở Alibaba giàu nhất Trung Quốc từ thương mại điện tử. Mình hiện nay điện thoại thông minh phổ cập ở Việt Nam, nhưng sử dụng để thanh toán, truy xuất nguồn gốc, xử lý các vấn đề kinh tế phát triển thì chúng ta chưa làm được”, Thủ tướng lưu ý.
Đối với mô hình đặc khu kinh tế, theo Thủ tướng đang giúp nhiều nước vươn lên và nhanh chóng tham gia vào nhóm quốc gia công nghiệp phát triển. “Thời thế mới các mô hình đặc khu sẽ như thế nào, có mô hình nào chúng ta có thể áp dụng để tìm ra đồng lực mới trong tăng trưởng kinh tế của nước ta. Việt Nam có cần đặc khu kinh tế không”, người đứng đầu Chính phủ đặt câu hỏi và nhắc lại, hai cuộc biểu tình bạo loạn, chống phá trong lần Chính phủ trình luật Đặc khu kinh tế.
Nguyên nhân do lúc đó chưa làm tốt công tác truyền thông, có nhiều sơ suất. “Giờ chúng ta cần tiếp tục làm. Những mô hình trên thế giới, nhưng khu kinh tế, công nghiệp là những mô hình cần nghiên cứu. Ban Kinh tế sẽ giúp cho Bộ Chính, Ban Bí thư cũng như phối hợp cùng Chính phủ để phối hợp xử lý vấn đề”, Thủ tướng đề nghị.
Đề cấp tới vấn đề tích tụ ruộng đất, Thủ tướng lưu ý đang có nhiều vướng mắc cần tiếp tục nghiên cứu, tìm lời giải tốt hơn trong việc sửa luật Đất đai để trình Bộ Chính trị và báo cáo Quốc hội.
“Đây là những vấn đề nhạy cảm, bức xúc hiện nay trong quá trình điều hành. Tôi nghĩ Ban Kinh tế sẽ phối hợp với Chính phủ đề nghiên cứu sâu hơn. Nhất là việc phát triển hàng hoá lớn tập trung trong nông nghiệp. Nông nghiệp Việt Nam xuất khẩu đứng đầu Đông Nam Á, có thể xuất khẩu nhiều hơn nữa ra thế giới nếu chúng ta tích tụ được ruộng đất, chứ không phải manh mún mấy triệu mảnh như hiện nay”, Thủ tướng trăn trở.
Anh Vũ (Thanh Niên)