Thủ tướng đối thoại với nông dân: Kỳ vọng có nhiều đề xuất, giải pháp thực hiện mục tiêu kép

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Trước thềm hội nghị, phóng viên Dân Việt đã phỏng vấn đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN.

Hôm nay, ngày 28/9, tại TP.Buôn Ma Thuột, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ NNPTNT, UBND tỉnh Đăk Lăk tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân lần thứ 3 - năm 2020 với chủ đề: "Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại".

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với nông dân và các đại biểu tại Hội nghị đối thoại với nông dân lần thứ 2 (2019), tổ chức tại Cần Thơ. Ảnh: Q.H
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với nông dân và các đại biểu tại Hội nghị đối thoại với nông dân lần thứ 2 (2019), tổ chức tại Cần Thơ. Ảnh: Q.H


Đây là năm thứ 3 liên tiếp Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân được tổ chức. Đồng chí đánh giá thế nào về việc tổ chức cho nông dân có dịp được đối thoại với Thủ tướng như một sự kiện thường niên?

- Bác Hồ muôn vàn kính yêu đã khẳng định: Nhân dân ta mà nòng cốt là công nông là gốc, là chủ, "quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân" và "chính quyền từ xã đến Chính phủ T.Ư do dân cử ra để lo cho dân có độc lập, tự do, có ruộng cày, có cơm ăn, áo mặc, nhà ở và ai cũng được học hành"...

Do đó, sự kiện thường niên Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân cả nước có ý nghĩa rất lớn trong việc tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân mà nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc và thể hiện sinh động Chính phủ là của dân, do dân và vì dân.

Việc Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN phối hợp tổ chức sự kiện thường niên Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân là một trong những hoạt động mới, chủ động, tích cực và phản ánh đúng bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Sự kiện đối thoại lần này không chỉ có ý nghĩa lớn lao như tôi vừa nêu mà quan trọng hơn nhiều là có sự thống nhất rất cao giữa Đảng, Nhà nước và đồng bào nhân dân nói chung - mà đông đảo nhất là đồng bào nông dân nói riêng - trong thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn tới sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, nhất là ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, vậy đồng chí có kỳ vọng gì tại hội nghị đối thoại lần thứ 3 này?

- Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn cầu, cả Tổng Thư ký Liên Hợp quốc, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cùng nhiều nhà lãnh đạo và nhà kinh tế đều nhận thấy thế giới của chúng ta đang bước vào giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng và tính chất khủng hoảng rất khác với các cuộc khủng hoảng trước, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn và có thể gián đoạn kéo dài...

Vì vậy để thực hiện thắng lợi mục tiêu kép của Đảng và Nhà nước ta, tại hội nghị đối thoại lần này, đồng chí Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất mong muốn được lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, cũng như sự hiến kế của các nhà nông, nhà doanh nghiệp, các giám đốc hợp tác xã nông nghiệp để Thủ tướng hệ thống hoá và có sự chỉ đạo chặt chẽ thống nhất cao hơn nữa trên cơ sở phát huy tinh thần tự lực, tự cường của nhân dân cả nước, nhất là đồng bào nông dân nước ta.

Sự kiện Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 3 được Thủ tướng xem xét, lựa chọn tổ chức ở tỉnh Đăk Lăk - là vùng Tây Nguyên nước ta. Tôi cho rằng, tại hội nghị đối thoại lần thứ 3 này chắc chắn sẽ có nhiều điều thú vị, thậm chí là bất ngờ và bất ngờ có duyên trong việc tìm tòi những giải pháp để thực hiện tốt mục tiêu kép trong hội nghị đối thoại lần này.

Chắc chắn Thủ tướng sẽ giải đáp thỏa đáng, định hướng đúng đắn và đồng hành với khát vọng của đồng bào nông dân ta vì mục tiêu phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo.

Với chủ đề hội nghị đối thoại là: "Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại" thì nội dung nào là quan trọng cần tập trung ưu tiên nhất trong giai đoạn hiện nay, thưa Chủ tịch?

- Với chủ đề hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với nông dân lần thứ 3 này thì nội dung đẩy mạnh công nghiệp hoá nông nghiệp - mà trọng tâm là phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn chặt với công nghiệp chế biến nông sản và đảm bảo môi trường sinh thái tự nhiên nhằm đạt được cả ba mục tiêu: Năng suất, chất lượng và giá trị nông sản, là một trong những nội dung quan trọng.

Tôi cho rằng nhiệm vụ và giải pháp thực hiện mục tiêu này có ý nghĩa chiến lược và có tính đột phá để nước ta không chỉ là một trong những trung tâm sản xuất lương thực, thực phẩm mà còn phải là trung tâm chế biến lương thực, thực phẩm của thế giới.

Trong năm nay, việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2020-2025 và 2020-2030, tôi thiết nghĩ phát triển mạnh mẽ cơ khí nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản phải được coi là giải pháp ưu tiên.

Theo đó, một chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ phải được đặt ra ở các tỉnh, thành phố trong mối quan hệ liên kết vùng dưới sự điều hành, tập trung thống nhất của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Nông dân và chủ nhân của quá trình đó chính là đẩy mạnh trí thức hóa nông dân, hình thành nên những người nông dân kiểu mẫu "vừa hồng, vừa chuyên", vừa có đạo đức công dân, vừa có kỹ năng canh tác nông nghiệp hàng hoá thì sẽ có hợp tác xã kiểu mẫu và thôn kiểu mẫu theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Để thực hiện điều này, Ban Chấp hành mà trực tiếp là Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN đã xác định phải tập trung rất cao cho việc xây dựng Chi hội nông dân nghề nghiệp, Tổ hội nông dân nghề nghiệp và xây dựng các chi hội sinh viên nông dân để đẩy mạnh trí thức hoá nông dân. Chỉ có trí thức hoá nông dân một cách mạnh mẽ thì mới có thể đẩy mạnh công nghiệp hoá nông nghiệp và văn minh hoá, hiện đại hoá nông thôn.

Chủ đề hội nghị đối thoại lần này bao hàm cả đẩy mạnh công nghiệp hoá nông nghiệp, tri thức hoá nông dân và văn minh hoá, hiện đại hoá nông thôn mà nội dung trọng tâm sẽ được cả đồng bào nông dân và cả đồng chí Thủ tướng Chính phủ quan tâm là công nghiệp chế biến và phát triển nông nghiệp hữu cơ sẽ phải được rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách để mạnh mũi nhọn này.

Một vấn đề rất nhiều nông dân đang quan tâm hiện nay là tìm đầu ra cho nông sản và nâng cao giá trị nông sản. Vậy T.Ư Hội NDVN có giải pháp gì để hỗ trợ hội viên nông dân?

- Vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tôi và Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường vừa đồng chủ trì hội nghị đẩy mạnh phát triển ngành cơ khí nông nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến - đây chính là lĩnh vực mà đồng chí Thủ tướng đặc biệt quan tâm.

Do đó, với trách nhiệm là Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN, tôi luôn chủ động và mong muốn Ban Chấp hành, Ban Thường vụ triển khai một số việc cụ thể để phục vụ cho đồng bào nông dân; đồng thời cung cấp thông tin về sản xuất và tiêu thụ nông sản, nhất là các thông tin liên quan đến dự báo thị trường các loại hàng hoá nông sản cho nông dân.

Trong thời gian qua, Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN tập trung rất cao cho việc củng cố nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của các Trung tâm Môi trường và Phát triển bền vững, Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn, trong đó đẩy mạnh các hoạt động cung cấp thông tin về sản xuất, tiêu thụ và thị trường nông sản.

Giải pháp thứ 2 theo tôi rất quan trọng, đó là giới thiệu, hỗ trợ cho hội viên nông dân tiếp cận những loại vật tư nông nghiệp tốt nhất bao gồm cả 2 nguồn từ trong nước và nước ngoài, để đồng bào nông dân không chỉ thực hiện tốt ở khâu sản xuất mà còn cả khâu bảo quản sau thu hoạch và tổ chức chế biến theo đúng quy chuẩn quốc tế.

 Trên cơ sở đó kết nối với thị trường. Việc kết nối với thị trường tự người nông dân làm sẽ rất khó khăn, cho nên Chính phủ mà trực tiếp là các bộ, ngành và Hội NDVN phải phối hợp thực để chỉ dẫn về thị trường.

Giải pháp thứ 3 là tập trung vào công tác đào tạo, dạy nghề, đẩy mạnh trí thức hoá, nâng cao trình độ cho nông dân. Đa số đông đảo đồng bào nông dân chưa được học nghề, chưa được cọ xát trên thương trường nên việc kết nối cung cầu theo chuỗi giá trị và theo mối quan hệ 6 nhà còn hạn chế.

Giải pháp thứ 4 là giải quyết vấn đề then chốt đó là xây dựng đội ngũ cán bộ Hội từ T.Ư đến cơ sở ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ. T.Ư Hội đã tập trung rất cao cho việc đào tạo đội ngũ cán bộ Hội để đội ngũ này tiếp thu được các kiến thức mới, chuyên sâu đáp ứng nhu cầu triển khai nhiệm vụ, công việc trong tình hình mới.

Xin cảm ơn Chủ tịch!

https://danviet.vn/thu-tuong-doi-thoai-voi-nong-dan-ky-vong-co-nhieu-de-xuat-giai-phap-thuc-hien-muc-tieu-kep-20200925182356123.htm
 

Theo Thu Hà (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm