Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Biến cây dại thành loài hoa độc đáo

Bị mê hoặc bởi vẻ đẹp tinh khôi của loài hoa ngũ sắc, những năm qua, anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) đã mày mò lai ghép thành những chậu bonsai tuyệt đẹp với đủ sắc màu. Hiện khu vườn nhà anh Tuấn đã có hơn 800 cây bonsai thu hút nhiều người đến tham quan.

“Năm 2015, khi tình cờ bắt gặp loài hoa dại này nở rộ tại công viên, tôi đã bị mê hoặc bởi vẻ đẹp tự nhiên của nó. Từ đó, tôi quyết định sưu tầm và bắt đầu tìm hiểu, trồng và nhân giống loài hoa này”-anh Tuấn cho biết.

sau-nhieu-nam-miet-mai-nghien-cuu-va-cham-soc-anh-tran-minh-tuan-tru-tai-thon-phu-quang-xa-ia-hru-huyen-chu-puh-da-lai-tao-duoc-hang-nghin-chau-hoa-ngu-sac-va-ban-cho-thuong-lai.jpg
Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Phong trào chơi ngũ sắc lan rộng, chỉ tính riêng xã Ia Hrú đã có gần 20 hộ trồng để bán. Anh Nguyễn Văn Quang cho hay: Năm 2018, anh bắt đầu trồng hoa ngũ sắc. Hiện anh đang sở hữu bộ sưu tập với 300 chậu hoa, mỗi chậu mang một vẻ đẹp riêng, phong phú sắc màu, từ đỏ đô, hồng tuyết, tím tuyết, đến vàng nghệ… với những dáng thế độc lạ. Bên cạnh những gốc cây với thế độc lạ, anh còn nhập về những giống hoa ngũ sắc Thái quý hiếm và khéo léo ghép chúng với các loài hoa dại ở địa phương.

Anh Quang cho biết: “Để tạo nên những tác phẩm đẹp, người trồng phải tỉ mỉ uốn nắn, chăm chút từng cành lá, từng bông hoa. Việc nắm vững đặc tính riêng biệt của mỗi loài cây là yếu tố quyết định thành công”-anh Quang cho biết.

Từ niềm đam mê sưu tầm cây cảnh, ông Chế Văn Dũng (tổ 9, phường Yên Thế, TP. Pleiku) đã lùng sục khắp nơi để tìm kiếm những “viên ngọc thô” của thiên nhiên. Hiện tại, vườn hoa ngũ sắc của ông đang sở hữu hơn 50 chậu, mỗi gốc mang một dáng thế và màu hoa khác nhau.

Ông Dũng chia sẻ: “Tôi bắt đầu trồng từ năm 2019, khi phong trào này mới nở rộ ở Gia Lai. Lúc đó, tôi chỉ trồng vài cây vì thấy loài hoa này khá lạ mắt. Thế nhưng, không ngờ lại có rất nhiều người hỏi mua. Nhận thấy tiềm năng của loại cây này, tôi quyết định mở rộng quy mô”.

“Cháy” hoa dịp Tết Ất Tỵ 2025

Anh Trần Minh Tuấn thông tin: Những năm trước, thương lái thường bắt đầu mua hoa từ giữa tháng Chạp. Năm nay, ngay từ tháng 11 âm lịch, các nhà vườn phía Bắc đã đổ xô vào Gia Lai tìm kiếm nguồn hàng để đảm bảo có đủ hoa phục vụ thị trường Tết. Điều này khiến nguồn cung hoa ngũ sắc không đủ đáp ứng. Giá bán dao động từ 200.000 đồng đến vài triệu đồng, tùy thuộc vào độ độc đáo của mỗi cây.

“Gia đình tôi đã bán được 1.000 chậu hoa ngũ sắc và dự kiến sẽ bán hết 100 chậu còn lại. Mỗi năm, gia đình tôi thu về khoảng hơn 300 triệu đồng từ việc bán hoa ngũ sắc, trong đó thu nhập nhiều nhất là vào dịp Tết”-anh Tuấn cho biết.

Theo anh Tuấn, do ảnh hưởng mưa bão nên nhiều vườn hoa ở khu vực miền Bắc bị hư hại nghiêm trọng. Điều này khiến giá hoa ngũ sắc tăng cao đột biến và trở thành mặt hàng “hot” được săn lùng trên thị trường. Hiện tại, giá hoa ngũ sắc tại Gia Lai đã tăng 30-40% so với năm trước. Nếu như năm ngoái, một chậu hoa có giá khoảng 350.000 đồng thì năm nay đã lên tới 450.000 đồng. Đặc biệt, các chậu bonsai ngũ sắc có dáng thế phong thủy tăng từ 300.000 đồng đến 2,5 triệu đồng/chậu.

nho-su-tang-truong-manh-me-trong-nhu-cau-gia-hoa-ngu-sac-tai-gia-lai-da-tang-tu-30-40-so-voi-nam-truoc-anh-dong-lai.jpg
Nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ trong nhu cầu, giá hoa ngũ sắc tại Gia Lai đã tăng từ 30-40% so với năm trước. Ảnh: Đồng Lai

Ông Chế Văn Dũng chia sẻ: “Với nhu cầu ngày càng cao của thị trường, tôi đang lên kế hoạch mở rộng diện tích trồng hoa và đa dạng hóa các giống hoa ngũ sắc. Hy vọng trong tương lai, hoa ngũ sắc sẽ được nhiều người ưa chuộng hơn”.

Đến thời điểm này, anh Nguyễn Văn Quang đã bán 180 chậu, còn 120 chậu cũng đã có người đặt hàng. Năm nay, giá các chậu hoa tăng nhưng không đủ số lượng để bán. Anh trồng đến đâu thì bán hết đến đó.

Anh Quang cho biết thêm: Cây ngũ sắc vốn là loài cây hoang dại nên có sức sống vô cùng mãnh liệt. Chính vì thế, việc trồng và chăm sóc loại cây này khá đơn giản. Người trồng chỉ cần đặt cây ở nơi có nhiều ánh sáng, tưới nước đều đặn và bổ sung thêm một ít phân bón. Đặc biệt, cây ngũ sắc có bộ rễ chùm, việc thay đất định kỳ khi trồng trong chậu là vô cùng cần thiết.

Bên cạnh đó, người trồng cần thường xuyên kiểm tra và phòng trừ các loại nấm bệnh để đảm bảo cây luôn khỏe mạnh và phát triển tốt. Để hoa ngũ sắc nở đồng loạt và rực rỡ, chỉ cần cắt tỉa hết phần hoa đã tàn, sau đó bổ sung đầy đủ nước và dinh dưỡng cho cây.

Có thể bạn quan tâm

Năng suất và giá lúa trà sớm giảm, nông dân kém vui

Năng suất và giá lúa trà sớm giảm, nông dân kém vui

(GLO)- Hiện nay, một số vùng trọng điểm lúa nước của tỉnh Gia Lai đang thu hoạch lúa trà sớm vụ Đông Xuân 2024-2025. Tuy nhiên, một số vùng bị ảnh hưởng của thời tiết nên bước vào thu hoạch năng suất giảm. Hơn nữa, giá lúa Đông Xuân cũng giảm, nông dân thu lợi nhuận không cao so với năm trước.

Các thương hiệu cà phê của Gia Lai được trưng bày, giới thiệu tại nhiều điểm bán hàng OCOP. Ảnh: V.T

Xây dựng thương hiệu: Đòn bẩy để nông sản vươn xa

(GLO)- Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là một bước quan trọng trong phát triển bền vững và là đòn bẩy để nông sản vươn xa. Sự thành công trong xây dựng thương hiệu không chỉ giúp tăng giá trị cho sản phẩm mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp trong tương lai.

Người dân xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Vũ Thảo

Niên vụ hồ tiêu 2024-2025: Niềm vui chưa trọn

(GLO)- Thời điểm này, bà con nông dân trong tỉnh Gia Lai đang khẩn trương thu hoạch hồ tiêu niên vụ 2024-2025. Dù giá hồ tiêu đang ở mức cao nhưng do ảnh hưởng bởi thời tiết, nhất là giai đoạn cây ra hoa gặp không khí lạnh kéo dài dẫn đến năng suất giảm 20-30% so với vụ trước.